Những người viết văn trẻ năm xưa

TRÂM LÊ 15/01/2017 10:28

Văn học Quảng Nam trước và sau khi tái lập tỉnh với những gương mặt quen thuộc tiếp nối nhau, làm nên bức tranh đa sắc.  

Lực lượng hùng hậu

Trước khi chia tách tỉnh (1997), Quảng Nam – Đà Nẵng đã có một lực lượng viết văn xuôi trẻ khá hùng hậu. Nhiều tác phẩm chọn lọc của các tác giả ấy đã được chọn in trong tuyển văn trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Đó là một tuyển văn dày dặn và hay của thời ấy, giúp người đọc có được cái nhìn tổng quát về các gương mặt văn xuôi trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Văn nghệ sĩ Quảng Nam giao lưu với Đồn biên phòng A Nông - Tây giang. Ảnh: TAM MỸ
Văn nghệ sĩ Quảng Nam giao lưu với Đồn biên phòng A Nông - Tây giang. Ảnh: TAM MỸ

Gần như xuất hiện đồng thời là Hồ Trung Tú và Nguyễn Lộc An. Những trang viết trong trẻo và tươi trẻ đã làm nên cá tính của cả hai, nhất là Nguyễn Lộc An với “Màu lá dâu non”. Tiếc là Nguyễn Lộc An đã qua đời khá sớm khi mới bước vào tuổi 22. Lê Trâm với những cựa quậy giữa hiện thực huyền ảo và những câu chuyện thấp thoáng bóng dáng hiện thực mà “Lai lịch một thành hoàng” là một ví dụ. Đà Linh xuất hiện khá lạ cùng “Truyện của Người” với “con mắt đáo để ngầm lấp ló sau những dòng chữ” (Đào Hiếu). Có một giai đoạn người ta chờ đợi để đọc các truyện ngắn của Phạm Ngọc Cảnh Nam, các truyện ngắn dài kỳ in trên báo Quảng Nam – Đà Nẵng Chủ nhật. Hết “Con dao mổ” đến “Cái bóng trắng”, rồi “Cái bóng đen”. Những truyện ngắn hay viết trực diện về những góc khuất của ngành y. Một cách nhìn vào cuộc sống không chút khoan nhượng đã làm nên thương hiệu Phạm Ngọc Cảnh Nam một thời. Bất ngờ xuất hiện với “Nước mắt Chí Phèo” trên báo Văn nghệ, Trương Vũ Thiên An khiến người đọc chú ý với một truyện ngắn viết rất chắc tay. Chuyển từ lĩnh vực thơ sang, Quế Hương đằm thắm trong từng truyện ngắn. Các truyện đều có những cái nhìn sâu sắc và lạ. Bắt đầu từ “Bức tranh thiếu nữ áo lục” in và đoạt giải tạp chí Sông Hương, chị xuất hiện khá đều trên nhiều tờ báo, tạp chí văn nghệ nổi tiếng.

Dường như đồng thời với việc cho ra đời ca khúc “Cả nhà thương nhau” đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi năm 1989, Phan Văn Minh viết khá nhiều truyện ngắn, truyện nào cũng “đọc tốt”. “Hội làng” là một truyện ngắn gọn ghẽ, dung lượng vừa phải nhưng tải được nhiều chuyện với giọng văn mang hơi hướng giễu nhại đã đem lại cho anh giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn của tỉnh. Mấy cái truyện khác, “Đêm trảng cát”, “Mỗi người có một cái tên”… xuất hiện sau đó cũng gây ít nhiều chú ý ở độc giả. Đỗ Phước Tiến xuất hiện bất ngờ với “Đảo dân ngụ cư”. Dân mê văn ngơ ngác hỏi nhau: Đỗ Phước Tiến là ai vậy? Đó là kết quả những trải nghiệm và nhất là cái nhìn “thấu thị” của Tiến về “lai lịch” một gia đình người Hoa “ngụ cư” với những ẩn khuất không dễ gọi thành tên. Cái chất liêu trai, kỳ lạ đã làm nên một truyện ngắn hay, khó lẫn của Đỗ Phước Tiến. Cũng những ngày tháng ấy độc giả đọc được “Cửa thiên đường chật hẹp” của Đoàn Bích Hồng, một truyện ngắn viết vững vàng về những người lính tình nguyện và không khí cuộc chiến biên giới Tây Nam…

