(PR) - Nhờ vị trí địa lý tự nhiên và địa hình đa dạng, Quảng Bình có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Nổi tiếng với biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng hệ thống hang động kỳ vĩ; Tuy nhiên, Quảng Bình cũng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu. Vào mùa mưa (mùa thu – đông), ngành du lịch trở nên thiếu sức hút, thiếu sản phẩm du lịch thu hút du khách. Làm thế nào để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững, thích ứng với thiên tai đang là bài toán đặt ra bức thiết với địa phương này.
Tiềm năng lớn, nhưng thiên tai nhiều
Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi với 116km đường bờ biển, có rừng, sông và nhiều bãi biển có cảnh quan đẹp như: Vũng Chùa - Đảo Yến (Nơi yên nghỉ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, Hải Ninh… Tỉnh cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí cao cấp. Vùng ven biển có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa biển Nhật Lệ với quần thể di tích và danh thắng của TP. Đồng Hới…
Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, với những hang động tuyệt đẹp như động Phong Nha, động Thiên Đường và Sơn Đoòng, động lớn nhất thế giới, nơi chứa đựng các giá trị nổi bật toàn cầu về tính đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên. Dù là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất, nhưng ngành du lịch cũng đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu.
Thích ứng để phát triển bền vững
Để giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, ngành du lịch địa phương đang tiến tới thay đổi tư duy du lịch mùa vụ, để mùa nào, thời gian nào cũng có thể phát triển du lịch.
Vừa qua, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp đã nghiên cứu và xây dựng thử nghiệm một số sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu độc đáo và ấn tượng, trong đó tiêu biểu là các sản phẩm
Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa
Trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Đây có lẽ là tour du lịch duy nhất được tổ chức trong mùa lũ lụt ở Việt Nam. Các hoạt động du lịch thử nghiệm bao gồm: đón khách bằng thuyền máy tại điểm tập kết theo quy định đến khu vực ngã ba Tân Lý, sau đó đưa khách vào khu điều hành Tú Làn để ngắm cảnh, trải nghiệm mùa lụt tại Tân Hóa và nghỉ ngơi ở khu điều hành Tân Hóa; chèo kayak, sup, thuyền ngắm cảnh quan mùa lụt tại khu vực trước cửa của khu điều hành Tú Làn; chèo kayak, sup đi tặng quà cho người dân; trải nghiệm cuộc sống của người dân trong mùa lụt…
Được biết, Tân Hóa là vùng có cảnh quan tuyệt đẹp, hiện đang được Công ty Chua Me Đất khai thác các tour du lịch trải nghiệm hấp dẫn như khám phá hệ thống hang động Tú Làn, hang Tiên, khám phá rừng Lim bằng xe địa hình ATV…
Mùa mưa bão, nơi đây thành “rốn lũ” của huyện Minh Hóa. Trước đây, do chưa chủ động ứng phó với thiên tai nên người dân gặp nhiều khó khăn và bị thiệt hại lớn. Hiện nay, người dân đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống lũ lụt, trong đó có mô hình nhà phao nên cuộc sống trên nước lũ diễn ra an toàn hơn.
Từ đó cũng gợi mở cho doanh nghiệp du lịch về mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa. Với du khách đến từ các thành phố lớn thì trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như ở nhà nổi, thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối chinh phục hang động… ở Tân Hóa cũng có những thú vị riêng ít nơi có được.
Tham quan Hung Trâu và bản người Rục mùa lũ
Mùa lũ, xứ sở của người Rục – một trong mười tộc người bí ẩn nhất thế giới – ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) bị cô lập. Trong cái dữ dằn của thiên tai vẫn tiềm ẩn vẻ đẹp, và vì thế, xứ sở này mở ra một ý tưởng độc đáo nhưng hấp dẫn.
Một vùng rừng rộng lớn bên dưới những ngọn núi đá vôi bao gồm cả con đường độc đạo dẫn vào xứ sở người Rục sinh sống được gọi là Hung Trâu, (hung theo tiếng địa phương còn gọi là thung lũng). Thung lũng này lọt thỏm giữa những ngọn núi đá vôi bị ngập sâu gần chục mét suốt gần một tháng.
Nước lũ ở đây có màu xanh ngọc, đứng từ trên ngọn núi đá vôi nhìn xuống, cả vùng ngập lũ như một bức tranh thủy mặc tĩnh lặng và đẹp mê hồn, Vùng Hung Trâu, nơi bình thường vẫn phủ một màu xanh ngắt của rừng già, nay như một bể bơi tự nhiên khổng lồ. Những tán cây bị ngập đến ngọn, trở thành nơi để trải nghiệm các hoạt động bơi thuyền kayak, chèo SUP, lặn..
Sau khi bơi lội thỏa thích, khách du lịch di chuyển vào bản Ón, một bản làng của tộc người Rục. Tham quan hang đá cổ xưa là nơi 60 năm trước, một nhóm người Rục từng sinh sống và được bộ đội Biên Phòng tìm thấy, kết thúc một giai đoạn sống săn bắt hái lượm, đưa họ về định cư dưới thung lũng.
Bởi đây là một thung lũng, nên Hung Trâu sẽ bị ngập lũ trong khoảng một tháng, vừa đủ để tạo ra một hành trình thú vị và hấp dẫn cho du khách bao gồm cả các hoạt động ngắm cảnh thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cuộc sống cộng đồng người Rục.
Tất cả các sản phẩm thử nghiệm nói trên, sau khi tổng kết đánh giá có hiệu quả sẽ giao cho các doanh nghiệp đủ năng lực triển khai, góp phần nâng cao nhận thức về du lịch mùa lũ, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, thu hút khách du lịch đến Quảng Bình quanh năm.