Nhân dịp bà Lê Thị Trang - Phó Giám đốc GreenViet được Quỹ đối tác về các hệ sinh thái trọng yếu (CEPF) vinh danh; các lãnh đạo của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã dành cho Quảng Nam Cuối tuần những chia sẻ về thực trạng đa dạng sinh học và khát khao với nghề.
Đam mê và day dứt
* Thưa bà Lê Thị Trang, bà nghĩ gì khi trở thành người Việt Nam duy nhất được vinh danh trong top 10 “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” năm 2020?
Bà Lê Thị Trang: Đây là vinh dự của cá nhân tôi và cũng là của tập thể. GreenViet là một tổ chức được thành lập với sứ mệnh người Việt tiên phong bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam. Chúng tôi với gần 10 anh em từ năm 2013 đã quyết tâm thực hiện sứ mệnh này bằng cách kêu gọi, truyền thông, huy động càng đông người Việt kết nối, yêu thương và tham gia bảo vệ các loài động thực vật hoang dã nguy cấp của Việt Nam đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Có thể nói, niềm tự hào về sứ mệnh của chúng tôi đã được hun đúc từ rất lâu chứ không hẳn chỉ đến từ giải thưởng lần này.
* Việc được vinh danh trong hạng mục “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” cho thấy công tác bảo tồn đa dạng sinh học của cá nhân bà cũng như đơn vị GreenViet gặp không ít thách thức?
Bà Lê Thị Trang: Khó khăn là điều phổ biến mà các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên phải đối diện chứ không chỉ của riêng GreenViet. Dù vậy, việc lựa chọn hoạt động ở một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu của GreenViet không hẳn chỉ vì các thách thức, mà còn là các cơ hội để đơn vị có thể đóng góp tốt hơn cho hoạt động bảo tồn ở Việt Nam và trên toàn cầu. Đặc biệt, các quần thể chà vá mà GreenViet đang ưu tiên bảo vệ đều xuất hiện tại các điểm nóng. Việc bảo vệ sinh cảnh sống, ngôi nhà của chúng là một sứ mệnh mà chúng tôi đã lựa chọn.
* Không chỉ gắn với Sơn Trà, bà cũng lưu dấu ấn ở nhiều vùng đất, rừng miền Trung - Tây Nguyên. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà với Quảng Nam?
Bà Lê Thị Trang: Đó là một day dứt. Cách đây đúng một thập kỷ, tôi đi thu thập dữ liệu về thực trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ở Quảng Nam. Bấy giờ số lượng các hộ thu gom sản vật địa phương kết hợp thu gom động thực vật hoang dã phân bố rất dày xung quanh vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên. Mỗi hộ tiểu thương này thường có đội đi bẫy riêng từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vào, có hộ nuôi đến 40 thợ bẫy một mùa. Và như vậy, số lượng động vật bị bẫy rất lớn. Trong khi lực lượng kiểm lâm của mình quá mỏng, thường phải phụ trách địa bàn quá rộng. Điều đó khiến tôi rất day dứt và thôi thúc mình càng phải hành động…
Cần tầm nhìn xa về bảo vệ đa dạng sinh học
* Thưa ông Trần Hữu Vỹ, tính đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị tác động, đe dọa ra sao?
Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm GreenViet: Trong mấy năm gần đây có tới hàng chục loài động vật, thực vật được phát hiện mới, hoặc lần đầu tiên được ghi nhận ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, mang lại nhiều giá trị khoa học và bảo tồn cho địa phương. Áp lực lớn nhất hoặc có xu hướng gây áp lực lớn đến đa dạng sinh học của khu vực là sự phát triển, đặc biệt là quy hoạch cho phát triển đô thị, dùng không gian, cảnh quan và hệ sinh thái rừng, sông, biển, hồ vào xây dựng các dự án đầu tư có gắn với từ “sinh thái”, hoặc dự án thủy điện, thậm chí cả dự án dân sinh...
Bên cạnh đó, áp lực từ cộng đồng sống xung quanh các hệ sinh thái rừng cũng không ít. Đó là lấn chiếm đất rừng, gây cháy rừng do phương thức sản xuất và canh tác trên nương rẫy gần rừng tự nhiên, bẫy bắt, săn bán động hoang dã trái phép, lâm tặc hoạt động tinh vi hơn và việc khai thác lâm sản ngoài gỗ chưa có quy trình kiểm soát và kế hoạch khai thác bền vững ở mỗi cộng đồng và chủ rừng nói chung.
CEPF là chương trình toàn cầu do Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) điều phối thực hiện. Cứ 5 năm 1 lần, CEPF lựa chọn ra những cá nhân, tổ chức để vinh danh. Danh hiệu “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” năm 2020 được CEPF công bố nhân ngày đa dạng sinh học thế giới cho 10 nhà bảo tồn đến từ các khu vực điểm nóng đa dạng sinh học (gồm Việt Nam, Jamaica, Brazil, Liberia, Fiji, Kenya, Indonesia, Mauritius, Pháp, Colombia).
Những áp lực từ con người đến hệ sinh thái tự nhiên đã làm suy thoái đa dạng sinh học, mất rừng, thay đổi chất lượng môi trường sống nên dẫn đến một số loài tuyệt chủng như tê giác Java, một số quần thể loài giảm số lượng đến mức khó phục hồi quần thể như hổ, voi… Điều nguy hiểm là những hậu quả này phải lâu sau mới bộc phát nên ngay lúc gây ra áp lực chúng ta không nhận thức được. Và những mất mát hệ sinh thái tự nhiên đó phải hàng chục, hàng trăm năm sau mới có thể phục hồi, thậm chí có những giá trị vĩnh viễn không thể phục hồi.
*Ông có thể đánh giá về nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học hiện nay?
Ông Trần Hữu Vỹ: Riêng đối với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường như GreenViet thì hầu hết dự án, chương trình đều có hợp phần truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng qua nhiều hình thức khác nhau như truyền thông trực tiếp tại các buổi họp dân, tuyên truyền qua tờ rơi, poster, báo chí, truyền hình, phát thanh… Kể cả hình thức đưa cộng đồng đến các nơi có tài nguyên rừng và đa dạng sinh học để truyền thông nâng cao nhận thức. Thực tế thì nhận thức từ cộng đồng đã dần tốt lên rất nhiều trong thời gian qua.
Mặt hạn chế của truyền thông nâng cao nhận thức hiện nay là cách thức tổ chức, thông điệp truyền thông và năng lực thực hiện truyền thông chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như sự đa dạng các đối tượng trong xã hội. Cũng phải đề cập việc một số nhóm đối tượng cần hướng đến như doanh nhân, chính trị gia khó có các giải pháp hiệu quả bởi ý chí quá mạnh mẽ. Nhóm đối tượng cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần rừng thì lại khó thay đổi nhận thức và thói quen.
* Nhận định của ông về tiềm năng phát triển, tương quan khó khăn và thuận lợi trong công tác bảo tồn đàn voọc ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) so với quần thể voọc ở Sơn Trà?
Ông Trần Hữu Vỹ: Có một sự trùng hợp ở đây là vào năm 1997, khi Đà Nẵng - Quảng Nam tách tỉnh thì cũng là năm loài chà vá chân xám được tách khỏi loài chà vá chân nâu. Các nhà khoa học công nhận chà vá chân xám là một loài mới thuộc giống Pygathrix (giống này có chà vá chân xám, chà vá chân nâu, chà vá chân đen).
Hiện nay, hoàn cảnh các quần thể của hai loài này tại bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) và xã Tam Mỹ Tây toàn đối lập. Bán đảo Sơn Trà có tổng diện tích đất, rừng vào khoảng 4.439ha là sinh cảnh sống phù hợp cho khoảng 1.300 con chà vá chân nâu. Trong khi khu vực Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây chỉ có khoảng 30ha rừng tự nhiên bị chia cắt sinh cảnh bởi rẫy keo tạo thành 4 hòn núi bị cô lập là nơi sinh sống của 8 gia đình chà vá chân xám với tổng số lượng khoảng 60 con.
Ở khía cạnh khác, khi Quảng Nam đang tìm cách mở rộng sinh cảnh sống cho quần thể chà vá chân xám thì tại Đà Nẵng không gian cho quần thể chà vá chân nâu lại đang có nguy cơ bị thu hẹp. Có thể nhìn thấy áp lực lớn nhất đối với bảo tồn chà vá chân nâu ở Sơn Trà là từ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, còn với loài chà vá chân xám ở Tam Mỹ Tây là cộng đồng người dân vùng đệm.
Cả hai nơi đều có cơ hội rất lớn để bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển tốt quần thể linh trưởng quý hiếm này, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và thậm chí của cả khu vực khi giữ gìn được sự phát triển bền vững của hệ sinh thái tự nhiên và phát triển sinh kế theo định hướng “du lịch sinh thái đúng nghĩa” và các dịch vụ kèm theo định hướng này.