Người đi người ở

Sau ngày tách tỉnh, kẻ ở lại Đà Nẵng, người di cư vào Quảng Nam. Hồ Trung Tú ở Đà Nẵng hình như ít viết truyện để đi làm đạo diễn truyền hình. Nhưng rồi anh bất ngờ ra mắt tập nghiên cứu “Có 500 trăm năm như thế” viết về quá trình  giao thoa, tiếp biến văn hóa Chăm - Việt trên dải đất từ Nam Hải Vân kéo dài vào phía trong. Tương tự, Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng có một thời gian im lặng để rồi có tiểu thuyết “Thế kỷ bị mất”, về giai đoạn 100 năm phong trào đấu tranh trên mảnh đất này. Và anh càng khiến dư luận chú ý hơn khi từ chối nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho cuốn tiểu thuyết lịch sử trên. Đà Linh kiêm thêm phần dịch thuật và tổ chức nhiều bản thảo từ Nhà xuất bản Đà Nẵng đưa đến cho độc giả nhiều cuốn sách hay. Tiếc rằng Đà Linh đã qua đời khá sớm khi văn tài giữa hồi sung sức. Đỗ Phước Tiến và Đoàn Bích Hồng sau sự xuất hiện đầy ấn tượng dường như ít viết hơn. Năm 2007, Đỗ Phước Tiến in tập truyện “Đảo dân ngụ cư” do Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành. Quế Hương vẫn giữ phong độ của mình hơn mười năm sau. Chị lại có duyên với nhiều cuộc thi và mang về cho mình khá nhiều giải thưởng. Nhưng những năm gần đây Quế Hương cũng ít xuất hiện.

Các tác giả về Quảng Nam, ngoài Nguyễn Lộc An (Đại Nghĩa) đã qua đời, còn có Lê Trâm, Phan Văn Minh, Trương Vũ Thiên An… Trương Vũ Thiên An và Lê Trâm lúc viết lúc ngừng nhưng vẫn giữ được sự nỗ lực của mình. Lê Trâm cho ra đời tiểu thuyết “Bến cạn”, các tập truyện ngắn “Tìm lại thời gian”, “Một giấc hồ điệp”, “Phía gió biển không còn ai” và hai truyện dài. Trương Vũ Thiên An có tập “Gác chân lên cô đơn”. Riêng Phan Văn Minh thì dừng viết truyện một thời gian, chỉ chuyên sáng tác âm nhạc. Những năm gần đây anh đánh dấu sự trở lại của mình qua tập truyện ngắn “Bản giao hưởng mùa đông” và tập phiếm đàm “Người Quảng lo xa”. Cùng với đó là sự tiếp nối của các cây bút văn xuôi khác, như Nguyễn Tam Mỹ với hai tập tiểu thuyết dày dặn “Sấp ngửa bàn tay”, “Máu và tội ác” cùng nhiều tập truyện và ký. Tiêu Đình với các tập truyện “Phiên tòa trên cát”, “Vùng giao thoa”, “Ngoài tầm bão xoáy”, “Đảo Robot”… Bùi Công  Dụng với tập truyện ngắn “Ai gọi điện thế nhỉ”, “Hãy giữ bản tình ca”, các tiểu thuyết: “Quyền lực”, “Đất chùa”, “Cha tôi”, “Thuyền độc mộc”… Một lứa tác giả văn xuôi trẻ gần đây cũng đã kịp xuất hiện trong đời sống văn học tỉnh nhà như Lương Mỹ Linh, Nguyễn Thị Cẩm Giang, Ngô Thị Thục Trang…, phần nào làm rõ nét diện mạo văn xuôi của một lớp tác giả trẻ Quảng Nam sau này.

TRÂM LÊ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người viết văn trẻ năm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO