Những phận gốm lưu lạc...

TƯỜNG MINH 23/01/2023 07:45

(Xuân Quý Mão) - Năm nọ, một cặp dĩa bằng gốm Chu Đậu được ngư dân trục vớt ở đáy Cù Lao Chàm, rồi hữu duyên đi ra xứ Huế hòa cùng hoan ca với những phận gốm được trục vớt từ đáy sông Hương trong một khu vườn xưa cũ. Nhưng cứ tưởng những phận gốm này từ đây sẽ ăn ở với nhau đời đời kiếp kiếp...

Hiện vật gốm Chu Đậu trục vớt ở Cù Lao Chàm đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.
Hiện vật gốm Chu Đậu trục vớt ở Cù Lao Chàm đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương.

An, người bạn cũ, giờ quanh mình sờ đâu cũng thấy tiền, ở Hội An, nhắn tin bảo “thu xếp anh em mình về Huế, nếu được em xin mua lại cặp dĩa gốm Chu Đậu xưa ba em bán cho bác Phan, đó gần như là kỷ vật đáng giá nhất của ba em để lại trên đời gắn liền với một biến cố đau thương của gia đình...”.

An là con trai của một ngư dân ở vùng biển Cửa Đại. Những năm 90 của thế kỷ trước, ba của An, cùng nhiều ngư dân khác, là những người đầu tiên tình cờ phát hiện cổ vật, phần lớn là chén dĩa, bình gốm, ấm, bát, âu, liễn, hũ, lọ, hộp, nậm, cốc, bát bồng, chân đèn, tượng người, tượng thú, đồ minh khí... trong con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm.

Ban đầu họ thấy hay hay, đèm đẹp nên mang về để chơi trong nhà. Hồi đó người dân chưa biết, chưa có khái niệm gì về cổ vật nên những thứ mang về, chủ yếu là chén dĩa thường vứt đại trong tủ kính hoặc lăn lóc ở đâu đó mặc kệ.

Thời gian sau có nhiều “người lạ” tìm đến bất ngờ hỏi mua với giá rất cao. Thế là ngư dân lại rủ nhau ra Cù Lao Chàm lặn tìm cổ vật về bán. Và một trong những chuyến lặn tìm như thế, thuyền của ba An bị tai nạn, một người chú ruột của An qua đời. Sau đận ấy, ba An không đi lặn nữa, một phần do chính quyền địa phương ngăn cấm và thuê đội trục vớt chuyên nghiệp đến làm việc.

“Sưu tập Hồ Tấn Phan” tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan.Ảnh: H.V.M
“Sưu tập Hồ Tấn Phan” tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan.Ảnh: H.V.M

Tầm năm 2005, trong nhà An không hiểu vì lý do gì, lúc đó chỉ còn mỗi cặp dĩa gốm có men và hoa văn bị mẻ một góc. Từ một bức ảnh chụp chung giữa tôi và An trong nhà của bạn, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, người chuyên sưu tập gốm cổ trục vớt từ đáy sông Hương thời điểm đó phát hiện ra “hình như trong ảnh có thấp thoáng một cặp dĩa sứt mẻ là đồ Chu Đậu”. Và ông nằng nặc nhờ tôi phải đưa ông về Hội An để xem.

Năm đó chúng tôi về Hội An bằng xe máy. Sau khi xem và nghe chủ nhân kể về lai lịch, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan xác định đó là cặp dĩa gốm Chu Đậu, xuất xứ từ vùng Hải Dương, Thăng Long của Việt Nam, có niên đại từ thế kỷ thứ 11.

Đây là hai trong số hàng trăm ngàn cổ vật trong con tàu đắm huyền thoại ở vùng biển Cù Lao Chàm được cơ quan chức năng cho trục vớt, bắt đầu từ những năm 1997 - 1999.

Và ông Hồ Tấn Phan không chịu về Huế, cứ nấn ná ở lại Hội An để xin mua bằng được cặp dĩa. Ban đầu chủ nhân không bán, nhưng nài nỉ mãi, một phần thấy cặp dĩa đã không còn nguyên vẹn, một phần kinh tế gia đình thời điểm đó cũng khó khăn nên ba An quyết định bán với số tiền cũng kha khá so với vật giá thời điểm đó.

Cặp dĩa gốm Chu Đậu, sau đó thuộc hàng top trong bộ sưu tập hàng chục ngàn cổ vật gốm thuộc các thời kỳ từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ…, phần lớn được trục vớt từ dưới đáy sông Hương và nhiều dòng sông khác của Huế do ông dày công và dày tiền bạc sưu tập suốt mấy chục năm - chỉ khách quý hoặc quen thân lắm mới được ông mở cửa cho chiêm ngưỡng một lát - chỉ một lát đúng nghĩa của từ này.

Năm 2016, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan qua đời ở tuổi 77 do bệnh nặng, để lại nhiều dự án dở dang, trong đó có mộng ước thành lập bảo tàng tư nhân về gốm cổ trục vớt dưới các lòng sông Huế.

Hàng chục ngàn hiện vật gốm của Hồ Tấn Phan từ đó cũng theo ông ra đi do bị mất trộm; do người thân chuyển nhượng lại cho một số nhà sưu tập khác, trong đó có GS-TS.Thái Kim Lan ở Huế. Ngôi nhà vườn của ông Hồ Tấn Phan giờ trống trơ, hoang tàn với rêu phong, cỏ mọc. Và những gì quý giá nhất đã buộc phải ra đi, không chỉ có hiện vật gốm mà còn cả hàng ngàn đầu sách cổ quý giá do ông một đời chắt chiu mà có.

Nhưng tôi vẫn đinh ninh rằng, cặp dĩa gốm Chu Đậu ấy sẽ được những người ở lại gìn giữ, bảo quản để nó không bao giờ rời khu nhà - vườn của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan ở đường Cao Bá Quát, TP.Huế. Cho đến hôm nọ, khi tôi và An tìm về Huế để hỏi mua lại cặp dĩa thì câu trả lời từ hậu thế của ông làm chúng tôi sửng sốt: “Thiệt tình là không nhớ, không biết trong bộ sưu tập của ôn có cặp dĩa đó nên chừ cũng không biết nó lưu lạc ở phương trời mô”.

Chúng tôi tìm đến Lan Viên cố tích - Bảo tàng Gốm cổ sông Hương của GS-TS.Thái Kim Lan vừa khai trương ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên (TP.Huế). Bà Thái Kim Lan là người mượn, mua lại nhiều nhất các cổ vật gốm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan sau khi ông qua đời.

Và trong Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, bà trân trọng dành riêng một góc để trưng bày các hiện vật gốm đó với tên gọi “Sưu tập Hồ Tấn Phan”. An đã khấp khởi hy vọng biết bao trên đường đi, để rồi não nề thất vọng khi không thể nào tìm thấy dấu vết của cặp dĩa gốm Chu Đậu ở trong bộ “Sưu tập Hồ Tấn Phan”.

Trên đường thất thểu rời bảo tàng, An nói như muốn khóc: “Trước khi ba em qua đời nhiều năm trước, một trong những di nguyện của ông là muốn em ra Huế để chuộc lại cặp dĩa mang về lưu giữ làm kỷ niệm bởi nó gắn với nỗi đau trong đời ông khi vì nó mà mất đi vĩnh viễn người em ruột thịt. Thời điểm đó em còn quá khó khăn nên không dám nhắn cho anh. Giờ đến lúc em có tiền, có thể thực hiện di nguyện của ba với bất kỳ giá nào thì cổ vật đã không biết lưu lạc về nơi nào...”.

Phận gốm, chuyện của gốm cũng là phận người, chuyện của người, của những vùng đất. Đáy Cù Lao Chàm và đáy sông Hương; Hội An và Huế - những mối lương duyên ngắn ngủi và tréo ngoe như thế khiến thế gian chỉ biết thở dài mà ngậm ngùi...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những phận gốm lưu lạc...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO