Phố cổ Hội An bây giờ ngày càng thưa vắng cư dân bản địa, chợt nhớ đến “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” trong “Ông đồ” của Vũ Đình Liên mà nén tiếng thở dài...
1. Tám giờ sáng, mặt trời đã trườn qua nóc nhà cổ. Lác đác vài ngôi nhà được chủ mở cửa đón ngày mới; phần lớn căn nhà còn lại im lìm trong cơn ngái ngủ. Cũng phải, giờ này chẳng có mấy “Tây”, “Tàu”, “Ta” la cà mua sắm thì các cửa hiệu mở cửa để làm gì?! Người địa phương thì chỉ hay tạt xuống mạn Chùa Cầu hoặc bờ sông Hoài để cà phê tán gẫu một chút rồi về.
Khu phố cổ Hội An được khoanh vùng thành 2 khu vực bảo vệ. Khu vực I được bảo tồn nguyên gốc, có diện tích 30ha. Khu vực II là vùng đệm có diện tích khoảng 100ha, chia thành khu vực IIA và IIB. Trong khu phố cổ có tổng cộng 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật. Các di tích khá phong phú về loại hình, trong đó nhà ở vẫn chiếm số lượng áp đảo (riêng phường Minh An có đến 828 di tích nhà ở).
Bên ngách ngôi nhà thờ tộc Thái (đường Trần Phú), ông Thái Hoàng (58 tuổi) đang thủng thẳng tưới cây. Lâu lắm mới có người hỏi chuyện ngày cũ, ông Thái Hoàng kể: “Dân gốc trụ lại chủ yếu là ở các nhà thờ tộc chứ nhà tư nhân họ bán đi rất nhiều rồi. Căn nhà thì chỉ có một, mà giá trị thì lại rất lớn. Thế hệ lớn tuổi già đi, phòng xa nên họ bàn nhau bán để phân chia cho con cái rồi lục tục dọn đi hết”.
Nhìn về phía dãy hàng quán đối diện, ông Hoàng bộc bạch: “Tôi cũng không biết hàng xóm bên đó là ai nữa. Có nhà thì cho thuê nhưng đổi chủ thuê liên tục. Có nhà thì bán đứt, chủ mới thi thoảng vài tháng ghé đến một lần rồi đi nên cả năm cũng chẳng biết mặt nhau”.
Trong nhịp sống hầu khắp đô thị, hàng xóm nhiều lúc không biết mặt. Nhưng ở phố cổ Hội An, từng đứng bên này có thể nói chuyện với nhà bên kia, tán gẫu xôm tụ. Đáng tiếc là mối giao hòa đó dần phai nhạt. Cách trở của dịch bệnh một thời gian dài lại khiến mọi thứ im lìm hơn.
Những đô thị di sản giàu truyền thống ở khu vực Đông Nam Á như Penang hay Malacca (Malaysia) gần như mất hút cư dân bản địa. Và Hội An với khoảng 30% ngôi nhà không còn chủ sở hữu truyền thống cộng với hơn 70% các di tích trong phố đang có hoạt động kinh doanh cần cân nhắc trước những bài học này.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Có tới 83% di tích ở khu phố cổ Hội An thuộc sở hữu tư nhân, tập thể. Chỉ có 17% thuộc sở hữu Nhà nước.
Nơi đây được xem như “bảo tàng sống”. Chủ nhân thực sự trong đó chính là cộng đồng dân cư. Điều này tạo ra nét đặc thù của khu phố cổ Hội An với các di sản khác trên cả nước. Nên dù thế nào thì con người vẫn là yếu tố then chốt trong việc quản lý, bảo tồn, tái thiết di sản”.
Trong những bàn thảo gần đây về xây dựng, quy hoạch thành phố dần xuất hiện lời ca thán về nếp xưa phố cũ âm thầm phai nhạt. Bình tĩnh nhìn lại, có thể nhận ra quá nhiều chuyển động dưới mái ngói rêu phong phủ lớp bụi thời gian.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói, công tác trùng tu nhà cổ thì cơ bản ổn. Mai một hồn phố, nếp sống của cư dân bản địa mới là mối lo lớn nhất. Lâu nay phần lớn các ngôi nhà ở phố cổ tồn tại với 3 chức năng chính gồm: “ở”, “thờ cúng”, “kinh doanh”.
Có nhiều lý do khiến người bản địa phải bán di tích đi. Và chủ mới đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nên người ta không ở đó lâu dài. Sáng tới mở cửa kinh doanh, tối đóng cửa ra về hoặc khoán cho thuê hẳn. Ban đêm một số góc đường trở thành những khu phố trơ trọi.
2. Từ năm 1987, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ban hành quy chế bảo vệ và sử dụng di tích khu phố cổ Hội An. Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu phố cổ càng được chính quyền bao bọc kỹ càng bằng “hàng rào” quy chế chặt chẽ hơn.
Là quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích trong khu phố cổ (năm 2006); quy chế quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu trên địa bàn thị xã Hội An (năm 2006); quy chế quản lý hoạt động tham quan du lịch trên địa bàn thị xã Hội An (năm 2007); quy chế quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trong khu phố cổ và một số vùng phụ cận (năm 2008)…
Mới nhất, năm 2020, các quy chế trên được tích hợp chung vào quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành.
Còn nhớ vào khoảng đầu thế kỷ 21, một ngôi nhà cổ bị sụp do trời mưa gió kéo theo nhiều lo ngại về sự tồn tại của các ngôi nhà trong khu phố cổ. Hội An lập tức xây dựng dự án tu bổ cấp thiết các di tích trong phố cổ. Từ đó “sức đề kháng” của nhà cổ đã vững hơn rất nhiều trước thiên tai, thời gian.
Bên cạnh đó, để giảm áp lực cho di sản, Hội An có chính sách giãn dân phố cổ ra vùng ngoại ô. Vô hình trung, những người ra đi cũng gói ghém theo một phần hồn của di sản.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Thành phố hiện không tiến hành chính sách giãn dân nữa. Bây giờ Hội An lại muốn đưa cư dân quay trở lại phố cổ. Hội An đang nghiên cứu trình tỉnh chính sách để giữ dân. Hội An đang cố gắng vận động các hộ đã di dân và còn nhà trong phố cổ thì chia người ra để ở lại trông coi di sản. Thành phố cũng có quy định tất cả tổ chức, cá nhân đến mua nhà kinh doanh buộc phải có người ở qua đêm để trông coi”.
Ông Sơn cũng nhìn nhận đó chỉ là giải pháp tình thế, khó lòng thay thế yếu tố gốc của người bản địa nhưng ít nhiều sẽ giúp ngôi nhà phần nào ấm cúng hơn.
Mỗi ngày trôi đi ở mọi nẻo của phố cổ, không đợi đến khi những vị lữ khách cuối cùng rời đi trong bóng đêm, phố đã biết mình lẻ loi từ đận những người muôn năm cũ cứ thế ra đi không trở lại...