Những "nhà khoa học" sinh viên

Xuân Phú 23/04/2013 08:50

Lần đầu tiên, sinh viên (SV) trường Đại học Quảng Nam “vào vai” nhà khoa học tại một hội thảo với chủ đề “Vai trò công nghệ thông tin trong học tập và nghiên cứu khoa học” do nhà trường tổ chức. Hội thảo thu hút sự tham gia nhiệt tình của SV với nhiều tham luận chất lượng.

Công nghệ thông tin ngày càng trở nên quen thuộc và hữu ích đối với việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.Ảnh: X.PHÚ
Công nghệ thông tin ngày càng trở nên quen thuộc và hữu ích đối với việc học tập và nghiên cứu của sinh viên.Ảnh: X.PHÚ

Đam mê

Nghiên cứu khoa học là hoạt động thiết yếu giúp SV vận dụng những kiến thức đã được học trên lớp vào việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, đồng thời cũng là thước đo niềm đam mê khoa học của mỗi người. Theo SV Hà Đại (Khoa Văn hóa - du lịch K09), tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học… đã giúp cho SV thu nạp không ít kiến thức bổ ích phục vụ việc học tập. “Vì vậy, nhà trường và các khoa chuyên môn nên tổ chức hội thảo khoa học trong SV theo định kỳ hàng năm với các chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, quan trọng nhất là tạo điều kiện để SV có thể nghiên cứu khoa học thông qua việc đa dạng hóa nguồn tài liệu, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu, học tập. Ngoài ra, trường cũng cần xây dựng các diễn đàn, website, giúp SV dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, tham khảo tra cứu thông tin dữ liệu. Đồng thời, SV mong nhận được sự trợ giúp, tư vấn của giảng viên, khoa chuyên môn vì các bạn thường gặp bối rối khi không biết nghiên cứu cái gì, nghiên cứu như thế nào” - SV Hà Đại đề nghị.

Khá đa dạng về chủ đề, khía cạnh tiếp cận, phần lớn tham luận của SV tại hội thảo đều khẳng định vận dụng tiện ích công nghệ thông tin (CNTT), internet vào những chuyên ngành cụ thể tạo ra sự sáng tạo, đặc thù trong việc khai thác sức mạnh, phục vụ việc học tập và nghiên cứu. Với đề tài  Ứng dụng các hàm trong Excel để tính toán các chỉ tiêu kinh tế, Bùi Thị Xuân Quỳnh (khoa Kinh tế K09) cho rằng, hiện nay hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đều sử dụng ứng dụng này nên đòi hỏi nhân viên của mình phải biết đến. Do đó, ngay từ chương trình đào tạo chuyên ngành, nhà trường nên đưa vào giảng dạy cho SV trong từng bộ môn liên quan. Tương tự là các đề tài Ứng dụng CNTT để xây dựng các mô hình kinh tế bằng phương pháp nghiên cứu kinh tế lượng của Phan Xuân Thành (khoa Kinh tế) hay Sử dụng bản đồ giáo khoa điện tử trong dạy học của Nguyễn Văn Thích (khoa Văn hóa - du lịch).

Ở trường ĐH Quảng Nam, việc điều khiển các thiết bị điện chiếu sáng như công trình công cộng, hành lang đường bộ, ký túc xá còn thủ công nên rất tốn kém thời gian, công sức... Vì vậy, nhóm tác giả Trần Thị Trang, Đoàn Nguyễn Tư Hạ, Phạm Thị Minh Hiếu, Thái Văn Hạ (Khoa Lý Hóa Sinh K09)  đã nghiên cứu đề tài Sử dụng phần mềm Protues 7.8 thiết kế mạch tự động điều khiển quang điện, ứng dụng trong hệ thống chiếu sáng của trường.

Nhiều SV cũng đã tập trung đánh giá, đề ra các giải pháp khai thác thế mạnh của các phần mềm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Với đề tài Lợi ích của việc ứng dụng phần mềm Mindmap (sơ đồ tư duy), Thái Thị Thanh Tuyền (Khoa Ngoại ngữ K10) cho rằng trong quá trình học, SV thường gặp khó khăn trong việc tổ chức các ý tưởng phác họa một cách khoa học và hợp lý. Do đó, sử dụng phần mềm Mindmap với mục đích chính là hỗ trợ ghi nhớ chi tiết các dữ liệu qua phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh. “Mindmap được mệnh danh công cụ vạn năng cho bộ não, là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là đối với SV học ngoại ngữ. Nó giúp người học liên kết các ý tưởng và tạo kết nối với các ý khác, ghi nhớ, nhìn nhận các dữ liệu dễ dàng và nhanh chóng hơn. Vì thế, nhà trường cần đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, tổ chức các khóa tập huấn giúp SV có thể hiểu và ứng dụng phần mềm Mindmap vào việc học tập” - Thanh Tuyền chia sẻ.

Nhu cầu tự thân

Trường đại học (ĐH) không chỉ là trung tâm tập hợp những nhà khoa học là các giảng viên mà còn đào tạo ra các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong tương lai từ lực lượng SV trẻ trung, đầy nhiệt huyết. Đặc biệt trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ hiện nay, tự học và tự nghiên cứu là nhu cầu tự thân, được đông đảo SV tham gia. Vì vậy, theo TS.Huỳnh Trọng Dương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Quảng Nam, trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn tạo điều kiện cho SV tham gia nghiên cứu khoa  học, từ viết tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp đến viết bài đăng trên đặc san khoa học. “Những  năm qua, mỗi năm trường tổ chức 5 - 6 hội thảo khoa học cấp khoa, bước đầu giúp SV làm quen và nắm vững phương pháp, kỹ năng nghiên cứu. Hội thảo khoa học lần này là sự phát triển quan trọng về quy mô, phạm vi, mức độ cũng như chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học của SV toàn trường, đồng thời là cơ sở để những lần tổ chức sau đạt chất lượng cao hơn” - TS.Dương chia sẻ.

Mối quan tâm lớn hiện nay của phần lớn các bạn SV là CNTT nên trường ĐH Quảng Nam đã chọn chủ đề vai trò của CNTT đối với việc học tập và nghiên cứu khoa học trong lần đầu tiên tổ chức hội thảo. Có lẽ “đánh trúng” tâm lý đó nên hội thảo đã thu hút 40 tham luận của các cá nhân, tập thể, phản ánh phần nào tình hình nghiên cứu khoa học của SV hiện nay. Theo đánh giá của ban tổ chức hội thảo, dù lần đầu tổ chức nhưng phần lớn các tham luận thể hiện khả năng, phương pháp và chất lượng nghiên cứu trong SV. Có những bài viết là kết quả của một bài tiểu luận được trình bày hết sức công phu, có chiều sâu, thể hiện tâm huyết cũng như kỹ năng nghiên cứu. Những kinh nghiệm, chia sẻ cùng các đề nghị qua các bài tham luận tại hội thảo sẽ giúp cho nhà trường cũng như các bạn SV nhiều thông tin về việc ứng dụng CNTT; qua đó có sự quan tâm hơn trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu thời gian tới.

Xuân Phú

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "nhà khoa học" sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO