Những nhà báo tiền bối hay cãi và cãi hay

BÙI VĂN TIẾNG 21/06/2021 14:42

Không ít nhà văn, nhà báo người Quảng thuộc các thế hệ đi trước đã thể hiện tính cách Quảng Nam không chỉ qua tư duy và văn phong khi tác nghiệp, mà còn ở một khía cạnh mang đặc trưng vùng miền: Cãi. Ở đây chỉ nêu 3 trường hợp điển cứu: Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Văn Xuân.

Phan Khôi  - Cãi không chừa ai!

Phan Khôi.
Phan Khôi.

Phan Khôi luôn đề cao quan điểm thượng tôn chân lý trong tranh luận học thuật. Ông sẵn sàng cãi cả với Sở Cuồng Lê Dư là đồng hương, đồng môn và cũng là em rể của mình.

Khi Sở Cuồng Lê Dư làm chủ biên bộ tùng thư lấy tên “Quốc học tùng san” cho rằng cái học ở nước ta có thể gọi là quốc học. Ông Phan không đồng tình cách nhìn nhận này. Bài viết “Luận về quốc học” đăng trên Phụ nữ tân văn số 94 (6.8.1931), Đông Tây số 96 (12.8.1931) và số 97 (19.8.1931) Phan Khôi đã viết to tướng dòng chữ dưới tiêu đề: “Cái học ở nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không? - Văn học với quốc học - ông Lê Dư định biên tập Việt Nam văn học sử hay là Quốc học sử?”. Ông viết: “Nói đến nước ta. Tôi muốn đặt ra một câu hỏi: Nước ta có quốc học không? Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không? Cho được trả lời câu hỏi ấy, ông Phạm Quỳnh nói không, ông Trịnh Đình Rư nói không, tôi nói không; ông Lê Dư nói có (…).  Ông Lê Dư có lòng tốt với tôi như vậy, tôi nỡ lòng nào đi phụ cái lòng ấy của ông? Song tôi nghĩ, cái chơn lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. Bởi vậy, trong việc này, tôi phải để mình về hai ông Phạm và Trịnh kia, viết bài này, cùng ông Lê thương xác lại vấn đề ấy”.

Không chỉ cãi với đồng nghiệp, sinh thời nhà báo Phan Khôi còn hay cãi với những cách nghĩ cách làm không phù hợp đời sống đương đại. Trong bài “Cảm tưởng trong khi trải qua mấy thành phố cũ” đăng trên báo Đông Tây năm 1931, nhà báo Phan Khôi đã nêu những nhận xét hết sức bộc trực của mình về mỹ quan đô thị khi đến “vạn Tam Kỳ ở Quảng Nam, vạn Thu Xà ở Quảng Nghĩa, phố Tuy Hòa ở Phú Yên, phố Ninh Hòa ở Khánh Hòa…” - những nơi mà ông gọi là “thành phố cũ”: “Nhà cửa phố xá, cái thì lồi ra, cái thì lõm vào, chủ nó mỗi người cất theo ý riêng mình, không buộc phải đúng quy củ nào hết. Còn đường sá, bỏ sự dơ bẩn chật hẹp không nói, chỉ nói cái đường nào cũng cong co quanh quẹo đã làm cho chướng mắt những người có đôi chút quan niệm về mỹ thuật rồi (…). Cái gì chứ đến những con đường mà không biết vạch cho ngay thẳng, thì không còn giấu chỗ bất học đi đâu được (…). Tôi nói như thế, hẳn lại có người cho tôi là bội bạc tiền nhân, làm con cháu trở đi chê ông cha là bất học. Ai trách thế thì tôi xin chịu. Nhưng bản ý tôi trong khi khảo sát đây, trọng về khách quan, trọng về sự thực, mắt thấy thế nào, miệng phải nói ra thế ấy, cốt muốn nhân một chút này đây để nhìn rõ cái trình độ văn hóa của ta ngày trước, cho nên nói thẳng mà không dám nể mích lòng”.

Người Quảng Nam vẫn biết hay cãi là mất lòng mà không tránh khỏi hoặc không muốn tránh, và đây cũng chính là chỗ mà dẫu không nói ra song thiên hạ vẫn thường cảm thấy thán phục, thậm chí ngưỡng mộ.

Huỳnh Thúc Kháng - Cãi bằng cách... không nói

Huỳnh Thúc Kháng.
Huỳnh Thúc Kháng.

Nhà báo Quảng Nam hay cãi ấn tượng nhất chính là chủ bút Báo Tiếng Dân - Huỳnh Thúc Kháng. Mở đầu bài báo “Nhà ngôn luận có thể khiến người đời đều ưa không?” đăng trên Báo Tiếng Dân, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã dẫn một danh ngôn Trung Quốc: Làm văn mà khiến người người đều ưa thì văn ấy đáng buồn. Làm văn mà khiến cho người đời không ai ưa, thì người ấy (nhà văn) lại càng đáng buồn - qua đó chủ bút Báo Tiếng Dân giải thích rất thuyết phục ý “người ấy lại càng đáng buồn”: “Còn làm văn mà lời nghiêm chánh, lý thẳng lẽ ngay thì hay trái tai người ta nên ít kẻ ưa. Đã ít kẻ ưa thì người làm văn ấy tất phải bị người đời chỉ trích, mà có khi mua thù chuốc oán, làm bia cho muôn mũi tên nữa, nên người ấy đáng buồn (…) Tuy vậy, thuở nay những lời nói trái thường khác tục, thường thiệt cho kẻ nói mà ích cho người khác nghe”.

Đối với nhà báo Huỳnh Thúc Kháng, cãi không đơn thuần là thể hiện trên mặt báo những ý kiến mà mình cho là đúng, là cần phải nói rõ, nói đến nơi đến chốn để thể hiện quan điểm lập trường của mình. Theo Huỳnh Thúc Kháng, nhất định không chịu nói những điều bị bắt buộc nói cũng là một cách cãi. Trên số báo Tiếng Dân đầu tiên ra ngày 10.8.1926, Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện tuyên ngôn của tờ báo Tiếng Dân: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Hơn hai năm sau, trên số báo Tiếng Dân ra ngày 1.5.1929, Huỳnh Thúc Kháng lại nêu rành rọt hơn về cách cãi độc đáo và đầy khí tiết của các nhà báo: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”...

Nguyễn Văn Xuân - Cãi người, cãi cả mình

Nguyễn Văn Xuân.
Nguyễn Văn Xuân.

Sinh thời Nguyễn Văn Xuân thường công bố các kết quả nghiên cứu văn hóa Quảng Nam trên báo chí trước khi in thành sách. Vì thế Nguyễn Văn Xuân có điều kiện thể hiện tính cách hay cãi của quê mình trên cả hai giác độ: thông qua tác phẩm báo chí để bàn sâu về tính cách người Quảng; thể hiện tính cách Quảng Nam của mình qua tư duy và văn phong khi tác nghiệp trên báo chí.

Về giác độ thứ nhất, trong bài “Quảng Nam hay cãi” đăng trên Tạp chí Khoa học và phát triển ở Đà Nẵng, Nguyễn Văn Xuân nhấn mạnh: “Chỗ nào người tỉnh này cũng có thể cãi nhau (…) Đã thế, giọng nói địa phương ồ ồ, nên nhiều khi chỉ cần bàn luận một công việc, khách qua đường tưởng lầm đang cãi nhau khiến thành ngữ “Quảng Nam hay cãi” càng trở nên dấu ấn sâu đậm”.

Về giác độ thứ hai, Nguyễn Văn Xuân đã cãi trong rất nhiều cuộc tranh luận học thuật trên báo chí miền Nam trước năm 1975. Nguyễn Văn Xuân còn tìm ra chỗ khác biệt để khẳng định vai trò không thể phủ nhận của văn học miền Trung/văn học Trung Kỳ trong văn học miền Nam/văn học Đàng Trong. Trong bài “Văn học miền Trung” đăng trên Tạp chí Tân Văn, Nguyễn Văn Xuân dẫn lời nói đầu sách “Văn học miền Nam” của Phạm Việt Tuyền “Như vậy, một cách tương đối, ta có thể gọi là văn chương miền Nam, tất cả tác phẩm đã chào đời ở miền Nam, thời kỳ trước thì hiểu theo nghĩa Đàng Trong, mà ở thời kỳ sau thì hiểu theo nghĩa Nam Kỳ, xét về mặt địa lý, hiểu chữ văn chương miền Nam như vậy thì tiền hậu không được duy nhất lắm, nhưng xét về mặt tính chất, văn chương Nam Kỳ ở thời Pháp thuộc thực sự đã là hậu thân của văn chương Đàng Trong như chúng tôi sẽ chứng minh về sau”, để cãi rằng nói như vậy là “ít chú ý về nền văn học toàn bộ của Đàng Trong về sau này(…) vì sự thật, văn học miền Trung, tuy không có những bề ngoài rực rỡ, lòe loẹt, thiếu kèn, thiếu quyển, nhưng nó vẫn có và vẫn ảnh hưởng đối với nhân dân miền Trung cũng như văn học toàn quốc”.

Và, khả năng cãi lại chính bản thân mình mới là một năng lực hay cãi tuyệt vời của Nguyễn Văn Xuân. Vì thế sau khi cãi với Phạm Việt Tuyền và các nhà văn học sử vô tình hay hữu ý đồng nhất văn học Nam Kỳ với văn học miền Nam/ văn học Đàng Trong, Nguyễn Văn Xuân cũng cãi lại chính mình khi thẳng thắn thừa nhận văn học miền Trung “chưa có một Vũ Trọng Phụng, một Hồ Biểu Chánh để thấy rõ nhà văn tiêu biểu của miền Trung, sẽ làm nổi bật cá tính miền Trung, và chỉ khi làm nổi bật cá tính đó thì cá tính văn học Việt Nam mới càng thêm phong phú sáng lạn”.


*               *

Có thể nói tính cách người Quảng - trong đó nổi bật là tính hay cãi - không chỉ góp cho báo chí Việt Nam nói riêng, cho văn hóa đọc Việt Nam nói chung một đề tài thú vị, một khía cạnh nổi trội trên hành trình làm rõ căn tính dân tộc, mà còn góp cho báo giới nước ta nhiều nhà báo ở các thế hệ sẵn sàng dấn thân thể hiện tính hay cãi Quảng Nam qua tư duy và văn phong khi tác nghiệp. Họ dám cãi và biết cãi đến cùng khi cầm bút nhằm bảo vệ cái tốt, cái đúng, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những nhà báo tiền bối hay cãi và cãi hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO