Theo từng con chữ, những tâm sự của học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh đều mong muốn chiến thắng phần “con” trong tâm để được trở về với cuộc sống đời thường.
Những lời văn, câu thơ tuy mộc mạc, xếp không thành vần nhưng đã nói lên sự ân hận, tình cảm mà họ hướng về gia đình. Đó là sự ăn năn, hối hận khi lầm đường lạc lối; đó là phút sa ngã yếu lòng để rơi vào con đường nghiện ngập, là gánh nặng không chỉ của người thân mà cả xã hội. Bởi khi đối diện với mình họ mới thể hiện hết những điều sâu kín. “Cầu cho cha mẹ bình yên, đứa con bất hiếu ngàn lần xin lỗi” là nỗi lòng của Nguyễn Hữu Thông; hay Vũ Anh Quân hứa rằng “Vì gia đình nên tôi sẽ đổi thay”. Hình ảnh người cha, người mẹ được các học viên nhắc đến nhiều nhất, bởi cha mẹ đã hy sinh tất cả với mong muốn con nên người. Trương Phước Tú đã kể lại cho mọi người nghe câu chuyện của đời mình qua lời hứa “Từ bỏ ma túy”: “Tuổi hai mươi tôi bắt đầu nhập cuộc/Tôi hăng say lao vào hố vực/Xuôi cuộc đời quên cả tương lai/Từ đó tôi là quái thai của thời đại…”. Để đến hôm nay, ngồi trong trung tâm để cai nghiện, Tú mới nhận ra đã quá muộn màng, quãng thời gian tuổi hai mươi tràn trề nhựa sống đã bị ma túy lấy đi, chỉ còn lại một thân xác héo gầy đang cố gắng mỗi ngày để có ngày đoàn tụ cùng gia đình.
Sản phẩm báo tường của phân đoàn khu B, nơi các học viên nói lên những tâm sự tự đáy lòng. Ảnh: D.LỆ |
Trong khi đó, Phạm Ngọc Hưng dành trang viết của mình cho những cán bộ của trung tâm, mà Hưng gọi là những người thầy đã mang lại cho Hưng hơi thở mới của cuộc sống lương thiện. Hưng thú nhận rằng: “Sự vấp ngã lớn nhất trong cuộc đời của tôi là thử sử dụng và nghiện ma túy. Chính nó đã lấy đi của tôi hầu như mọi thứ, từ tình cảm vợ chồng, gia đình, tiền bạc, lòng tự trọng và lòng tin của mọi người”. Hưng xem việc được đưa đến trung tâm để cai nghiện là may mắn lớn nhất, dù lúc đầu Hưng cố chống cự, muốn thoát ra thế giới bên ngoài với khói trắng mờ ảo, làm điên đảo bao cuộc đời. Nhưng sự quan tâm, kiên trì, nghiêm khắc của những người trực tiếp giúp Hưng cai nghiện đã cho Hưng cái nhìn khác. Sau thời gian nỗ lực cai nghiện, Hưng dần trở lại là con người bình thường, hiểu được giá trị của cuộc sống. Bởi vậy, Hưng xem những người thầy tại trung tâm không khác người cha của mình, đã rèn luyện để Hưng có thể bước đi những bước tự tin hơn khi trở lại cuộc đời.
Đại diện cho phân đoàn khu C, Nguyễn Văn Tú giúp các học viên thuyết trình về công trình báo tường của phân đoàn. “Thường chúng tôi không dám nói lên tâm sự của mình, sợ mọi người cười chê, nên cứ lầm lì, hoặc có thể đùa với nhau chút thôi. Vì vậy, đây là dịp để chúng tôi có thể tâm sự, sẻ chia và tìm thấy sự đồng cảm để nỗ lực vươn lên, trở về với tính thiện. Chúng tôi cần sự quan tâm của mọi người để có cơ hội hoàn lương, tránh xa được ma túy”. Còn Võ Văn Hạnh, người đã góp công cho phân đoàn khu B những nét vẽ vô cùng ấn tượng trên sản phẩm báo tường có tựa “Thung lũng hồi sinh”. Khi nhắc về quãng thời gian ở quá khứ, Hạnh ngậm ngùi: “Ba mẹ cho tôi tất cả, cho em đi học đến năm cuối ngành kiến trúc Đại học Duy Tân rồi. Nhưng tôi đã không trân trọng cuộc sống đó. Tôi chơi cờ bạc, cá độ bóng đá, tiền học ba mẹ cho cũng nướng hết vào đó, khi thua quá thì chán nản, bị rủ rê nên sa chân vào ma túy. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng mình đã sai. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều để quay về với cuộc sống, về với gia đình có cha mẹ già đang ngóng trông”.
LÊ DIỄM