Những người đi tìm sao la

Phóng sự của BÌNH PHÚ 27/08/2016 08:50

“Mình đi tìm loài vật mà chỉ mới nghe kể chứ chưa bao giờ được thấy tận mắt. Cứ đi và luôn phải hy vọng, nhiều khi tưởng chừng như thành công đến rất gần nhưng lại hụt hẫng…”- anh Văn Công Nhật, 31 tuổi, thành viên đội bảo vệ rừng thuộc Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam (ở huyện Tây Giang) bắt đầu câu chuyện về công việc mà anh và đồng nghiệp theo đuổi hơn 4 năm nay.

Anh Văn Công Nhật, thành viên đội bảo vệ rừng thuộc Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam ghi lại các thông số trong chuyến đi tuần rừng. Ảnh: BÌNH PHÚ
Anh Văn Công Nhật, thành viên đội bảo vệ rừng thuộc Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam ghi lại các thông số trong chuyến đi tuần rừng. Ảnh: BÌNH PHÚ

Anh Nhật là một trong 24 thành viên của đội bảo vệ rừng thuộc dự án Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam với công việc chính là bảo vệ các nguồn tài nguyên rừng trong khu bảo tồn, tháo dỡ bẫy thú. Nhưng nhiệm vụ khiến anh cùng các thành viên đêm ngày ăn ngủ không yên chính là đi tìm và ghi nhận sự hiện diện sao la, loài thú đang bên bờ tuyệt chủng. Các thành viên trong nhóm của anh Nhật đều có chung những phẩm chất là: trẻ, khỏe và… không sợ cô đơn.

Phá bẫy rồi đặt bẫy

Anh Pơ Loong Mun, 32 tuổi, cầm chiếc máy GPS (máy định vị) sờn cũ dẫn chúng tôi băng qua suối tiến sâu về phía rừng già. Đi đến đoạn bên lưng chừng đồi, anh bấm tọa độ rồi quay lưng nói: “Cũng dông (ngọn đồi) này đây, lần trước mình phá được hai cái bẫy rút ở vị trí chếch về phía đông, cao hơn chỗ mình đang đứng một chút. Nó đặt ngay nơi có lối đường mòn mà con thú lớn hay lên xuống”. Nói rồi anh Mun cùng một nhân viên bảo vệ rừng khác cầm con rựa lớn xé rừng, tỏa ra hai hướng tìm bẫy. Bước chân lăm lăm qua những bụi cây cao quá đầu gối, chừng 5 phút sau, chúng tôi nghe tiếng anh Mun “phát hiện được một cái rồi”. Chiếc bẫy kiểu “thắt cổ” được làm đơn giản bằng dây phanh xe đạp. Dây phanh được nối với một nhành cây uốn cong tạo thành sức bật, khi con thú vô tình đi qua thòng lọng thì nhành cây sẽ bật khiến con thú không tài nào chạy thoát.

Không yêu nghề sẽ không trụ được lâu

Ông Lương Viết Hùng, quản lý Hợp phần các Khu bảo tồn sao la ở Trung Trường Sơn cho biết, dự án bảo tồn sao la với các mục tiêu chính như: xây dựng công cụ quản lý dữ liệu; thiết lập hệ thống thực thi pháp luật bảo vệ rừng; giám sát đa dạng sinh học và nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân địa phương trong các xã vùng đệm khu bảo tồn. “Với nhiều mục tiêu như vậy nên anh em bảo vệ rừng ngoài các kỹ năng đi rừng và sức khỏe cần đòi hỏi tình yêu nghề đặc biệt. Quanh năm sống dưới những tán rừng, nếu ai không có tình yêu đặc biệt với rừng sẽ không trụ lại được lâu”- ông Hùng nói.

Anh Mun đưa một nhành cây đập nhẹ vào cái thòng lọng, lập tức sợi dây giật mạnh. “Coi cái dây thép nhỏ thế này nhưng lợn rừng cỡ vài trăm ký cũng không thoát được chứ đừng nói tới sơn dương, sao la. Con thú càng dùng sức cựa quậy sợi dây siết chặt”- anh Mun chỉ vào vết hằn sâu trên vỏ cây do sợi dây thép để lại. Sau màn “minh họa” này, anh Mun dùng con rựa chặt đi nhành cây rồi cuộn tròn sợi dây thép cho vào ba lô. Anh cùng một người nữa rút ống lấy bản đồ, ghi lại tọa độ bẫy vừa phá.

Một nhiệm vụ quan trọng không kém của đội bảo vệ là ghi nhận càng nhiều thông tin về các loài động vật quan trọng trong khu rừng càng tốt. Thông qua việc ghi nhận dấu chân, đặt các bẫy ảnh và thu vắt rừng để phân tích mẫu máu. Nếu Pơ Loong Mun “siêu phàm” trong việc phát hiện và phá các loại bẫy thì anh Văn Công Nhật lại rất “mát tay” trong việc đặt bẫy ảnh. Từ những vị trí anh đặt bẫy ảnh đã ghi nhận được nhiều loài động vật như gấu ngựa, sơn dương, thỏ vằn, tê tê Java... Dẫn chúng tôi đi xem một chiếc bẫy ảnh ở “tọa độ mật” được treo trên một thân cây với nguyên lý chụp ảnh dựa theo cảm biến nhiệt, anh Nhật cho biết hôm nay có các thành viên của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đi kèm nên đoàn được đặt cách vào xem bẫy và mở ảnh xem trực tiếp. Anh dùng khóa mở sợi dây xích máy ảnh rồi lấy thẻ nhớ cắm vào một chiếc máy ảnh nhỏ. Một, hai, ba rồi mười tấm ảnh hiện ra toàn… người, khuôn mặt anh Nhật lộ rõ vẻ thất vọng. Anh nói: “Khu vực này bên khe suối lại có cây môn thục là thứ sao la thích ăn tương tự địa cảnh chụp được ảnh sao la năm 2013 nên tôi đoán có khả năng “bắt” được ảnh. Dù sao thì cũng ghi nhận được có người ra vào khu vực này, mình sẽ tăng cường tuần tra hơn”.

Trong chuyến đi tuần rừng này, anh Nhật cũng mang theo nhiều lọ dung dịch để chứa mẫu vắt rừng. Một nguyên tắc được anh và đồng nghiệp nhắc nhở nhau là “luôn đi cắt rừng để thu nhiều bẫy, luôn đi thật xa để bắt nhiều loại vắt”. “Bẫy thú liên tục bị anh em phá nên bà con thường đặt ở vị trí không ai ngờ tới và ngụy trang cũng tinh vi, cứ phải cắt rừng mà đi chứ theo lối mòn thì không ăn thua. Còn đi xa là để thu được đa dạng mẫu vắt ở khu vực nghi ngờ có thú quý hiếm”- anh Nhật nói.

 Con đi vô rừng, cha ở làng giải thích

Anh Pơ Loong Mun, Arất Ka Piết, Bhling Te... là những người Cơ Tu ở các huyện miền núi của tỉnh đầu tiên tham gia dự án xã hội hóa nhân lực bảo vệ rừng sớm nhất trong cả nước này. Arất Ka Piết người xã BhaLêê, huyện Tây Giang là thành viên trẻ nhất của nhóm. Năm nay mới 30 tuổi nhưng đã hơn bốn năm “ăn ngủ với rừng làm dự án”. Năm 2011, khi nghe mấy “ông Tây” lên quê anh tuyển người bảo tồn sao la anh liền đăng ký vì nghĩ “xem mấy ông này tìm thú bằng cách chi”. Với kinh nghiệm đi rừng… không sợ lạc, Ka Piết được đào tạo thêm các kỹ năng “đi hiện trường” như đọc bản đồ, sử dụng GPS, la bàn, cách thu thập và tải dữ liệu để trở thành nhân viên bảo vệ rừng chuyên nghiệp. Ka Piết bảo trước đây anh cũng từng vào rừng để kiếm cái ăn, nhưng từ khi trở thành nhân viên khu bảo tồn, anh đã đoạn tuyệt hẳn với việc làm tổn hại đến rừng. Là đồng bào bản địa, lại có “nghiệp vụ” đi bẫy thú trước đây nên Ka Piết thuộc lòng những ngón nghề và đoán được lối đi săn của bà con, anh trở thành người bảo vệ rừng hăng hái nhất và có hiệu quả nhất. Việc làm của anh nhiều khi vẫn gặp sự “cự nự” của bà con trong thôn. “Thời gian đầu, vào rừng chuyến nào cũng gặp bà con với bạn bè mình. Nhiều người không hài lòng. Nhà mình còn bị trong thôn “nói ra nói vào”, cha mình phải cùng già làng giải thích mãi bà con mới hiểu”- Ka Piết kể.

Băng qua suối, bám vào các tảng đá “thầy tu” trơn trợt để đi tuần là công việc hàng ngày của các thành viên Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam.
Băng qua suối, bám vào các tảng đá “thầy tu” trơn trợt để đi tuần là công việc hàng ngày của các thành viên Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam.

Ka Piết kể nhiều chuyến anh em phát hiện ra vụ phá rừng nhưng trong tay chỉ có con rựa nên phải chia nhau chạy đến điểm báo tin để gọi thêm lực lượng kiểm lâm chi viện. Cứ thế mỗi tháng hai chuyến, Ka Piết cùng những thành viên trong tổ ăn ngủ, đi tuần quanh những cánh rừng rộng hơn 16.000ha của khu bảo tồn. Anh Nguyễn Thanh Long, thành viên đội bảo vệ rừng kể mỗi chuyến đi tuần rừng kéo dài tám ngày nhưng lương thực lúc nào cũng đủ để cả đội dùng trong mười ngày vì ở đây mưa gió thất thường, đường hay bị cắt vì nước suối dâng cao. “Nguyên tắc khi vào khu bảo tồn giống như dân phượt hay nói là “không lấy gì ngoài những bức ảnh và không để lại gì ngoài dấu chân” nên anh em không được lấy gì của rừng cả”- anh Long nói.

Còn với anh Văn Công Nhật thì nỗi sợ nhất lớn nhất không phải khó nhọc khi đi tuần mà là cảm giác… thất vọng khi những chiếc bẫy ảnh, mẫu vắt không mang lại kết quả gì sau những nỗ lực, cố gắng dài ngày của anh em. Anh Nhật kể rất nhiều lần phát hiện cây môn thục bị ăn mất phần lá, anh em khoanh vùng đặt bẫy ảnh và thu mẫu vắt với bán kính cả cây số. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những chiếc thẻ nhớ bẫy ảnh thì giao cho chuyên gia WWF, còn mẫu vắt lấy được gửi đi phân tích tại Trung Quốc và Đức. Kết quả sẽ được biết sau…vài tháng. “Trong thời gian chờ đợi kết quả mình di chuyển qua hàng chục tiểu khu, lúc nào cũng khấp khởi hy vọng về những nơi đã đi qua. Cứ như lần “bắt” được sao la năm 2013, ảnh chụp từ giữa năm nhưng đến tháng 10 anh em mới được “sung sướng”. Chỉ cần một lần như thế cũng đủ làm sống lại những hy vọng sau ngày dài mệt mỏi. Và tiếp tục hy vọng”- anh Nhật chia sẻ.

Phóng sự của BÌNH PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người đi tìm sao la
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO