“Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân mà nhiệm vụ quan trọng hơn là giáo dục, cảm hóa làm thức tỉnh lương tâm, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động sớm được về với gia đình” - Thiếu tá Trương Công Quốc - Trưởng phân trại Quản lý phạm nhân, Trại Tạm giam Công an tỉnh Quảng Nam, chia sẻ.
Giáo dục can, phạm nhân
Trại tạm giam Công an tỉnh hiện quản lý, giáo dục gần 400 can, phạm nhân. Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến khó lường, vì vậy các đối tượng trong trại phần lớn có nhân thân khá phức tạp. Không ít trong số đó là giang hồ cộm cán, thường xuyên vào tù ra tội, có bị can phạm tội giết người, buôn ma túy, đồng thời mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS hay các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Có người tích cực lao động, cải tạo nhưng cũng không ít kẻ bất cần, chống đối.
Không kể nhiều về những khó khăn, vất vả, điều khiến Thiếu tá Trương Công Quốc băn khoăn, trăn trở nhất đó là làm sao cảm hóa, giáo dục để các can, phạm nhân thực sự ăn năn, hối lỗi về những gì mình đã gây ra, hướng thiện họ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Để làm được điều đó, người quản giáo phải như một người thầy, đối với “học trò hư” phải nghiêm khắc, song cũng rất kiên trì, mềm mỏng, linh hoạt; phải nắm rõ lai lịch, hiểu được tâm lý từng đối tượng mà có cách giáo dục, tuyên truyền thích hợp.Hiện nay, Đội Quản giáo can phạm có 21 cán bộ, tại Phân trại Quản lý phạm nhân có 7 cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục 59 phạm nhân. “Mỗi đối tượng có xuất thân khác nhau, con đường phạm tội khác nhau, đa số khi mới vào trại tâm lý không ổn định, hoang mang, lo lắng, cảm giác mặc cảm về tội lỗi đè nặng, có những hành vi bất thường, ngại tiếp xúc, giao tiếp, thậm chí là nghĩ đến cái chết… Do đó, tôi và đồng nghiệp phải thường xuyên gần gũi, động viên, an ủi để phạm nhân vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Sau đó mới quán triệt những nội quy, quy định tại trại, rồi mới giáo dục phát luật, đạo đức và kỹ năng sống cho phạm nhân” - Thiếu tá Trương Công Quốc kể.
Để quản lý, giáo dục can, phạm nhân, các giám thị, quản giáo nơi đây vẫn hàng ngày đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng phạm nhân để kịp thời động viên, thuyết phục họ phát huy cái tốt, mặt tích cực, nhận thức được lỗi lầm do mình gây ra, từ đó yên tâm học tập, lao động cải tạo. Vào thứ Sáu hàng tuần, trại tổ chức họp, đánh giá, xếp loại cải tạo của phạm nhân. Định kỳ theo tháng, quý, năm sẽ tập hợp kết quả đánh giá quá trình cải tạo phục vụ cho công tác xét đặc xá, giảm án, tha tù cho phạm nhân. Và cứ 6 tháng, cán bộ trại gửi thông báo về gia đình tình hình cải tạo của từng phạm nhân. Bằng cách này, các quản giáo có thể theo dõi được sự tiến bộ của từng phạm nhân cũng như phối hợp hiệu quả với gia đình phạm nhân trong quá trình giáo dục, giúp đỡ cho họ hoàn lương.
Đối mặt nhiều hiểm nguy
Gần đây, số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gây loạn thần hoặc nhiễm HIV/AIDS vào trại ngày càng nhiều. Một số có hành vi chống đối, tìm cách bỏ trốn gây ra không ít khó khăn cho cán bộ quản giáo, đặc biệt là quản giáo nữ. Hầu như các chị rất ít thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng các quản giáo nữ ở đây luôn giữ vững lập trường tư tưởng, yêu ngành, yêu nghề, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi quản giáo luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, lường trước những rủi ro, nguy hiểm. Để làm tốt nhiệm vụ, họ thường xuyên trang bị cho mình kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, nắm chắc đối tượng được giao quản lý, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ để tuyên truyền, giáo dục và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Hữu bộc bạch: “Điều nguy hiểm của những người làm công tác trong trại tạm giam không chỉ là sự chống đối của người bị giam giữ mà còn là dễ bị lây nhiễm bệnh HIV, lao phổi, da liễu... từ những can, phạm nhân mắc bệnh. Dù có nhiều nguy hiểm, khó khăn, thử thách nhưng chúng tôi vẫn trực tiếp điều trị, chăm sóc các bệnh nhân, khích lệ họ vượt qua mọi hoàn cảnh, chiến thắng bệnh tật, cải tạo tốt, sớm về với gia đình”. Minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của các chị trong công tác đó là năm 2017, mô hình “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, tư vấn, chăm sóc, điều trị cho những đối tượng nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS” của Hội Phụ nữ Trại Tạm giam được Tổng cục chính trị Công an nhân dân tuyên dương là một trong 20 mô hình điển hình toàn quốc trong phong trào thi đua của phụ nữ Công an nhân dân.
Không chỉ đấu tranh với tội phạm, các cán bộ trại tạm giam còn phải đấu tranh với chính mình. Có không ít trường hợp người nhà phạm nhân tìm cách mua chuộc bằng vật chất hay thậm chí đe dọa cán bộ quản giáo và gia đình họ. Để vượt qua những cám dỗ, thủ đoạn ấy, mỗi giám thị, quản giáo vừa phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không tham lam vật chất, vừa phải đấu tranh kiên quyết với tội phạm và đặc biệt là nghiêm khắc với bản thân.
Có thể nói, nếu như quá trình “giáo dục đi” có những gian nan, vất vả riêng của nghề sư phạm, thì quá trình “giáo dục lại” của người cán bộ quản giáo còn gian khó gấp nhiều lần. Đó là “nghề” của người thầy không giáo án, người thầy mang quân hàm.