Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đưa ra cam kết thực hiện lộ trình giảm khí phát thải nhà kính. Đến nay, Bhutan, Suriname và Panama nằm trong số ít các quốc gia có lượng phát thải CO2 âm.
Biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Đây chính là lý do để tháng 12/2015, hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), tổ chức tại Pháp, đã thông qua thỏa thuận Paris lịch sử - nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận tham vọng mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2 độ C.
Để cụ thể hóa thỏa thuận Paris 2015, một số quốc gia trên thế giới chạy đua với phát thải net zero - giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của trái đất, đến mức tổng lượng khí thải ròng bằng 0.
Đi tiên phong với net zero phải nói đến Bhutan - quốc gia đầu tiên trên thế giới có lượng CO2 âm. Cụ thể, Bhutan tạo ra 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhưng nhờ độ che phủ của rừng lên đến 72% - có thể hấp thụ hơn 6 triệu tấn CO2.
Nằm ở khu vực Nam Á, đất nước Bhutan nhỏ bé với tổng số dân hiện khoảng 800 nghìn người, nổi tiếng là quốc gia coi trọng sức khỏe và hạnh phúc.
Bhutan nỗ lực bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hiến pháp Bhutan quy định ít nhất 60% diện tích đất nước phải được che phủ bởi rừng, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo vệ động vật hoang dã.
Chính phủ Bhutan tạo điều kiện tốt cho người dân sống trong các khu vực được bảo vệ, vừa để bảo vệ rừng vừa để ngăn chặn nạn săn bắn, khai thác mỏ và ô nhiễm rừng. Rừng cũng là một phần di sản văn hóa thiêng liêng của Bhutan và chính phủ theo đuổi nền kinh tế rừng thông minh với khí hậu.
Không chỉ cấm xuất khẩu gỗ vào năm 1999, Bhutan hiện tính phí phát triển bền vững 100 USD một ngày đối với người lớn và 50 USD đối với trẻ em từ 6 - 12 tuổi cho khách du lịch, nhấn mạnh giá trị của du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường. Bhutan ưu tiên canh tác hữu cơ bền vững và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Để giảm lượng CO2 do việc đốt gỗ thải ra, Bhutan cung cấp miễn phí nguồn điện sạch và tái tạo cho nông dân. Bhutan sản xuất rất nhiều điện từ thủy điện, đến mức có thể bán được cho các nước láng giềng.
Trong khi đó, báo cáo từ Liên hiệp quốc, quốc gia nhiệt đới Suriname thuộc vùng Nam Mỹ, được bao phủ bởi 93% là diện tích rừng tự nhiên. Đây là tỷ lệ cao nhất thế giới. Suriname, với dân số 620 nghìn người nằm trong nhóm các quốc gia HFLD (Độ che phủ rừng cao, tỷ lệ phá rừng thấp). Suriname đang tính toán cách bán tín chỉ CO2 cho các quốc gia có lượng phát thải cao.
Mặc dù kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, tương tự Bhutan, Suriname bảo vệ rừng như “bồn chứa CO2”. Rừng Suriname có khả năng hấp thụ 8,8 triệu tấn CO2 mỗi năm trong khi quốc gia này chỉ thải ra 7 triệu tấn.
Cạnh đó, Suriname đầu tư vào nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu và các công nghệ tiên tiến chuyển đổi sinh khối (các loại vật liệu sinh học) thành năng lượng hữu ích, duy trì các nguồn năng lượng tái tạo hơn 35% vào năm 2030, thúc đẩy quản lý đất đai và tài nguyên nước bền vững.
Tương tự, Panama - nơi sinh sống của gần 4,5 triệu người, có hệ sinh thái rất phong phú. Theo đó, 65,4% diện tích lãnh thổ được bao bọc bởi rừng mưa nhiệt đới, đầm lầy và rừng rậm. Panama loại bỏ nhiên liệu nặng và than đá vào năm 2023.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) vào cuối năm 2021, Panama cùng Suriname và Bhutan đã tiến hành thành lập một liên minh các quốc gia có lượng phát thải CO2 âm.