Những người dò lòng đất

Phóng sự của BÍCH HẠNH 29/12/2014 08:46

Chỉ bằng vài công cụ thô sơ, giới tăm vàng có thể đi xuyên núi rừng, giải mã bí ẩn của lòng đất. Chuyện nghề, chuyện đời của họ đầy thăng trầm, hư thực…

Nhiều đêm ngủ lại trên đất Phước Thành (Phước Sơn), tôi được nghe những câu chuyện nhuốm màu hoang đường, đó là một nhóm người dưới thị trấn Khâm Đức lên Bãi Muối xã Phước Thành tìm được một cục đá bằng vàng nặng cả tấn, trên đường chở về thì bị giang hồ kéo lên chặn đánh, cướp bóc giữa đường. Nguyên do trọng lượng vàng quá nặng mà lòng tham con người vô hạn, không chịu chẻ đá ra chia phần công bằng nên hậu quả mất trắng “lộc trời”. Chuyện khác, giới làm vàng luôn dành sự thành kính cho ông T. (quê Thăng Bình) bởi có đôi mắt tinh tường nhận biết chính xác từng kim loại quý trong tảng đá vô hồn. Ông T. gần như “chẩn đoán” chính xác 100% những viên đá mồ côi có vàng thật. Rấc tiếc, ông đã bị vùi sâu dưới núi trong một tai nạn sập hầm cách đây 10 năm. Những câu chuyện về giới tăm vàng này đã ám ảnh tôi trong những lần đặt chân lên các vùng đất vàng…

Nhọc nhằn vào địa hình tăm vàng. Ảnh: HỮU PHÚC
Nhọc nhằn vào địa hình tăm vàng. Ảnh: HỮU PHÚC

“Siêu âm” lòng đất

Giới khai khoáng kháo nhau, chỉ có thợ tăm vàng mới “vẽ” chính xác bản đồ kim loại quý trong lòng đất. Trong giới tăm vàng thủ công bây giờ, người có hẳn công ty riêng, quản lý hàng trăm công nhân là anh Trương Văn Lương (quê xã Tam Đàn, Phú Ninh). Một sáng mùa đông, tôi gặp anh sau khi anh vừa lặn lội một tháng tăm vàng ở núi đồi Đông Giang, Bắc Trà My. Trong thời gian chờ gia hạn giấy phép khai thác (anh Lương là chủ của Công ty TNHH Hữu Minh, tại xã Phước Hiệp, Phước Sơn tạm thời đóng cửa), anh tiếp tục đi dò lòng đất mới. Lương bộc bạch: “Cái nghề đào bới tìm quặng trần ai lắm. Nếu đánh trên núi vào gặp tầng đá ong có màu vàng rỗ rỗ thì nhẹ nhõm; còn đụng đá pi rít (vàng găm) tầng sâu có khi quần quật cả tháng. Quặng vàng ăn theo luồng nên cứ thế mà đào bới. Cũng thân vỉa đó có người trúng, nhưng cũng có người méo mặt”. Theo anh Lương, với kinh nghiệm của mình, chỉ cần nhìn vào màu sắc của đá, cỏ cây, dòng chảy sông suối là có thể biết có vàng hục hay không. Thân quặng thường chạy dọc, uốn lượn song song với khe suối, dòng sông. Khi đã tăm là chắc chắn có vàng, nếu hàm lượng vàng ít không đủ bù vào chi phí đầu tư thì sẽ chấm dứt quá trình tìm kiếm ngay, nhóm tăm vàng sẽ chuyển đến địa điểm mới. Đường hầm được mở chi chít, sâu hàng trăm mét. Một hầm lò khác mở xuống giáp với đường chính để thông gió. Nhiều hang, ngách đâm thủng núi đồi như địa đạo. “Nghề chúng tôi là ăn cơm dương gian làm việc âm phủ. Đang lấy vỉa, nếu lỡ gặp mưa to, nước tràn vào, chưa kịp bơm nước ra ngoài rất dễ bị sạt lở” – Lương nói.

