Những tấm gương nghị lực

GIANG BIÊN 13/05/2020 14:19

Bằng ý chí, nghị lực và cả sự đồng hành của tổ chức hội khuyết tật ở cơ sở, những người khuyết tật tại xã Bình Định Nam (Thăng Bình) vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Ông Trần Lựu có thu nhập ổn định từ nghề sửa xe máy. Ảnh: G.B
Ông Trần Lựu có thu nhập ổn định từ nghề sửa xe máy. Ảnh: G.B

Nằm bên cạnh tuyến đường ĐH, mặc dù không có biển hiệu nhưng tiệm sửa xe của ông Trần Lựu (thôn Châu Xuân, xã Bình Định Nam) lúc nào cũng có khách. Chủ tiệm sửa xe cũng khá đặc biệt, ông Lựu mất 1 chân do giẫm trúng mìn lúc nhỏ. Khiếm khuyết thân thể nên việc học hành của ông dang dở. Lớn lên, ông Lựu lập gia đình như bao người nhưng việc tiếp cận với việc làm lại khó khăn. Ông xuôi ngược nhiều nơi, rồi chọn cho mình công việc sửa xe máy để nuôi sống bản thân và gia đình.

Khi tay nghề đã được nâng cao, ông Lựu mạnh dạn mở tiệm sửa xe tại nhà. Lúc đầu khi chưa có đồ nghề, công việc cũng không mấy thuận lợi. Năm 2019, Hội Người khuyết tật xã Bình Định Nam hỗ trợ bộ đồ nghề sửa xe cho ông trị giá 7 triêụ đồng. Từ đó đến nay, công việc này mang lại thu nhập ổn định cho cả gia đình ông.

“Từ khi được Hội Người khuyết tật xã hỗ trợ bộ đồ nghề sửa xe, công việc thuận tiện hơn. Do vậy dù bất cứ đêm hôm có người hư xe, tôi sẵn sàng sửa để mọi người đi lại” -  ông Lựu nói.

Với một người bình thường khi bước lên những bậc thang cũng đã thấm mệt, vậy mà mỗi ngày 3 lần, chị Nguyễn Thị Đào (một phụ nữ khuyết tật) lại di chuyển lên xuống để lấy hàng bán tạp hóa. Nếu nghe kể về cuộc đời của chị, có lẽ nhiều người rơi nước mắt. Lúc 10 tháng tuổi, chị Đào mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cả 3 chị em phải nương nhờ vào hàng xóm. Cũng lúc này, do không ai chăm sóc nên chị lên cơn sốt và bại liệt nửa cơ thể. May thay, có người hàng xóm tốt bụng đưa chị ra nước ngoài để chữa trị. Nhờ vậy, bây giờ chị Đào có thể di chuyển nhờ 1 chân giả, chân còn lại cũng thường xuyên đau nhói mỗi khi trái gió trở trời.

Năm 2010, chị mạnh dạn vay mượn để mở quầy tạp hóa bán kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng cuộc đời lại không mỉm cười với người phụ nữ khuyết tật này, năm 2017 chị phát hiện mình bị ung thư buồng trứng. Số phận một lần nữa quá nghiệt ngã với chị, nhưng chị không đầu hàng, hằng ngày vẫn bán buôn, vẫn sinh hoạt bình thường.

Cuối năm 2019, chị Đào được Hội Người khuyết tật xã Bình Định Nam hỗ trợ gần 10 triệu đồng để đầu tư mua thêm nhu yếu phẩm phục vụ cho quầy tạp hóa nhỏ của mình. Từ ngày quầy tạp hóa có nhiều mặt hàng, hàng xóm xung quanh, những người qua đường đến mua hàng giúp ngôi nhà của chị ấm áp, vui vẻ hơn.

“Bản thân tôi được một người hàng xóm cưu mang, đưa đi nước ngoài để chữa trị. Tôi may mắn hơn nhiều người, bởi còn có thể đi lại, sinh hoạt. Điều may mắn nhất cuộc đời, đó là bản thân đã sinh ra được cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Điều này làm ấm lòng tôi. Bây giờ mỗi khi trái gió trở trời, cơ thể đau nhức, thế nhưng vì con, vì cuộc sống này, tôi phải gắng để sống ý nghĩa hơn” -  chị Đào cho hay.

Ông Trần Hay - Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Bình Định Nam cho biết, hiện toàn xã có 322 người khuyết tật. Trong đó có 49 người khuyết tật nặng. Thời gian qua, Hội đã đồng hành với hội viên trong việc hỗ trợ tinh thần, vật chất, giúp họ vượt lên nổi đau thể xác để sống tốt hơn.

“Đối với anh Lựu hay chị Đào, chúng tôi gọi đó là những người vượt lên số phận. Chính anh, chị đã vượt lên nghịch cảnh để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn. Đây là những tấm gương để những hội viên người khuyết tật có thể học hỏi, sống hạnh phúc hơn” - ông Trần Hay nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những tấm gương nghị lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO