Những phận người ngang phố

HÀ SẤU 30/11/2019 11:00

Gắn một phần cuộc đời với phố thị phồn hoa, họ đến rồi đi trong lặng lẽ. Lắm kẻ hụt hẫng khi tan giấc mơ hoa, có người lại mặc nhiên xem như một nốt trầm trong nhịp sống. Còn phố, vẫn bận rộn với guồng quay sầm uất ngày qua ngày.

Mưu sinh ở phố. Ảnh: H.S
Mưu sinh ở phố. Ảnh: H.S

Nặng gánh mưu sinh

Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số mới nhất vừa diễn ra trong năm 2019, dân số TP.Hồ Chí Minh xấp xỉ 9 triệu người nhưng tổng cư dân trên thực tế sinh sống, làm việc và học tập ở đây đã vượt qua con số 13 triệu người. Rất nhiều trong số 4 triệu người không nằm trong thống kê kia vật vã, “tầm gửi” ngày qua ngày ở chốn phồn hoa rồi sẽ phải rời đi khỏi giấc mơ phố xá khi bước chân mỏi mệt.

Nguyễn M. (Điện Ngọc, Điện Bàn) bỏ lại giảng đường ở một thành phố nhỏ để viết tiếp giấc mơ hằng ao ước trong một trường đại học danh tiếng ở TP.Hồ Chí Minh năm 21 tuổi dẫu biết gia đình cơ cực ở quê nhà chẳng thể trợ lực được gì. Chỉ một năm sau, M. lại thất thểu rời thành phố này chỉ bởi không thể tự lực xoay đủ tiền trang trải cuộc sống. Nó khác xa trong mường tượng của chàng trai trẻ lúc lên đường.

Đi dọc các đô thị ven biển Trung Bộ đến Sài Gòn, rất dễ bắt gặp những hàng hủ tiếu bình dân do người Quảng Ngãi dựng nên để tìm kế mưu sinh. Chủ nhân của các “tiệm” hủ tiếu này có lẽ nằm trong số những người lao động cuối cùng của đô thị còn thức giấc khi phố đã vãn người qua.

Ông Chương (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) vừa tỉ mẩn vuốt cho phẳng những đồng bạc nhàu nhĩ vừa bộc bạch: “Ở đâu cũng khó nhưng mà ở đây còn buôn bán trang trải có đồng vào đồng ra dễ thở hơn. Hiếm hoi lắm mới về quê dịp giỗ tết nhưng mà hai, ba ngày rồi phải tranh thủ quay lại liền chớ không là mất khách”.

Vợ chồng ông Chương từng dựng hàng ở TP.Quảng Ngãi gần chẵn chục năm và mới đến Đà Nẵng chừng sáu tháng những mong buôn bán khá khẩm hơn. Liệu rằng bao lâu nữa cuộc đi của họ sẽ bắt đầu hành trình mới?

Nỗi buồn khó tả

Chuyện xưa, vào thế kỷ 19, ở hai phường An Phú và Dục Thúy, huyện Lễ Dương (huyện Thăng Bình ngày nay) khi chứng kiến người dân ngụ cư đến sinh sống sau không có đất phải lênh đênh qua ngày tạm bợ trên sông nước, ông Nguyễn Đạo đứng ra vận động người dân địa phương trích ra hơn 20 mẫu công điền giúp người dân ngụ cư “an cư”. Việc đó sau được tâu lên quan trên và người dân trong xã được thưởng tấm biển khắc 4 chữ “Thiện tục khả phong” nghĩa là việc thiện đáng làm gương.

Giờ đi dọc vùng đông Quảng Nam, nhiều khu vực nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ, dần mang hình hài của phố, không khó bắt gặp những “thị dân” vãng lai tìm kế mưu sinh ở đây. Họ không đến nỗi lênh đênh sông nước nhưng sống tạm bợ, chật vật qua ngày.

Trong một ngôi nhà ọp ẹp không người ở phường Điện Dương (Điện Bàn), bảy tám thợ xây tứ xứ chen chúc nhau sinh hoạt sau ca lao động. Khi màn đêm buông xuống mái trọ này chỉ là một chỗ họ ngả lưng chứ không gì hơn. “Mùa nắng thì ổn chứ đợt rồi trời mưa thì thấm dột lung tung. Nhưng mà mình ở chắt bóp gần chục người thuê giá có hơn triệu rưỡi một tháng thì khó đòi hỏi gì thêm” - một người đàn ông trung niên đến từ huyện Tiên Phước bộc bạch. Đó cũng là nỗi buồn chung cũng rất nhiều lao động phổ thông không chỉ riêng ở thị xã non trẻ này.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận, nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp tại địa phương đang là vấn đề trăn trở bởi các nhà đầu tư không mặn mà với các dự án kiểu này khi lợi ích thu lại thường không mấy hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những phận người ngang phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO