Báo Quân khu 5 tiền thân là Báo Quân Giải phóng Trung Trung Bộ (trực thuộc Cục Chính trị Quân khu 5) ra đời vào giữa năm 1964. Trong thời chiến, những tác tác phẩm báo chí nóng hổi không khí chiến trường của các nhà báo - chiến sĩ đã góp phần thắp sáng niềm tin, sức mạnh của quân và dân khu 5 trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Làm báo thời lửa đạn
Những ngày mới thành lập, tòa soạn đứng chân tại căn cứ cách mạng Nước Xa (xã Trà Dơn, huyện Trà My). Lực lượng phóng viên được Tổng cục Chính trị điều tăng cường từ Báo Quân đội nhân dân, Trường báo chí Trung ương và được Quân khu 5 điều một số cộng tác viên ở các đơn vị trực thuộc về. Quân số lúc cao nhất là 28 cán bộ, phóng viên.
Ra đời giữa núi rừng chiến khu với muôn vàn khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh và Cục Chính trị Quân khu 5, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo QGPTTB vừa cầm súng vừa cầm bút, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cơ quan được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng Hạng nhất, Hạng nhì; nhiều cá nhân được cấp trên biểu dương, khen thưởng.
Lúc không có giao liên dẫn đường, những nhà báo - chiến sĩ tự tìm đường đến các đơn vị để liên hệ công tác. Các tỉnh ở xa như Khánh Hòa, Đắk Lắk phải đi gần một tháng trời mới đến nơi, nếu gặp mưa lũ hay địch càn thì còn lâu hơn. Đi xa như vậy nhưng mỗi người chỉ nhận tiêu chuẩn ăn đường không quá 10 lon gạo và một ít sắn khô, bắp, muối, còn thiếu phải tự tìm nguồn tiếp tế trên đường.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên và sau thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 19/8/1964 nhân kỷ niệm 19 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, số báo đầu tiên của Quân Giải phóng Trung Trung Bộ (QGPTTB) được chính thức xuất bản, đánh dấu một mốc son quan trọng trong đời sống tinh thần của quân và dân Khu 5.
Có mặt tại nơi ác liệt, các nhà báo - chiến sĩ đã ghi lại một cách trung thực, chính xác, sinh động những chiến công hiển hách của quân và dân ta. Có những thông tin, phóng viên phải ngồi viết ngay dưới hầm công sự khi quân địch vẫn đang nổ súng bên ngoài.
Với sự dũng cảm, nhạy bén, các anh đã lăn xả vào cuộc chiến, ghi lại những hình ảnh chân thực mà quên đi bom đạn đang bủa vây quanh mình. Từ số báo đầu tiên đến ngày 2/9/1975, Báo QGPTTB đã ra được 286 số, phát hành đến cấp đại đội, huyện đội và các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu 5.
Nhiều cán bộ, phóng viên đã anh dũng hy sinh tại chiến trường, đó là các đồng chí: Hồ Hoàng Đỡ (hy sinh ở vùng đông, Phù Mỹ, Bình Định), Phan Đình Côn (hy sinh trong trận tiến công Chi khu quận lỵ Minh Long, Quảng Ngãi), Lê Văn Luyện (hy sinh trên Đường 16 Quảng Nam), Nguyễn Thiện Tơ (hy sinh ở Thượng Đức, Quảng Nam), Phạm Quang Dụ (hy sinh ở An Lão, Bình Định) và nhiều phóng viên khác mang trên mình thương tích trong các trận chiến đấu với quân thù.
Trong các buổi lễ gặp mặt do Cục Chính trị Quân khu 5 tổ chức nhân kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), các cán bộ, phóng viên Báo QGPTTB đã kể: Để kịp thời tuyên truyền những chiến công vang dội trên khắp chiến trường cho quân và dân ta nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, Tòa soạn đã phối hợp chặt chẽ với Nhà in Quân khu 5 ưu tiên in báo kịp thời phát hành đến các đơn vị. Mỗi tháng 2 kỳ, khổ báo 25x38cm, mỗi số có 8 trang, in đen trắng; các số đặc biệt từ có 12 -16 trang, in 3 màu.
Hồi ấy báo làm theo phương pháp in chì, ảnh kẽm, rất tốn thời gian, công sức. Đi đến đâu viết đến đó, phóng viên viết xong, nhờ bộ phận cơ yếu của đơn vị chuyển về tòa soạn hoặc gửi nhờ cán bộ về Quân khu họp. Ảnh thì gửi cuộn phim về để chuyển cho Nhà in Khu ủy tráng ra.
Nằm lại với đất lành
Không quản mưa bom bão đạn, nhiều nhà báo - chiến sĩ đã ngã xuống trên đường tác nghiệp. Lần đó phóng viên Lê Văn Luyện rất phấn khởi khi được phân công đi Sư đoàn 2 đang tác chiến ở phía tây Quảng Nam. Trước khi đi, anh tâm sự: “Mấy bữa nay cơ quan mình chưa có bữa nào được ăn no. Xong đợt công tác, tôi sẽ cố gắng kiếm một vài món gì đó cho tòa soạn liên hoan”. Không ngờ đó là chuyến đi cuối cùng, anh đã hy sinh trên Đường 16 do bị trúng bom B52, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Là một trong số mười phóng viên được học ở Trường báo chí Trung ương bổ sung cho tòa soạn, phóng viên Phạm Quang Dụ được giao ở nhà làm công tác trị sự là chính. Để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, cuối năm 1974, anh được cử về công tác tại Sư đoàn 3 ở Bình Định.
Anh mới đi được hơn 1 tuần thì đài BBC nói lính biệt kích vừa tóm được một phóng viên báo ở An Lão. Cả Tòa soạn lo lắng không yên. Tuy nhiên thời gian sau vẫn không nghe đài địch nói gì thêm.
Sau này thông tin của ta báo về, anh Dụ đến An Toàn (An Lão) thì được một giao liên dẫn đi, giữa đường gặp địch phục kích. Cả hai đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Bọn địch dựa vào máy ảnh, súng ngắn và giấy giới thiệu nên chúng biết đó là phóng viên. Sau ngày giải phóng, nhân dân đã quy tập hài cốt về nghĩa trang và không ghi rõ tên tuổi. Vì ghi mất tích nên 15 năm sau, nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của nhiều nguồn, anh Dụ mới được công nhận là liệt sĩ. Cục Chính trị Quân khu 5 đã 4 lần tổ chức đi tìm hài cốt của anh nhưng không thấy.
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 5, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) cho biết: “Trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh của thời chống Mỹ, Báo QGPTTB thường xuyên phân tán lực lượng, bám cơ sở, bám chiến trường, kịp thời có mặt ở những thời điểm quan trọng nhất.
Những tác phẩm báo chí đã phản ảnh sinh động cuộc sống, chiến đấu, công tác của lực lượng vũ trang, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, củng cố niềm lạc quan, tin tưởng cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới giành thắng lợi vẻ vang”.