(QNO) - Nghề đan lờ truyền thống ở làng Ngô Cang (thôn Phú Đa, xã Quế Châu, Quế Sơn) đang dần bị mai một. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số hộ dân đang cố gắng níu giữ nghề, vốn tồn tại từ hàng trăm năm qua.
Không nhiều hộ ở làng Ngô Cang (thôn Phú Đa, xã Quế Châu) còn tâm huyết với nghề đan lờ. Ảnh: THANH THẮNG |
Hộ ông Nguyễn Nhiều (58 tuổi) và Nguyễn Sự (59 tuổi) là hai trong số những gia đình đang còn giữ nghề đan lờ truyền thống ở làng Ngô Cang.
1. Men theo con đường làng quanh co dưới bóng những hàng tre ven đường, chúng tôi vào làng Ngô Cang - ngôi làng một thời nổi danh với nghề đang lờ truyền thống. Thế nhưng hiện nay, thỉnh thoảng mới bắt gặp hình ảnh những người đã có tuổi ngồi chắt chiu vót từng nan tre, tỉ mỉ đan thành những chiếc lờ hoàn chỉnh.
Ghé vào nhà ông Nguyễn Nhiều thì được ông cho biết, nghề đan lờ đã nuôi gia đình ông từ thế hệ này qua thế hệ khác, tính đến nay cũng đã hơn 100 năm. Trước đây, nghề đan lờ ở làng Ngô Cang rất thịnh, hàng chục hộ dân đều làm nghề này kiếm sống. Tầm từ tháng 5 đến hết tháng 8 âm lịch, nhà nhà đều tập trung đan lờ. Thế nhưng, từ năm 2000 trở đi, nghề không còn được các gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế vì thu nhập thấp, nhiều gia đình trong làng nối nhau bỏ nghề.
Một điểm bày bán các loại sản phẩm từ tre, trong đó có lờ ở xã Quế Châu. Ảnh: THANH THẮNG |
“Vì gia đình tôi còn một số người khách vẫn đến đặt hàng nên phải làm. Vả lại, nghề này đã gắn bó khá lâu với gia đình, nghề cha ông để lại nên tôi muốn giữ lại” - ông Nhiều nói. Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu vào đầu tháng 5 âm lịch, gia đình ông Nhiều lại chặt tre về chuẩn bị đan lờ. Lờ ở làng Ngô Cang có 3 loại: lờ vừa, lờ trung và lờ bành. Theo ông Nhiều, hiện nay lờ vừa được khách hàng đặt mua nhiều nhất, 2 loại còn lại ít được khách hàng ưa chuộng.
2. Tại gia đình ông Nguyễn Sự, 2 vợ chồng ông vẫn cố gắng giữ nghề đan lờ mặc dù thu nhập đem lại không mấy dư giả. Ông Sự cho hay, gia đình đã trải qua 3 đời làm nghề đan lờ ở làng Ngô Cang. Mặc dù hiện nay nguồn thu nhập từ nghề này thấp nhưng tận dụng nguyên liệu tre sẵn có nên cứ đến mùa, vợ chồng ông lại xắn tay đan lờ. Theo ông Sự, trước đây nghề đan lờ từng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, nghề truyền từ đời ông bà sang đời con cháu. Tuy nhiên 3 người con của ông thì hiện đều chọn nghề khác làm kế sinh nhai.
Ông Nguyễn Sự bên những chiếc lờ vừa mới hoàn thành. Ảnh: THANH THẮNG |
Hiện nay, mỗi cái lờ vừa có giá 10 nghìn đồng, lờ trung 15 nghìn đồng, còn lờ bành có giá 20 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày, một người đan giỏi chỉ đan được 10 cái lờ vừa, chưa trừ vốn thì thu được 100 nghìn đồng/ngày. “Lớn tuổi rồi, làm nghề đan lờ thu nhập không là mấy nên muốn nghỉ, nhưng nghỉ thì tiếc cái nghề của ông bà truyền lại nên vợ chồng tôi cố làm thêm một thời gian nữa” - ông Sự trăn trở. Ông Nguyễn Minh Sỹ - Chủ tịch UBND xã Quế Châu nhận xét, hiện nay trên địa bàn vẫn còn một số hộ dân tâm huyết giữ nghề đan lờ truyền thống. Chính những người này đã góp phần giữ nghề đan lờ truyền thống ở địa phương.
THANH THẮNG