 Người thợ dùng thang leo sườn núi cho chuyến tăm vàng ở sát sông Trạm thuộc huyện Tiên Phước.
Người thợ dùng thang leo sườn núi cho chuyến tăm vàng ở sát sông Trạm thuộc huyện Tiên Phước.

Sinh nghề tử nghiệp, nhiều người cùng tăm vàng với Lương nói thế. Khoét đục sườn núi, nửa ngày nếu trúng mánh, nhóm 4 - 5 người thợ có thể kiếm cả cây vàng, nhưng có khi cả tuần cũng không ra một chỉ nào. Phần lớn người “siêu âm” lòng đất giỏi, họ đều trực tiếp đánh vỉa. Đánh sâu vào 5 - 10m, mà lớp đất đá không thay đổi, người thợ kết thúc quy trình tăm vàng. Toàn bộ thông tin như hàm lượng vàng, tọa độ khai thác, hình sông thế núi… đều được thợ tăm vàng ghi chép cẩn thận, sau đó rao bán cho các chủ bãi, hoặc kêu gọi đối tác liên kết làm ăn. Ông Chương – người đang làm việc cho Công ty TNHH Nam Mai (nhà máy khai thác vàng xã Phước Hiệp, Phước Sơn) tiết lộ: “Ở Việt Nam mình, chẳng có trường lớp nào đào tạo cho kỹ sư về kiến thức tìm vàng. Tất cả tọa độ mà doanh nghiệp khai khoáng đang đầu tư, khai thác đều do giới thổ phỉ trước đó đã tận thu, hoặc hợp tác làm ăn với người thợ tăm vàng”. Giống như dưới đại dương, cá thường kéo theo đàn, xuôi theo con nước, vỉa quặng vàng trong lòng đất cũng ăn theo luồng. Trước đây, người thợ đi tìm dấu vết của vàng với đồ nghề chỉ là xà beng, xẻng, bòn đãi, còn bây giờ nâng cấp lên máy nổ, máy nghiền đá. Hệ thống ròng rọc gần như tham gia đưa quặng từ lòng núi ra ngoài.

Đưa quặng ra khỏi hầm.
Đưa quặng ra khỏi hầm.

Ăn của rừng…

Rít một hơi thuốc dài, khuôn mặt đầy suy tư, Lương nói: “Trúng vàng nhiều người đã xây nhà cao cửa rộng, thậm chí giấu cả tấn vàng trong nhà là có thật. Bậc đàn anh như Q. CD giàu nức tiếng một thời bây giờ đang đối mặt với căn bệnh ung thư quái ác. Sau lần “trúng quả” là ăn chơi trác táng.  Rượu, ma túy, gái… một thời đã hủy diệt tương lai của những đại gia vàng. Vàng đã cho con người nhiều thứ và chính nó cũng lấy lại tất cả, đẩy một số người xuống vực. “Chừ không còn cảnh nghiện hút đâu. Được vàng, đồng tiền về xuôi nhỏ như lá má. Khi túi đã cạn dần thì phải vào lại rừng tăm. Đã đeo bám cái nghề này khó dứt ra được, phóng lao thì phải theo lao. Mang danh là doanh nghiệp vàng, quản lý hàng trăm công nhân nhưng Nhà nước đâu cho phép vay vốn ngân hàng, phát hành cổ phiếu vì độ rủi ro cao” – anh tâm sự.

Khổ nhọc làm việc dưới “âm phủ” nên khuôn mặt những người thợ dò lòng đất dày dạn sương gió. “Có năm lộc trời ban cả tỷ đồng, giã từ luôn nghề về nhà mở tiệm kinh doanh buôn bán. Thế nhưng, về đồng bằng một thời gian chịu không nổi đành khăn gói lên lại rừng kiếm cơm” – một người tăm vàng thổ lộ. Thợ tăm vàng ví von nghề qua câu: “Nghèo muôn thuở, giàu bất thình lình”. Dù tích lũy nhiều kinh nghiệm trong hành trình tìm “báu vật” lòng đất, nhưng chính người trong nghề cũng thừa nhận, vận may do… duyên số. Nhiều thợ tăm vàng đeo đẳng nghề suốt mấy chục năm, quen từng mùi “cơ thể” của đất trời nhưng vẫn không chạm tay đến vàng hục, ngược lại có người vừa chân ráo chân ướt đến đã hưởng lộc trời. “Đất cũ đãi người mới” - dân làm vàng bảo vậy. Theo giới tăm vàng, bất cứ cuộc thăm dò nào cũng đều đánh đu với tính mạng và chính họ là đối tượng gánh hậu quả đầu tiên. Khi đào khoét sâu vào vách núi, thợ tăm vàng đối mặt với nguy cơ sạt lở hầm. Nhẹ thì gãy chân tay, đá cục rơi sứt đầu mẻ trán, còn không thì thân xác bị đất đá vùi lấp. Thực tế không ít phu vàng mất xác giữa rừng sâu Phước Sơn, Đông Giang, Phú Ninh, lúc tìm thấy chỉ trơ trọi bộ xương. “Lao động trong môi trường độc hại, rủi ro cao, vậy mà người thợ vẫn đơn thương độc mã làm việc không được chủ đóng bảo hiểm y tế, xã hội” – một thợ tăm vàng cho biết.

Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản ở nước ta được các nhà địa chất người Pháp thuộc Sở Địa chất Đông Dương (thành lập năm 1989) chính thức hoạt động trong khuôn khổ toàn bán đảo Đông Dương, bằng nghiên cứu lẻ tẻ về khoáng sản ở các nước thuộc địa này phục vụ cho phát triển nền công nghiệp của nước Pháp. Thời gian gần đây, Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) đã bắt đầu có những hoạt động điều tra nghiên cứu các tài nguyên khoáng sản trong lòng đất.

Doanh nghiệp khai thác vàng ở Phước Sơn cho biết, nhóm thợ tăm vàng lão luyện nhất là từ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng vào, họ miệt mài đào khoét lòng núi, chỉ khi nào nghỉ ngơi mới trồi lên mặt đất. Những viên đá đủ màu sắc đều được họ sưu tầm, ghi chép tỉ mẩn như… nhà khảo cổ học. Hơn 10 năm qua, đã có hàng chục thợ tăm vàng bỏ mạng giữa rừng xanh do sụp hầm, bệnh tật. Theo ông Chương, doanh nghiệp dựa vào thông tin của tăm vàng có hiệu quả đầu tư hơn tham khảo các tài liệu khoáng sản ở Đông Dương mà trước đây người Pháp đã nghiên cứu vì tính thực tế, khả thi cao. Những tài liệu của người Pháp chỉ quy hoạch theo tỷ lệ bản đồ 1/100.000. Sự thật tréo ngoe ở chỗ không ít doanh nghiệp trong nước đã phải phá sản sớm vì tin vào tài liệu bản đồ cũ trước đây, hoặc thuê chuyên gia Trung Quốc qua điều tra khoáng sản. “Không phải nghiên cứu của người Pháp thiếu chính xác mà cái chính là người ta làm quy hoạch theo tỷ lệ bản đồ 1/100.000, áp dụng cho phương pháp tận thu khoáng sản kiểu công nghệ hiện đại như hai nhà máy của Bồng Miêu và Phước Sơn bây giờ. Trong khi đó, dây chuyền vận hành của nhà máy trong nước đều khai thác với quy mô nhỏ lẻ” – ông Chương lý giải. Trong khi đó, TS. Lại Hồng Thanh - Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam khẳng định, ngành điều tra khoáng sản ở nước ta khá mới mẻ. Thời gian qua, nhiều công ty thất bại vì cứ nghĩ nhiều vùng đất theo bản đồ cũ sẽ có vàng. Nguyên tắc cơ bản phải nắm chính xác vị trí, tọa độ nào có hàm lượng vàng, hạch toán đầu tư. “Chúng ta rất khó làm quy hoạch khoáng sản chi tiết do Nhà nước phân bổ ngân sách nhỏ giọt, chủ yếu mang tính hành chính” - TS.Thanh nói.

 Phóng sự của BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người dò lòng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO