“Ngoan nào, đừng la nữa, nghe lời dì, nằm im cho chú chụp ảnh, rồi dì sẽ mua bánh xèo cho ha…” - bà Đoàn Thị Vân dịu dàng vỗ về một cơ thể mang hình hài con gái da bọc xương, mắt trợn ngược trắng dã, đang vùng vẫy trên giường “dọa” người lạ. Dỗ dành mãi, cuối cùng thì cô gái ấy cũng chịu nằm yên. Bà Vân quay sang chúng tôi thở hắt: “Từ ngày mẹ mất, nó bỗng dưng ghét người lạ vì sợ người ta đến mang đi…”.
Bà Vân và Thúy - những phận đời khổ ải. |
38 năm “nằm duỗi”
“Nó” tuổi Mùi, năm nay 38 tuổi - hậu quả của một mối tình vụng trộm. Cha “nó” quất ngựa truy phong. Mẹ ruột đã từ bỏ “nó” từ khi còn là giọt máu với đủ loại cây lá nhưng nó kiên quyết không rời thành tử cung. Đẻ “nó” ra được 2 ngày, mẹ nó đành đoạn vứt nó ở trạm xá xã rồi bỏ làng đi biệt xứ. Mẹ nuôi “nó” - bà Đoàn Thị Bình - thời điểm đó là công nhân của một nhà máy sản xuất gốm trên địa bàn xã Bình Triều (Thăng Bình), có chồng đã mấy năm nhưng chưa sinh được con. Hay tin “nó” bị bỏ rơi, bà Bình bàn với chồng nhận về nuôi. Ngày “nó” về và được đặt tên là Thúy, cả xóm đến chúc mừng bởi số phận run rủi thế nào mà “nó” và ba mẹ nuôi cùng tuổi Mùi. Ai cũng hớn hở đem kinh nghiệm dân gian ra bảo “cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”, từ nay chỉ có nước giàu đến giàu chứ ông trời sắp đặt vậy rồi, muốn nghèo cũng khó...
Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bởi Thúy không thể phát triển được như trẻ bình thường, lớn thì có lớn nhưng lại không biết nói, biết ngồi… dù đã lê lết hầu khắp các bệnh viện, thầy lang trong Nam ngoài Bắc. “Nó nằm duỗi đúng nghĩa nhưng không phải “ăn” mà để chờ người ta đút cho ăn” - lời bà Vân. Được khoảng 3 năm, vì không chịu được cảnh trong nhà có một đứa con nuôi người không ra người, ba nuôi của Thúy “bắt” bà Bình phải gửi Thúy vào trại mồ côi. “Bắt” mãi không được, ông bỏ vợ, bỏ nhà đi theo một người đàn bà khác. “Lúc đó chị tui cũng nhiều lần tính đi bước nữa, nhưng lần nào cũng chần chừ, lần lữa nghĩ đến nó, nghĩ đến chuyện người ta không chịu được lại ra đi như ba nuôi nó nên chị tui thôi, quyết ở vậy nuôi con” - lời bà Vân.
Bà Vân than “ông trời không có mắt. Chị tui làm người chưa một ngày sung sướng đúng nghĩa. Tuổi thơ thì giặc giã theo anh chị sơ tán ngược xuôi khắp nơi. Lớn lên lấy chồng thì không sinh được con lại gặp phải người ích kỷ, bội bạc. Cùng đường, nhận con người ta về nuôi những mong sau này tìm chỗ nương tựa nhưng chẳng may lại xin phải một người con không bình thường. Gần 40 năm nay một mình nuôi con trong cảnh đọa đày, chưa có nỗi khổ ải nào mà chị tui chưa trải qua. Cứ nghe ở đâu có bài thuốc hay, bệnh viện nào có hy vọng chữa lành cho bé Thúy là chị tui ôm con bắt xe tìm đến. Tiền của làm được bao nhiêu chị tui dành hết để chạy chữa cho con nhưng cuối cùng cũng chẳng tới đâu…”.
Cách đây 2 năm, khi Thúy bước qua tuổi 36 thì bà Bình cũng qua đời ở tuổi 63 vì bạo bệnh. Bà Vân kể, chị Bình phát hiện mình bị ung thư trước đó nhiều năm, nhưng phần không ai chăm con, phần không còn tiền của nên cứ âm thầm chịu đựng hết năm này sang năm khác mà không đến bệnh viện. Đến một ngày, chị Bình không chịu được những cơn đau, buộc phải đến bệnh viện cấp cứu thì mọi chuyện đã muộn. “Ngày cuối cùng trên giường bệnh, chị Bình vừa khóc vừa cầm tay tui nói mất mẹ thì còn dì. Chị chắc không còn sống được bao lâu nữa nên chừ chị gửi con Thúy lại cho em, trăm sự nhờ em yêu thương chăm sóc nó chứ đừng gửi nó vô trại mồ côi mà tội nghiệp… Tui không còn cách nào khác phải nhận lời để chị yên tâm nhắm mắt” - lời bà Vân. Lo xong đám tang cho chị, bà Vân xin chồng, bàn với các con rồi quyết định rời nhà mình sang sống ở nhà cũ của chị Bình để chăm sóc Thúy. Hỏi sao không đưa em nó về nhà mình cho đỡ một cảnh hai quê? Bà Vân bảo “em nó kiên quyết không chịu rời nhà, với lại chừ đóng cửa đưa em đi thì biết lấy ai hương khói cho chị?”.
Sống được ngày nào hay ngày đó…
Bà Vân kể, ngày trước nhìn cảnh chị Bình chăm con khổ sở quá, bà thầm nghĩ trên đời sao lại có cái gọi là duyên nợ từ kiếp nào để rồi đày đọa nhau tàn khốc đến thế. “Lúc đó tui hay khóc vì nghĩ thương cho số phận hẩm hiu của chị mình, ai ngờ đâu bây giờ sự đọa đày đó lại được gá qua cho tui”. Đang chuyện thì Thúy miệng ú ớ gì đó, với cánh tay gầy guộc đeo đầy vòng với với ra khung cửa sổ về phía chúng tôi ngồi. Bà Vân nhìn nhìn, nghĩ một lát rồi nói “nó đang đòi ăn cơm”. Bà chạy vào vỗ vỗ lên lưng Thúy, bảo “con đợi dì chút, cơm chưa chín” và Thúy cười nằm im. Bà Vân nói “tội nghiệp lắm, nó không ngồi được, không nói được nhưng lại nghe và hiểu hết những gì người khác nói về mình”. Bà kể hồi chị Bình còn sống, thấy cảnh mẹ ốm nuôi con ngắc ngoải với thời gian tính hàng chục năm khổ quá, có ông cán bộ xã đến thăm, bảo đường nào cũng rứa rồi, không thay đổi được chi, hay là chị gửi Thúy vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để người ta chăm sóc giúp cho. Vừa nghe đến đó là nó ở trong phòng chân tay đập loạn xạ, miệng la hét ầm ĩ. Chị Bình phải ôm chặt lấy, hứa là mẹ sẽ ở với con đến hết đời, không giao con cho ai hết… nó mới chịu. Nhưng từ đó về sau, nó ghét ông cán bộ xã đến mức hễ nghe tiếng ông ở ngoài cổng là ở trong này nó đã la hét, ra dấu bảo đuổi đi. “Thương nhất là ngày mẹ nó mất ở bệnh viện đưa về. Nó làm cả nhà ai cũng khóc như mưa khi ra dấu bảo đưa mẹ vào phòng nằm với nó. Tui bảo mẹ mất rồi, chừ phải cho vào quan tài nên không thể vào nằm với con được. Nó ứa nước mắt, ra dấu bảo tui vô đưa nó ra nằm bên cạnh mẹ. Rồi nó khóc, lăn lộn, la hét, cào cấu… ai dỗ cũng không nghe. Đến khi nguôi được thì nằm im một chỗ không động đậy, mấy ngày liền không thèm đụng vô cơm nước…”.
Bà Vân có chồng và sinh được 4 người con. Ba con đầu hiện đã lập gia đình. Cô gái út tên Sương còn rất trẻ nhưng không hiểu sao lại chán cuộc sống trần tục, vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân rồi vào chùa xuống tóc quy y làm ni sư. Hoàn cảnh của bà Vân hiện cũng thương tâm chẳng khác chị mình. Ngôi nhà mà chị Bình để lại cho hai dì cháu hiện xuống cấp tới mức cứ mưa là không biết nước ở đâu trên trời cứ chảy xuống vì chỗ nào cũng dột nát. Cuộc sống của hai dì cháu gần 2 năm nay chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp 450 ngàn đồng/tháng của Thúy từ chính quyền địa phương và quầy hàng tạp hóa trước nhà do bà Bình để lại. “Nhưng cũng chẳng buôn bán gì được nhiều bởi ở đây gần chợ. Khách mua chủ yếu là người quanh xóm, người ta thấy thương hai dì cháu nên đến mua giúp mà thôi” - bà Vân nói.
Hôm chúng tôi tìm đến, bà Vân xin lỗi khách khi phải nằm trên giường để tiếp chuyện vì hai chân và lưng bị đau. Bà bảo mình bị thấp khớp, trở trời là đau nhức. Nhưng chị Sương ni cô - con gái út của bà Vân hôm đó cũng có mặt ở nhà thì làm chúng tôi chết lặng khi kéo ra một góc nói nhỏ: “Mẹ em bị K xương. Đã đi kiểm tra ở nhiều bệnh viện. Ở đâu người ta cũng đề nghị phẫu thuật nhưng mẹ em không dám vì ở trong làng, cũng có nhiều người bị như mẹ nhưng phẫu thuật xong là chết. Mẹ em giấu bệnh nên ai hỏi cũng nói là thấp khớp. Mẹ em sợ mình đi trước chị Thúy thì không còn ai chăm sóc chị ấy…”. Lựa lúc bà Vân ở một mình, chúng tôi bảo “chị Sương đã cho tụi em biết về bệnh của chị”, rồi hỏi “chị có dự tính gì cho em Thúy không nếu chẳng may mình đi trước em ấy?”. Bà Vân ngước nhìn về phía Thúy, nước mắt ngân ngấn: “Thì được ngày nào hay ngày đó, chừ tui không biết tính kiểu chi…”. Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều - nói: “Tấm lòng của hai chị em cô Vân thật cao cả và đáng trân trọng. Đây cũng là một trong những trường hợp khó khăn đặc biệt từ nhiều năm nay. Hiện cả cháu Thúy và chị Vân đều bệnh tật, không thể lao động được lại tốn kém nhiều tiền thuốc men. Mặc dù địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ nhưng do điều kiện còn hạn chế nên gia đình này vẫn phải sống trong cảnh chạy ăn từng bữa...”.
Bây giờ những điều tốt đẹp trong cuộc sống, vừa ít vừa ngắn ngủi, hoặc nếu có dài lâu thì cũng đi kèm với khổ đau đọa đày con người ta kiểu như giá quy đổi. Bởi vậy có những lúc như khi nhìn theo đôi mắt ngấn lệ của bà Vân, chúng tôi lại ao ước giá mà mình có một phép màu…
Ghi chép của HOÀNG VĂN MINH - HỮU LONG