Cả một thời tuổi trẻ quên mình vì đất nước, đi qua chiến tranh, họ trở về cuộc sống đời thường bình dị, nhưng thẳm sâu trong ký ức vẫn còn những kỷ niệm hào hùng đọng mãi khôn nguôi…
1. Sinh ra trên mảnh đất bờ bắc sông Thu Bồn, chứng kiến quê hương bị giặc giày xéo, cùng nỗi đau mất mát người thân, ông Trịnh Xuân Bình (thôn Phú Hương, xã Đại Quang, Đại Lộc) đã đến với cách mạng. “Hôm đó độ 7 giờ tối, khoảng 10 tên mặc đồ bà ba đen bịt mặt, mang súng tiểu liên kéo đến nhà chị gái tôi (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Thị Liền - NV) bắt anh Trần Thông chồng chị. Chúng trói quặp 2 tay, 2 chân, bịt miệng rồi dùng cây khiêng anh đi. Lúc đó chị Liền giằng co quyết liệt để bảo vệ chồng nên địch đã bắn anh Thông chết ngay trước nhà” - ông Bình kể. Căm thù tội ác của giặc, chàng trai trẻ Trịnh Xuân Bình xin gia nhập lực lượng giải phóng. Sau khi tham gia lực lượng bộ đội, ông được đơn vị cử đi học khóa đào tạo y tá quân y và trở về phục vụ chiến trường Quảng Đà. Đầu năm 1970, khi chiến sự diễn ra ác liệt, trong một lần nhận nhiệm vụ di chuyển thương binh ra vùng hậu cứ, đơn vị ông Bình gặp phải trận càn của địch. Trong thế chống trả, vừa chiến đấu vừa bảo vệ thương binh, ông Bình bị trọng thương, sau đó được đưa về hậu cứ rồi chuyển ra Bắc chữa trị.
Ông Trịnh Xuân Bình và vợ trong cuộc sống đời thường. Ảnh: T.Đại |
Những ngày trên giường bệnh ông Bình gặp gỡ, trò chuyện với nhiều thương binh là cán bộ, chiến sĩ trên các mặt trận phía Nam. Họ là những chiến sĩ cách mạng đã trải qua nhiều chiến trường gian khổ ác liệt, qua nhiều nhà tù, chịu nhiều cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, nay thân thể không còn nguyên vẹn nhưng chí khí chiến đấu vẫn luôn kiên cường bất khuất. “Thấy họ thương tật nặng nhưng vẫn sống lạc quan, không từ bỏ ý chí chiến đấu, tôi nghĩ mình không thể chùn bước, mặc dù tình trạng thương tật của tôi lúc đó rất nặng. Sau đó tôi được đưa ra nước ngoài điều trị, rồi trở lại miền Bắc, mãi cho đến lúc đất nước giải phóng mới trở về quê hương” - ông Bình kể.
2. Với bà Lê Thị Sáu (Điện Dương, huyện Điện Bàn), ký ức thời thanh xuân là những tháng năm hoạt động nội tuyến sôi nổi. Tuy thời gian đã qua hơn 40 năm nhưng trong bà vẫn vẹn nguyên ký ức. Năm Lê Thị Sáu vừa tròn 11 tuổi, ba mẹ bị giặc bắt tù đày tra tấn đến chết. Ít lâu sau, 3 anh chị tiếp tục thoát ly tham gia kháng chiến, người bị tù đày, người hy sinh trên chiến trường. Thấm thía nỗi đau mất nước, mất người thân, năm 13 tuổi cô bé Lê Thị Sáu tình nguyện làm giao liên hoạt động tại 3 xã vùng cát Điện Dương - Điện Ngọc - Điện Nam với tâm nguyện “góp xương máu, giành độc lập cho quê hương, đất nước”. Tham gia mặt trận, dù hoạt động “đơn tuyến” hay “đa tuyến”, với tinh thần hăng hái, khôn khéo, cô bé Lê Thị Sáu đều được tổ chức tin tưởng phân công đảm nhận thực hiện nhiều nhiệm vụ công tác đặc biệt.
Bà Lê Thị Sáu, người chiến sĩ giao liên năm xưa. Ảnh: K.LINH |
Bà Sáu nhớ lại, có lần vào khoảng giữa năm 1968, khi cấp trên giao nhiệm vụ phải đưa được nhóm thanh niên từ Bắc Mỹ An (Đà Nẵng) lên vùng căn cứ cách mạng, một nhiệm vụ quá nặng nề và nguy hiểm với cô bé giao liên lúc đó. Tuy nhiên, bà vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi chia nhóm ra cải trang thành những đôi tình nhân, hay nhóm học sinh, những người đi đưa tang… để đưa toàn bộ số thanh niên vào vùng căn cứ cách mạng an toàn. “Người làm giao liên không chỉ là người đưa nhận công văn, biết ngụy trang, nghi trang, giả trang để che mắt địch mà còn phải có một trí nhớ tốt để tiếp thu thông tin và truyền đạt nội dung trong những trường hợp không được phép ghi chép hoặc dùng văn bản. Ngoài việc thông thuộc địa bàn để tổ chức đưa đón cán bộ, còn phải thông thạo địa hình, địa vật để ứng phó với địch trong những tình huống gặp nguy hiểm” - bà Lê Thị Sáu đúc kết kinh nghiệm hoạt động giao liên của mình.
* *
*
Hòa bình lập lại, ông Bình, bà Sáu trở về với cuộc sống đời thường. Cô Sáu do điều kiện công tác đã chuyển ra sinh sống tại phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Đến tuổi xế chiều, bà Sáu về sinh hoạt tại địa phương và luôn được người dân tin tưởng bầu các chức vụ công tác tại cơ sở. “Bây giờ lớn tuổi rồi ít có dịp về quê, nhưng trong tôi ký ức về một thời tuổi trẻ hoạt động, chiến đấu vẫn chưa phai mờ. Tôi nhớ những người thân, đồng chí của mình đã chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất này. Mỗi lần như vậy mình lại nguyện với lòng và nhắc nhở con cháu hãy sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của cha anh để có ngày hôm nay” - bà Sáu tâm sự.
Còn với ông Bình, cuộc sống hôm nay là thành quả được trả bằng xương máu nên ông tâm niệm: “Mình sống không phải chỉ cho bản thân mà cả đồng đội đã ngã xuống”. Thế nên, dẫu sức khỏe hạn chế, người cựu chiến binh 84 tuổi này vẫn không bao giờ ngừng nghỉ. Ở vị trí công tác nào ông cũng giữ nguyên tắc: “Việc gì tốt cho bà con thì làm”. Vì vậy, ông rất hạnh phúc mỗi khi mua được chiếc áo tặng học sinh nghèo, góp ít lon gạo vào nồi cơm của những hộ neo đơn, vận động giúp đỡ người tàn tật... Ông luôn giữ thói quen đến thăm hỏi, chuyện trò cùng nhiều gia đình trong thôn, qua đó có dịp chia sẻ nhiều kỷ niệm của bản thân và đồng đội trong kháng chiến để bà con biết trân trọng cuộc sống hôm nay.
K.LINH - T. ĐẠI