Những tấm lòng nhân ái

NGUYỄN XUÂN SINH 09/08/2013 08:39

Chứng kiến sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi cho những bệnh nhân tâm thần mãn tính, mới cảm nhận hết tâm huyết và trách nhiệm của họ đối với cộng đồng.

Chăm sóc từng bữa ăn cho bệnh nhân.
Chăm sóc từng bữa ăn cho bệnh nhân.

Có thể nói, những công việc hàng ngày của các y sĩ, y công, hộ lý, cấp dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm)rất vất vả, thậm chí rất nguy hiểm. Bởi hơn 170 bệnh nhân đang tập trung nuôi dưỡng tại đây đều là những người bị bệnh tâm thần nặng, mãn tính, không thể kiểm soát được hành vi của bản thân. Thế nhưng, không quản ngại khó khăn, cán bộ nhân viên tại Trung tâm thay nhau chăm sóc, phục vụ bệnh nhân một cách chu đáo. Họ đút từng muỗng cơm, thìa cháo, tắm giặt, thay quần áo, giũ chiếu, giăng màn cho bệnh nhân ngủ. Chưa kể, mỗi ngày đội ngũ nhân viên phải dọn dẹp, lau chùi thu gom tất cả chất ô uế trong phòng sau một đêm bệnh nhân tự bôi bẩn trên cơ thể mình hay phóng uế bừa bãi. Nhiều lúc, các hộ lý còn phải hứng những cái tát hay bị cắn bất ngờ trong lúc tắm rửa cho bệnh nhân.  

Với những thành tích đạt được, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh… Hơn thế nữa, Trung tâm đã nhận được niềm tin của nhân dân, thân nhân các gia đình có con em đang được nuôi dưỡng tập trung tại đây. Có thể nói, lòng nhân ái chính là nền tảng để tập thể cán bộ, công nhân viên của trung tâm gặt hái được những thành tích xuất sắc trên.

Gắn bó với Trung tâm gần 10 năm nay, chị Hà Thị Ngọc chia sẻ: “Hầu như bệnh nhân ở đây đều bệnh nặng, việc phục vụ họ không hề đơn giản. Nhiều người bệnh hất cả cơm, xông thẳng vào đánh, gọi tên người điều dưỡng ra chửi bới, nhưng công việc đã trở thành “nghiệp” nên không thể bỏ được”. Chị còn đùa thêm, những người chăm sóc bệnh nhân ở đây đều phải “có gan to” mới trụ vững. Hay như chị Lê Thị Ánh, một nhân viên chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm nói: “Những người có cái tâm yêu thương, sự chịu đựng, hy sinh, biết chia sẻ thì mới làm được công việc này”.

Còn nhớ, cách đây 10 năm khi UBND tỉnh công bố quyết định thành lập Trung tâm, lúc đó chỉ mới có một số ít cán bộ và một vài bệnh nhân, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với tấm lòng yêu nghề và sự quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên lúc bấy giờ đã vượt qua nhiều thử thách để hoạt động và ngày càng phát triển. Trong thời gian qua, khu nhà ở của bệnh nhân được mở rộng: 2 khu dành cho nam và 1 khu cho nữ, tuy nhiên số cán bộ nhân viên cũng chỉ có 30 người, nên việc chăm sóc cho bệnh nhân khá vất vả. Hiện, mức thu nhập bình quân tại Trung tâm dao động từ 1,8 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngày làm việc của các nhân viên chăm sóc ở đây bắt đầu từ 6 giờ sáng, hầu như không được nghỉ trưa. Các chế độ dành cho các nhân viên chăm sóc đều rất thấp. Các chị phải chăn nuôi, trồng trọt thêm vừa để cải thiện thức ăn cho bệnh nhân, vừa có thêm thu nhập cho gia đình.

Có thể nói, so với cường độ công việc cũng như những áp lực mà cán bộ công nhân viên Trung tâm phải trải qua, mức thù lao trên còn khá khiêm tốn. Về vấn đề này, ông Ngô Văn - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam chia sẻ: “Đảng và Nhà nước ta cũng đã có văn bản quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực này. Đơn vị cũng đã lập hồ sơ thủ tục đề nghị lên cấp trên trong việc hỗ trợ thêm kinh phí để chi trả cho đội ngũ cán bộ công nhân viên tại Trung tâm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Chế độ, chính sách tuy chưa được đãi ngộ, tương xứng nhưng không phải vì thế mà những người cán bộ, nhân viên nơi đây lơ là, bỏ bê trách nhiệm, ngược lại họ rất cần mẫn, chăm chỉ làm việc với một tinh thần hăng hái vô tư, không so đo tính toán”.

NGUYỄN XUÂN SINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những tấm lòng nhân ái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO