(QNO) - Duy trì huyết áp trong phạm vi tối ưu được xem là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Bởi hoạt động tuần hoàn máu thích hợp giúp cung cấp khí ô xy và dưỡng chất đến các nội tạng và tế bào nhằm duy trì hiệu quả các chức năng sinh học trong cơ thể. Trái lại, huyết áp tăng cao có thể mang lại nhiều rủi ro sức khỏe tức thì hoặc về sau cho bệnh nhân. Dưới đây là những phát hiện đáng chú ý về chứng cao huyết áp vừa được công bố.
Nam và nữ có ngưỡng huyết áp “bình thường” khác nhau
Thông thường, kết quả đo huyết áp luôn được thể hiện ở hai con số, bao gồm: giá trị trên (gọi là huyết áp tâm thu) và giá trị dưới (gọi là huyết áp tâm trương). Theo các tiêu chuẩn hiện hành, huyết áp từ ngưỡng 120/80 milimét thủy ngân (mmHg) trở xuống là bình thường ở người trưởng thành. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây phát hiện rằng ở phụ nữ, huyết áp thấp hơn ngưỡng này mới được xem là bình thường.
Ðể rút ra kết luận trên, các chuyên gia tại Viện Tim Smidt phân tích dữ liệu huyết áp của 27.542 người khỏe mạnh, 54% là nữ. Sau 4 thập niên theo dõi, có 7.424 người (44% là nữ) được ghi nhận mắc bệnh tim mạch chết người hoặc không nguy hiểm đến tính mạng, 3.405 người bị nhồi máu cơ tim, 4.081 người bị suy tim và 1.901 người bị đột quỵ.
Sau khi đánh giá tác động của số đo huyết áp đối với rủi ro trải qua các biến cố tim mạch, nhóm chuyên gia đã xác định được ngưỡng huyết áp “bình thường” ở hai giới. Theo đó, ngưỡng huyết áp “bình thường” ở nam vẫn phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành là dưới 120mmHg. Tuy nhiên, ngưỡng này ở nữ lại thấp hơn, ở mức 110mmHg, trên mức này đồng nghĩa họ bị cao huyết áp và có nguy cơ mắc bệnh tim. Nghiên cứu còn xác định phạm vi về nguy cơ mắc bệnh tim ở hai giới. Như với bệnh suy tim, cả nữ và nam có phạm vi nguy cơ tương ứng là 110-119mmHg và 120-129mmHg. Còn với đột quỵ, phạm vi nguy cơ ở nữ là 120-129mmHg và ở nam là 140-149mmHg.
Dựa trên phát hiện mới, các tác giả khuyến nghị cộng đồng y khoa đánh giá lại các hướng dẫn huyết áp hiện hành sao cho phù hợp với sức khỏe tim mạch hai giới.
Chứng tăng huyết áp thai kỳ có thể dẫn đến nhiều rủi ro tim mạch
Ðây là cảnh báo vừa được các chuyên gia tại Ðại học Pittsburgh (Mỹ) đưa ra, sau khi tiến hành theo dõi sức khỏe sau sinh của những phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ.
So với nhóm phụ nữ có huyết áp bình thường khi mang thai, nhóm phụ nữ mắc các rối loạn huyết áp - như tiền sản giật và tăng huyết áp thai kỳ - có sự khác biệt đáng kể về cấu trúc và chức năng của tim sau khi sinh con từ 8-10 năm, với 79% phụ nữ mắc cả hai rối loạn huyết áp nói trên bị dày thành tâm thất trái. Ngoài ra, nhóm phụ nữ này có bệnh sử cao huyết áp trong thai kỳ lẫn hiện tại còn có nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất. Tình trạng cao huyết áp của họ có liên quan đến một bệnh lý khiến tâm thất trái trở nên cứng hơn và không được bơm đầy đủ máu.
Theo tác giả chính - tiến sĩ tim mạch Malamo Countouris, việc nhận diện những phụ nữ có nguy cơ cao giúp họ chủ động kiểm soát và đẩy lùi rủi ro sức khỏe tim mạch. Theo đó, một số thay đổi đơn giản trong lối sống hoặc chế độ ăn - như vận động thường xuyên và kiểm soát tốt hơn các yếu tố nguy cơ tim mạch - có thể giúp đảo ngược những thay đổi ở tim và giảm nguy cơ mắc bệnh tim về sau.
Trẻ em và thanh thiếu niên phơi nhiễm khói thuốc dễ bị cao huyết áp
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố phát hiện này trên Tạp chí y khoa JAMA Network Open, sau khi tiến hành phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 8.500 đối tượng từ 8-19 tuổi từng tham gia một nghiên cứu quy mô lớn trước đó, với 43% từng tiếp xúc với khói thuốc.
Cụ thể, họ phát hiện 6% số trẻ phơi nhiễm với khói thuốc lá đã phát triển chứng cao huyết áp, trong khi tỷ lệ này ở trẻ không phơi nhiễm khói thuốc là 4%. Tương tự, 16% trẻ hút thuốc lá thụ động bị tăng huyết áp, trong khi chỉ 11% trẻ không tiếp xúc khói thuốc bị tăng huyết áp.
Tiến sĩ Rebecca Levy - tác giả nghiên cứu cho biết, cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như nhiều bệnh lý khác, trong khi việc phơi nhiễm với khói thuốc có thể gây ra những hậu quả tiêu cực kéo dài đến tuổi trưởng thành.