Những phận người trên sông Hoài

Ghi chép của NHƯ TRANG 31/10/2017 13:30

Con sông Thu Bồn xuôi dòng ra Cửa Đại, bất ngờ quay ngược lại, rẽ dòng tạo thành một nhánh sông nhỏ nghiêng mình bên khu phố cổ Hội An và được người dân nơi đây đặt cho nó cái tên ấn tượng: Sông Hoài. Thời gian trôi, bao năm tháng đuổi nhau đi miệt mài. Phận đời chèo ghe trên sông in dấu tên tuổi mình bằng nghề chuyên chở những vị khách ghé tham quan.

Cụ ông Trần Mày gắn bó hơn 60 năm với dòng sông Hoài.
Cụ ông Trần Mày gắn bó hơn 60 năm với dòng sông Hoài.

1. Nhiều du khách gọi sông Hoài là dòng sông “bóng xế” bởi thấp thoáng trên sông luôn có các cụ già ở tuổi thất thập, bát thập mưu sinh. Bất kể chuyến đò nào, du khách là Tây hay là Ta đều trả phí đi đò 20.000 đồng/người cho một lượt cả đi lẫn về. Tính ra, mỗi ngày khoảng 5 - 10 chuyến, người chèo đò có thể kiếm được số tiền đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Vì thế, trên nhánh sông hoài cổ này, các cụ già vẫn mê mải sông nước, nặng nợ với nghề. Chiều nắng xiên khoai, tôi bắt đầu hành trình khám phá của mình trên chuyến đò của cụ Trần Mày (87 tuổi, trú tại phường Minh An). Cụ không may mất đi một chân vì mìn trong chiến tranh nhưng trông cụ vẫn đẹp lão chẳng khác gì ông bụt giữa dòng sông. Với nụ cười đầy trìu mến và giọng nói ấm áp, cụ càng dễ “dẫn khách” về với thuyền của mình. Đó là chưa kể giọng hò đậm chất Quảng cất lên ngay khoảnh khắc cụ khua tay xuôi mái chèo: “Chứ trên trời chừ có đám mây xanh/ Chính giữa mây trắng/ Chứ chung quanh mây vàng”. Đoạn, cụ ngưng giọng ca rồi tỏ vẻ trầm ngâm, đưa ánh nhìn xa xăm rồi kể về đời mình cho tôi nghe.

Cụ bảo: “Đời người một chân, tưởng đi đứng không vững để lo cho bản thân mình, ai hay mọi chuyện lại không đến nỗi…”. Trách nhiệm làm trụ cột gia đình đè nặng lên vai. Ngày nào cụ cũng chèo đò kiếm 200 - 300 nghìn đồng, cũng đủ nuôi đàn con khôn lớn. “Chừ già rồi, tôi chèo giải khuây, kiếm ít tiền hút thuốc, uống trà cho vui!” - cụ cười bảo. Chân trái đã mất, còn cái chân phải co lại làm trụ,  cụ Mày dồn hết sức lực vào đôi tay suốt hơn 60 năm ròng chèo đò trên sông Hoài. Để rồi giờ đây, tay đã mỏi, mắt đã mờ, cụ Mày phải chấp nhận cuộc chia ly với mái chèo. Cái gật đầu chịu nối nghiệp chèo đò của người con trai Trần Cư, có lẽ là niềm an ủi với cụ, cũng là sự tri ân của anh với dòng sông nuôi lớn đời mình.

Chèo thuyền về phía bờ sông bên lề Bạch Đằng đợi khách.Ảnh: NHƯ TRANG
Chèo thuyền về phía bờ sông bên lề Bạch Đằng đợi khách.Ảnh: NHƯ TRANG

Tôi tự hỏi, có phải đời sông đang cưu mang đời người? Chưa tìm ra câu trả lời, nụ cười của “cụ bà đẹp nhất thế giới” đã giải đáp giùm tôi. Ấy là cụ Bùi Thị Xong (70 tuổi, trú tại phường Cẩm Nam). Dáng người mảnh mai với bộ đồ bà ba đã sờn màu, đôi tay lắm vết chai sạn bởi một đời lam lũ cầm mái chèo, cụ Xong tiếp đón tôi bằng nụ cười hiền từ phúc hậu, hệt như bức ảnh của nhiếp ảnh gia Réhahn. Cụ đẩy nhẹ mũi thuyền xuôi mái chèo lãng đãng về phía bờ, miệng vừa móm mém nhai trầu vừa mời các ông Tây, bà Tây đi thuyền thưởng ngoạn nét đẹp phố Hội. Với cụ Xong, sông Hoài đâu chỉ là nơi cụ mưu sinh tìm miếng cơm, manh áo. Nó còn là chiếc cầu nối vô hình đưa cụ tìm đến muôn nẻo những niềm vui. Số cụ cơ cực từ tấm bé, đến già vẫn phải chăm chồng, nuôi người con 45 tuổi gầy yếu không có khả năng lao động. Mọi chi tiêu hằng ngày, hay thuốc men lúc trái gió trở trời đều phải trông chờ vào đôi tay xuôi mái chèo của cụ. “Cực quá, không lẽ già cứ phải khóc? Thôi thì cười lên, cười để vượt qua nghịch cảnh, sông thương, khách quý, lên thuyền cho già lèo lái, kiếm mấy đồng nuôi chồng con!” - cụ nói.

2. Sông vẫn chảy đời sông, những con sóng rượt đuổi nhau theo phận người xuôi mái chèo. Thuyền và sóng cứ bám víu lấy nhau như bóng với hình, như cuộc tình vượt biên giới của các cô gái chèo thuyền với những anh chàng Tây. Rất nhiều mối tình lãng mạn của thiếu nữ đều được dòng sông Hoài xe duyên, giữ gìn biết bao lời thề, chứng kiến biết bao buồn vui của họ. Nơi đây, người ta đã quá quen thuộc với kiểu các anh chàng Tây phải lòng các cô gái chèo đò chất phác, thật thà và mang vẻ đẹp mặn mà đặc trưng của dân sông nước. Hẳn vì thế, hễ tôi hỏi về mấy mối tình trên sông Hoài, người dân ven sông đều thuộc nằm lòng. Như chuyện bốn người con gái: Hoa, Huệ, Hương, Hằng của bà Nguyễn Thị Cúc (trú tại phường Sơn Phong) bám nghề chèo thuyền trên sông lấy chồng Tây, tìm về bến đỗ hạnh phúc. Vì cuộc sống khó khăn, học hành dở dang, mấy chị em dãi nắng dầm mưa, phụ giúp gia đình bằng nghề chèo đò đưa du khách quan chiêm cảnh đẹp sông nước.

Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới, ngày có nhiều khách Tây tới tham quan du lịch. Bốn chị em rủ nhau học tiếng Anh, tiếng Pháp… để có thể giao tiếp, trò chuyện với khách mỗi khi có chuyến chèo thuyền. Cũng nhờ thế, Hoa tìm được “chuyến đò nhân duyên” với một nhà quay phim điện ảnh người Úc. Còn Hương đem lòng yêu một nhiếp ảnh gia người Pháp, Huệ lấy chồng người Mỹ làm nghề kinh doanh nhà hàng. Người em gái út là Hằng cũng được anh chồng người Hà Lan “rước” về bển sinh sống trong niềm hạnh phúc tưởng là mơ.

Chuyện người, chuyện sông trôi theo tháng ngày, kỷ niệm về các đôi uyên ương cứ thế đầy lên, in dấu trên mặt sông dềnh dàng sóng nước. Đặc biệt, chuyện về mối tình chắp vá của bà Đỗ Thị Tràn (trú tại phường Cẩm Phô) khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ và thán phục. Trước kia, bà Tràn bươn chải trên sông Hoài với nghề đưa đò, chồng làm thợ hồ đi khắp nơi, dăm ba tháng lại trở về. Nhưng rồi, vì cô vợ bé ở đâu đó, người chồng ấy đành đoạn bỏ bà Tràn đi biệt tăm. Bà lam lũ một mình nuôi 2 người con. Ở tuổi 50, bà đâu có nghĩ mình lại “đi bước nữa”! Nhưng rồi… một ngày ông Kiell Hakansson - người Thụy Điển, bước lên chuyến đò bà Tràn, hai người phải lòng nhau và nên duyên chồng vợ. Dù tuổi cao, ông Kiell Hakansson vẫn tổ chức một lễ cưới long trọng với sự chứng kiến của hai bên gia đình. Xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, ông chọn một căn nhà ở phố Hội để chung sống với  bà Tràn. Thi thoảng, hai người lại đi du lịch cùng nhau, thăm các con và ôn lại kỷ niệm trên dòng sông Hoài từng kết tóc, xe duyên cho đời họ.

3. Như chim từ biển bay về phố, đậu trên mũi thuyền rồi khua mái chèo trên sông. Những ngư dân từng bám biển đánh bắt cá, nay trở về bén duyên với nghiệp chèo đò mưu sinh. Họ bảo nhau, từ đây, sông Hoài sẽ là mạch máu, là hơi thở của đời họ, những chiếc hoa đăng mỗi đêm thả xuống từ chiếc thuyền gỗ bé nhỏ trở thành niềm ước mong gắn kết với dòng sông Hoài. Hơn sáu năm nay, chia xa biển xanh, ông Nguyễn Đi (trú tại phường Minh An) chọn con đường từ phố dẫn ra sông để làm kế sinh nhai. Mỗi ngày, ông Đi trôi theo nhịp sống nhẹ nhàng ở phố, miệt mài với những chuyến đò.Và mỗi chuyến đò như thế sẽ mang lại một niềm vui chung giữa ông và khách thưởng ngoạn vẻ đẹp của phố cổ. Người hát ca, kẻ hò reo rồi vỗ tay theo từng nhịp chảy của thuyền trên sông, bất kể sáng trưa hay chiều tối, mỗi khoảnh khắc đều mang lại sự vui thích, phấn khởi trong lòng người. Cũng từ niềm say mê với thuyền trên sông nước êm đềm ấy, ông Đi rủ hai chị em bà Nguyễn Thị Mạnh và Nguyễn Thị Hòa cùng chèo đò trên sông Hoài để sống. Mỗi đêm như thế, hai chị em chuyên chở 3 - 5 chuyến, kiếm mỗi người vài ba trăm nghìn đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình.

Dòng trôi của bất cứ con thuyền nào trên sông Hoài cũng bắt đầu từ Quảng trường đến cầu An Hội, sau đó xuống ngã ba Bạch Đằng - Lê Lợi. Nhưng để đón đợi khách xuống thuyền, người lái đò luôn “khép mũi”, nép sát bên lề các tuyến đường, để khách nhận ra thuyền nào có người lái, chiếc đèn lồng sẽ là tín hiệu đặc trưng. Mọi người bảo với tôi, có duyên lành được sông cưu mang thì hãy đùm bọc, giúp đỡ nhau kiếm sống. Vì thế, gần 140 thuyền trên sông xem nhau như anh em, lập nên nguồn quỹ giúp đỡ hộ nào có người ốm đau, hoạn nạn, hoặc có hoàn cảnh khó khăn đột xuất… Họ sống nghĩa tình. Hết ngày này qua tháng khác, đời người trôi theo đời sông, dẫu nhọc nhằn, nhưng họ vẫn gắn bó với sông nước, với nghề chèo đò đưa khách quan chiêm thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên. Và họ - những phận người trên sông Hoài, đã làm nên nét đẹp văn hóa của phố cổ khiến bao du khách nước ngoài đến Hội An và không thể không quay lại vì yêu mến…

Ghi chép của NHƯ TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những phận người trên sông Hoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO