Những người ở lại

VĨNH LỘC 01/09/2015 08:59

Với họ, dù mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng đều gặp chung một điểm là từng đi qua khói lửa chiến tranh và bây giờ họ cùng về đây, chia sẻ buồn vui của tháng ngày còn lại.

Trung tâm Phụng dưỡng người có công TP.Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) được ghép ở tạm với làng SOS thành phố trên đường Dũng sĩ Thanh Khê kể từ khi trụ sở chính ở đường Phan Tứ nâng cấp xây mới lại. Anh Trần Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm cho tôi vài thông tin cần thiết về các cụ đang an dưỡng ở đây. Theo đó, trong số 53 cụ hiện được phụng dưỡng tại Trung tâm thì quá 2/3 là đến từ Quảng Nam.

Chuyện thường ngày

Giống như những sinh viên nội trú, các cụ được phân chia 3 người một phòng; tủ giường riêng, rộng rãi, một thế giới các cụ là trong căn phòng với vật dụng cá nhân và những ký ức lẫn lộn. Dường như qua gần hết cuộc đời với bao mất mát, hy sinh, nên giờ trong mỗi cụ chỉ còn sự trầm lắng. Họ sống lặng lẽ với nhau, vui thì nói chuyện, buồn thì ngồi nghĩ vu vơ. Đôi lúc vẫn cằn nhằn, giận dỗi theo cái bực bội của tuổi già.  “Ở đây cũng lắm chuyện chứ không đơn giản đâu chú, nhưng mà mình quan tâm làm gì, mỗi người một tính mà” - bà Nguyễn Thị Nhung (77 tuổi), quê gốc Tam Thái, Phú Ninh mở đầu câu chuyện khi anh Nam dẫn tôi ghé thăm phòng. Bà cho biết lúc chiến tranh hoạt động trên núi, giải phóng về công tác Hội Phụ nữ huyện Hiên (Tây Giang) được 10 năm thì về làm việc tại Đà Nẵng đến lúc nghỉ hưu. Ở một mình trong ngôi nhà riêng bên phường An Hải Bắc mãi đến năm 2011 thì bà bán nhà vào đây ở. Tại Trung tâm ngoài việc không phải lo chuyện ăn uống, đau ốm thì còn có niềm vui là những người bạn già. Thích thì pha cà phê gói uống, rồi đi dạo loanh quanh hay tham gia quét dọn vệ sinh...  

Các cụ được chăm sóc ăn uống, nghỉ ngơi theo lịch cố định nên ai cũng khỏe mạnh. Ảnh:VĨNH LỘC
Các cụ được chăm sóc ăn uống, nghỉ ngơi theo lịch cố định nên ai cũng khỏe mạnh. Ảnh:VĨNH LỘC

Với mẹ VNAH Lê Thị Xuân quê Quế Lưu, Hiệp Đức có 30 năm ở Trung tâm thì nơi đây đã trở nên quá quen thuộc, dù đã gần 90 tuổi nhưng trông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Tôi ghé thăm khi bà vừa đi tắm vào. Vấn lại lọn tóc lưa thưa, bà nói như giải thích về cái việc tắm sớm của mình. “Tắm liền chứ lát nữa đông người lại… giành nhau”. Bà cười móm mém. Rồi bà kể về đời mình với những câu chuyện không đầu đuôi như là để giải tỏa những suy nghĩ trong lòng. Chồng chết năm bà 28 tuổi, bà ở vậy nuôi 2 con, đứa nhỏ bị chết non, thằng anh lớn lên đi chiến đấu hy sinh. Rồi chợt nhớ điều gì bà nhìn anh Nam phân bua: “Tui thường ngủ dậy 5 giờ 30, trễ lắm 6 giờ, nhưng tui không tập thể dục chung với các bà mà tự tập nhưng nhiều người không biết tưởng mình trốn tập”. Như để chứng minh những lời mình nói là thật, bà bước ra giữa phòng vung tay, vung chân “trình diễn” vài động tác rồi cười hồn nhiên. Bà phân trần: “Lớn tuổi rồi, tai lảng họ hô đưa tay lên thì mình đưa tay xuống nên cũng dị. Với lại bài tập dài quá, không nhớ nổi...”.

 Buồn vui của người già

Anh Trần Văn Nam chia sẻ, làm công việc chăm sóc các cụ già nếu ai không chịu khó thì sẽ dễ dẫn đến tổn thương hay làm các cụ tự ái. Người ta nói “già hóa con nít” chẳng sai, cộng với tính khí thất thường, nghĩ sao nói vậy nên chỉ riêng chuyện nghe các cụ “tố” nhau cũng đến mệt. Nào là bà A chiếm chỗ tắm lâu quá; bà B ăn ở dơ dáy; ông C mở ti vi to ngủ không được; ông D để điện sáng quá chói mắt… Không chỉ trong sinh hoạt hằng ngày, các cụ còn phàn nàn nhau trong các cuộc họp chi bộ. Hiện có 6 cụ khỏe mạnh cùng sinh hoạt trong chi bộ với cán bộ Trung tâm nên những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày đều được các cụ phản ánh sâu sát. Rồi chuyện trái gió trở trời của các cụ, đề xuất cái này, xin phép cái kia, chở đi hớt tóc, chở đi khám bệnh định kỳ… cứ tất bật lo toan như chăm sóc con nhỏ vậy. Trong số 53 người được phụng dưỡng nơi đây thì 20 cụ phải chăm sóc tại chỗ. Trung tâm có 23 nhân viên thì số hộ lý, y tế đã chiếm 11 người để chăm lo các cụ hoặc chữa những bệnh lặt vặt của người già.

Để được nhận vào Trung tâm, các cụ phải hội đủ điều kiện như có công cách mạng và cô đơn không nơi nương tựa, đặc biệt phải có hộ khẩu tại TP.Đà Nẵng. Ngoài được hưởng các chế độ lương hưu hoặc những chính sách của Nhà nước theo quy định cho từng đối tượng thì một người mỗi tháng sẽ được thành phố hỗ trợ 800 nghìn đồng cho 2 bữa ăn trưa - tối, riêng suất ăn sáng được trích từ số tiền ủng hộ của các cá nhân, tổ chức đến thăm trong những ngày lễ tết. Tại Trung tâm, người ở lâu nhất cũng đã trên 30 năm, gần nhất thì được vài tháng, vậy nên ai… trẻ lắm cũng đã qua tuổi 60 tuổi còn già nhất thì đã 106 tuổi. Khi các cụ vào đây phải tuân thủ lịch sinh hoạt nghiêm ngặt nên dù có phần không thoải mái nhưng đa số đều thấy khỏe ra. Mỗi ngày của các cụ bắt đầu từ 5h30 sáng tập thể dục, 6 giờ ăn mai;  10 giờ 30 - 11 giờ bắt đầu ăn trưa; ăn chiều từ 4 giờ 30 - 5 giờ, những cụ nào bệnh tật nằm tại chỗ thì có hộ lý mang cơm đến tận nơi.

Bà Nguyễn Thị Liên (quê gốc Bình Trị, Thăng Bình), thương binh 1/4 nói rằng, đây là gia đình thứ 2 của mình nên cảm thấy rất vui. “Ở nhà nếu có nhờ hàng xóm cũng chỉ một đôi lần thôi còn vào đây ai đau thì có hộ lý, y tế lo. Tôi cảm ơn nhà nước nhiều lắm” - bà Liên cười. Đây cũng là tâm sự chung của các cụ nơi đây. “Mình là người cách mạng mà có chi đâu phải cằn nhằn không hài lòng, Nhà nước lo như vậy là tốt lắm rồi. Còn chuyện ăn ở mỗi người một tính đừng để ý, cứ sống cho vui vẻ là được” - cụ Nguyễn Hữu Khôi (1922) (Duy Trinh, Duy Xuyên), một lão thành cách mạng nói như vậy.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người ở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO