Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng thương bệnh binh nặng và người có công cách mạng tỉnh luôn tận tâm, tận lực chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho người có công cách mạng bằng tất cả tấm lòng, sự tri ân.
Chăm sóc các mẹ bằng tất cả tấm lòng và sự tri ân. Ảnh: Alăng Ngước |
Đến căn phòng điều dưỡng dành cho các mẹ tuổi đã cao nằm một chỗ hay ngồi xe lăn, các mẹ vẫn nở nụ cười thật tươi khi nói về các cô, các chị điều dưỡng, hộ lý tại trung tâm. Năm nay đã 88 tuổi, quê ở xã Duy Tân, Duy Xuyên, mẹ Lê Thị Nam đã gắn bó với trung tâm này hơn 40 năm nay. Năm 1971, trong một lần vận chuyển lương thực phục vụ kháng chiến, mẹ Nam bị địch bắt và tra tấn dã man. Hòa bình lặp lại, mẹ trở về quê hương nhưng 5 người thân trong gia đình đều hy sinh trong một trận càn của địch. Không còn ai nương tựa nên UBND xã Duy Tân lập thủ tục đưa mẹ Nam đến nuôi dưỡng tại trung tâm từ sau giải phóng đến nay. Mẹ Nam cho hay: “Bây giờ mẹ xem đây như ngôi nhà của mình. Ở đây, mẹ cảm thấy khỏe hơn do được ăn uống đầy đủ, có người chăm sóc, phục vụ tận tình, khi đau ốm có thuốc men và được điều trị đúng cách. Và quan trọng hơn, mẹ cảm thấy ấm lòng khi được sống trong tình thương yêu của tập thể cán bộ và nhân viên trung tâm”.
Không chỉ đầy ắp tình người khi đến Trung tâm Nuôi dưỡng điều dưỡng người có công cách mạng tỉnh, mà từ ngôi nhà chung này tình yêu đôi lứa cũng đơm hoa kết trái. Câu chuyện tình yêu giữa anh thương binh Võ Văn Đến và cô điều dưỡng Võ Thị Tín khiến ai từng nghe kể đều xúc động. Cách đây 43 năm, sau một lần bị thương nặng trên nước bạn Campuchia, anh Võ Văn Đến được đưa về trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc. Bằng tấm lòng của người thầy thuốc cộng với cảm phục trước sự hy sinh quên thân mình trong chiến đấu của người lính Cụ Hồ, chị Tín đã tận tình chăm sóc anh như người thân của mình. Dần dần, thương binh Võ Văn Đến đã coi cô điều dưỡng Tín như người bạn tâm giao, là chỗ dựa tinh thần duy nhất. Và họ đã nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới giản dị nhưng đầy ắp tình yêu thương và tiếng cười rộn rã trong ngôi nhà chung, hạnh phúc vỡ òa khi sau 5 năm chị lần lượt sinh con gái đầu lòng và một cháu trai kháu khỉnh, đến nay, 2 cháu đã vào đại học và là niềm tự hào của anh chị mỗi khi nhắc đến.
Ông Tôn Thất Hoàng - Giám đốc trung tâm cho biết: “Hiện nay, trung tâm điều trị, chăm sóc cho 40 thương bệnh binh, người có công cách mạng và hàng năm tổ chức điều trị cho hàng trăm lượt thương binh ổn định sức khỏe, tổ chức điều dưỡng gần 4.500 lượt người có công trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi luôn lấy phương châm coi thương binh, người có công như ông bà, cha mẹ, người thân trong gia đình. Do đó, cán bộ, nhân viên trung tâm luôn gần gũi, tận tụy, chăm sóc tận tình cho đối tượng, xem đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình”.
Với suy nghĩ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, mỗi cán bộ, nhân viên trung tâm vẫn hàng ngày lặng lẽ với những công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng rất đáng trân trọng và đầy ắp tình người.
ANH TRANG