Một mùa xuân mới đang về trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mởn mơ như cánh đồng tỏi. Cùng với niềm vui vì sự phát triển kinh tế - xã hội ở huyện đảo, bên những ngôi nhà khang trang còn ươm màu sơn mới, chúng tôi ghi lại câu chuyện của ngư dân - những người tham gia giữ biển.
|
Chị Nguyễn Thị Nhân cho rằng, tỏi đã làm thay da, đổi thịt đời sống người dân ở huyện đảo Lý Sơn.Ảnh: QUANG VIỆT |
1. Sau chuyến thăm Cồn Cỏ (Quảng Trị), chúng tôi ngược về Lý Sơn. 15 giờ chiều 28.1 xuất phát, tàu cập cảng Lý Sơn vào tinh mơ ngày 29.1. Chặng đường này, do ảnh hưởng của thời tiết, biển động nhẹ, tàu lắc lư liên tục, mọi người mệt mỏi nhưng tinh thần phấn chấn vì được đến “đảo tiên” như cách gọi quen thuộc của GS-TS. Nguyễn Trần Trọng, người có nhiều công trình nghiên cứu về đất và người huyện đảo Lý Sơn - quê hương ông. Qua một đêm biển động, những tưởng thời tiết bất lợi vậy mà khi chúng tôi đặt chân lên đảo thì đất trời hừng sáng, những tia nắng đầu ngày bừng lên đường đột mà mới mẻ. Lòng người như rạo rực hơn khi cảm nhận rất rõ hương xuân đang đến. Bờ biển Lý Sơn miên man cát trắng. Tàu thuyền của ngư dân nườm nượp vào ra cảng, vương vị tanh nồng hải sản. Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn - Trần Ngọc Nguyên đón đoàn công tác với nụ cười tươi vui, cái bắt tay chặt, khỏe. “Thu nhập bình quân đầu người của huyện đảo Lý Sơn trong năm 2014 đạt 18,7 triệu đồng, tăng 3,1 triệu đồng so với năm 2013, phấn khởi không!” - ông Trần Ngọc Nguyên nói. Buổi làm việc của đoàn công tác với chính quyền huyện đảo Lý Sơn diễn ra nhanh gọn, cởi mở. Nhiều phần quà đã được Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân trao tặng người dân huyện đảo trong tình cảm ấm áp, mến thương...
Tôi tách đoàn, thuê xe lòng vòng trên đảo để mục sở thị đời sống của người dân nơi đây, muốn biết điều gì đã làm nên chuyển biến mạnh mẽ trong lòng huyện đảo như lời giới thiệu của Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Nguyên. Phía bắc đảo Lý Sơn có nhiều ngọn núi. Núi lửa dù đã tắt nhưng vẫn để lại không ít dấu vết. Một trong số đó được quân và dân huyện đảo cải tạo thành hồ chứa nước, nằm ngay sau lưng cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn. Núi cao lồng lộng ôm lấy đảo tạo nên những thắng cảnh kỳ vĩ, thu hút lòng người. Trong sắc nắng xuân đang về, những cánh rừng xanh non tươi lá. Đại ngàn nguyên sinh buổi đầu dựng đảo, lập làng đã được thay áo mới. Từ đây, lia ánh nhìn toàn phía sẽ thấy cánh đồng tỏi xanh um, điệu đà như nhảy múa trong mơn man gió mai tung tẩy. Cánh đồng tỏi Lý Sơn ôm hết cả thôn An Hải, có diện tích đến 343ha, đem lại trung bình hơn 2 nghìn tấn mỗi năm cho người dân huyện đảo. Là đặc sản của Lý Sơn, từ sau ngày giải phóng, tỏi Lý Sơn thâm nhập và chiếm lĩnh hầu hết thị phần các tỉnh miền Nam của đất nước lẫn thị trường Campuchia.
“Theo truyền thống, trước mỗi phen bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, cha ông đều làm lễ khao lề thế lính. Phẩm vật gồm có gà trống, chè, xôi, bánh, hoa quả, hương đăng, trầu, rượu, nghi thức đầy đủ. Lễ này cầu khấn chư vị thần linh, vong hồn các chiến sĩ đã hy sinh phù hộ cho ngư dân, chiến sĩ ra đi được… trở về. Tháng 2 này, chúng tôi lại làm lễ tế, ra khơi bám biển Hoàng Sa...”. (Ngư dân Nguyễn Long ở đảo Lý Sơn) |
Người dân Lý Sơn vẫn còn lan truyền câu nói của dân gian “Làm vua thua làm tỏi”. Điều gì đã làm nên diện mạo của tỏi Lý Sơn như vậy? Tỏi hương Lý Sơn, ngoài thơm ngon được dùng làm gia vị còn có thời gian sử dụng rất lâu, không làm cho thức ăn bị váng mùi, hiếm khi nhớt hoặc thiu. Chị Nguyễn Thị Nhân (thôn Tây, xã An Hải) kể với tôi rằng, tỏi đã làm thay da, đổi thịt đời sống của gia đình chị và người dân nơi đây. Để canh tác tỏi, đòi hỏi phải có đất cát, loại cát trắng có vôi ở ven bờ. Loại tỏi 1 tép có giá bán lúc cao điểm lên đến 1 triệu đồng/kg, và việc sản xuất thuận lợi đã đem lại thu nhập cao cho người dân.
Tuy nhiên, theo chị Nhân, loại đất cát đó hiện nay không còn nhiều ở đảo, do vùng ven bờ đã bị xói mòn đi rất nhiều. Người dân vẫn mở rộng sản xuất bằng cách khai phá các diện tích mới vào sâu bên trong đảo nhưng loại đất đó không đem lại hương vị đặc trưng cho tỏi như trước đây. Dẫu vậy, niềm cao hứng về vương quốc tỏi của ông Trần Ngọc Nguyên vẫn không hề suy suyển: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã trình diễn mô hình cải tiến kỹ thuật canh tác tỏi và ứng dụng mô hình máy tưới nước bán tự động khiến cho năng suất tỏi được nâng lên 78 tạ/ha, cao hơn 12,5 tạ/ha so với trước đây, rất đáng mừng”.
2. Ngoài canh tác tỏi, Lý Sơn còn có một “đặc sản” truyền thống khác, đó là khai thác hải sản. Khắp dải ven biển miền Trung, có tỉnh, thành nào không theo ngành kinh tế này? Biết vậy, nhưng điều để có thể gọi đặc biệt ở đây là: “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi…” hay như: “Trường Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Trường Sa”. Chừng đó có đủ để chúng ta mường tượng về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không? Nếu chưa đủ thuyết phục, thì đây, sách xưa còn ghi lại. Trong “Hải ngoại sử ký” của Piere Poivre và Bá tước D’Estaing có đoạn, rằng Lý Sơn là nơi mà các triều đại phong kiến nhà Nguyễn đã đặt đội Hoàng Sa với 70 suất dân binh hằng năm lấy từ dân đảo Lý Sơn của 2 xã An Hải và An Vĩnh. Họ đi canh giữ, khai thác hải sản cho triều đình. Họ đã ra đi mà ít người trở lại. Nhắc lại sử cũ, từ truyền thống đến hiện đại, người dân Lý Sơn ngày nay vẫn bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa như một kế thừa, oai hùng lắm lắm mà mất mát cũng đâu có ít.
Chúng tôi đến nhà ngư dân Nguyễn Long (thôn Đông, xã An Hải) khi gia đình anh đang dọn dẹp nhà cửa, quét vôi chuẩn bị đón tết. “Ra biển là chấp nhận đối diện với hiểm nguy, không chỉ từ thiên nhiên. Cách đây không lâu, tàu cá QNg 96589 có công suất 400CV của chúng tôi đang khai thác hải sản ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì bị phía Trung Quốc bắt giữ. Tôi và nhiều ngư dân khác trên tàu bị giam giữ 3 tháng trời ở đảo Phú Lâm. May nhờ Bộ Ngoại giao can thiệp chúng tôi mới được trở về. Nay tàu cá đã không còn, nợ nần thì chồng chất. Nhưng có sao đâu, xuân đang về, tết sắp đến, chuyện chi mà phải lo nghĩ nhiều” - anh Long thản nhiên nói cười như không, còn chúng tôi nghe mà rứt ruột. Anh Long bảo, đó không phải là lần đầu tiên anh bị bắt, bị mất tàu. Nhiều ngư dân khác ở Lý Sơn còn khổ nạn hơn anh. “Trước đây, mỗi năm cứ độ tháng 2 là cha ông chúng tôi đi khai thác hải sản ở Hoàng Sa bằng những chiếc thuyền câu, không lớn như bây giờ chúng tôi đang có. Các bậc tiền bối phải mất 3 ngày 3 đêm mới đến được đảo. Hiểm nguy luôn rình rập, nhiều người đã phải mãi nằm lại trong lòng biển khơi vì gìn giữ phần máu thịt quê hương. Chừ chúng tôi còn được trở về, còn sống thì còn tiếp tục bám biển. Cuộc đời nay nghèo mai giàu ai mà biết được…” - anh Long tâm sự. Anh Nguyễn Long là hậu duệ của cụ Nguyễn Quang Tám, ngư dân - chiến sĩ giữ đảo Hoàng Sa ngày trước vẫn còn được người dân Lý Sơn lưu giữ bài vị ở Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm sát ngay trung tâm hành chính huyện đảo Lý Sơn.
Ngư dân Nguyễn Long có vóc người chắc đậm, giọng ồm ồm đầy biểu cảm âm vang. Ngư dân quen ăn sóng nói gió đó lại sở hữu một gương mặt sạm đen nắng gió, đôi mắt to, tròn nhìn như sững vào người đối diện. Anh bảo, cuộc sinh tồn là một cuộc thử thách, người không dám sống hay sống không hết mình đã thua cuộc tự trong bản ngã. Xuân đang về, lẽ thường là lễ hội, mình cũng hòa chung vào làn sóng mới nơi đất liền, có vậy mới lại được thỏa chí lúc ra khơi. Anh chia sẻ, xong việc trang hoàng lại nhà cửa, gia đình sẽ cùng xóm giềng chung tay dựng cây nêu cho ngày tết, tham gia hội đua thuyền, làm lễ tế thần Nam Hải, lễ khao lề thế lính và nhiều cuộc du xuân khác. “Theo truyền thống, trước mỗi phen bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, cha ông đều làm lễ khao lề thế lính. Phẩm vật gồm có gà trống, chè, xôi, bánh, hoa quả, hương đăng, trầu, rượu, nghi thức đầy đủ. Lễ này cầu khấn chư vị thần linh, vong hồn các chiến sĩ đã hy sinh phù hộ cho ngư dân, chiến sĩ ra đi được… trở về. Tháng 2 này, chúng tôi lại làm lễ tế, ra khơi bám biển Hoàng Sa. Nghiệp biển là vậy” - ngư dân Nguyễn Long nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT