Rất nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã và đang là sứ giả thân thiện kết nối để tạo ra những con đường phát triển bền chắc cho nhiều người dân xứ Quảng...
Phát triển kinh tế địa phương với sự tham gia của người dân dựa trên kinh nghiệm của TP.Minamiboso về Trạm dừng nghỉ đường bộ; Phát triển kinh tế địa phương nhờ đẩy mạnh khâu chế biến, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ với điểm xuất phát là Trạm dừng nghỉ đường bộ; Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch - mở rộng sản xuất rau an toàn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống... Đó là những hợp phần đã triển khai trong suốt hơn 9 năm thực hiện dự án thuộc “Chương trình đối tác phát triển NGO - JICA” tại Quảng Nam.
Là một trong những đối tượng nhận được sự hỗ trợ của dự án, bà Đặng Thị Hương - Tổ trưởng Tổ hợp tác Hương Huệ (xã Bình Trị, Thăng Bình) chia sẻ, từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ, gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức sản xuất sản phẩm bánh tráng, bún, phở khô vào mùa mưa, JICA cùng các tổ chức của địa phương đã hỗ trợ bà kết nối cùng các hộ dân trong vùng thành lập tổ hợp tác và tài trợ xưởng sấy bánh, nâng cao năng suất sản xuất và kinh doanh, mở rộng thị trường, góp phần nâng mức thu nhập của các hộ tham gia. Và đây cũng chính là mục đích mà dự án của JICA hướng đến. Hơn thế nữa, sau quãng thời gian JICA có mặt tại những làng nghề, làng quê xứ Quảng, một vị thế xứng đáng dành cho nghệ nhân, những không gian nghề truyền thống lẫn đường hướng phát triển làng nghề, được nhìn nhận xác đáng.
Với Anna Papoutsakis - cô gái Úc được nhận Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc” và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo” của Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, những câu chuyện với người dân các vùng khó khăn tại Quảng Nam luôn thường hằng trong tâm trí. Để từ đây, những sinh kế mới dành cho người vùng núi xứ Quảng, những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, được quan tâm hơn. Từ nguồn nước, nguồn không khí, phương tiện lao động,... Anna Papuotsakis - một người nước ngoài đã được xem là người bạn thân thiết của Quảng Nam.
Và với những người dân vùng cao, nhắc đến thổ cẩm và du lịch cộng đồng, họ lại nghĩ ngay đến những người trong tổ chức FIDR - Tổ chức Cứu trợ/phát triển quốc tế tại Việt Nam. Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ/phát triển quốc tế tại Việt Nam cho biết, mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) do FIDR hỗ trợ là một điểm sáng về phát triển du lịch miền núi. Điểm này được bình chọn là một trong 3 điểm du lịch dựa vào cộng đồng tiêu biểu ASEAN 2019 - 2021 và có một nghệ nhân Cơ Tu nằm trong danh sách 20 nhân vật câu chuyện du lịch Việt Nam. Bên cạnh phát triển du lịch, hỗ trợ để xây dựng các đặc sản địa phương như thổ cẩm, mật ong... đang được FIDR thực hiện.
Còn rất nhiều tổ chức, cá nhân ngoại quốc khác đang dành sức mình cho sự phát triển bền vững từ cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của người dân xứ Quảng. Đó hẳn là một tín hiệu tích cực từ chính việc trân trọng câu chuyện đối ngoại, ngoại giao, hợp tác...