Những thanh âm của Nguyễn Nhã Tiên

NGUYỄN MINH HÙNG 10/07/2022 08:36

Từ sau tập thơ Khúc hồi âm của lá (NXB Hội Nhà văn, 2003), đến gần hai mươi năm sau, Nguyễn Nhã Tiên mới in tập thơ tiếp theo, gồm 70 bài, nhan đề “Những thanh âm bên bờ sông lấp” (NXB Hội Nhà văn, 2022). Hai mươi năm không hẳn là trễ tràng, để viết tiếp dang dở của khúc hồi âm năm cũ.

Tác giả Nguyễn Nhã Tiên ký tặng sách.
Tác giả Nguyễn Nhã Tiên ký tặng sách.

Viết về đề tài nào, căn nguyên gì thì thơ Nguyễn Nhã Tiên cũng vọng lên tiếng gọi xưa xa mơ hồ của đất đai quê xứ. Lục bát chiếm tỷ lệ ít trong tập thơ này nhưng chắt lọc và biểu lộ rõ điều đó: “Nỗi khuya khoắt chạm vào tôi/ từng thanh âm vẳng tiếng người ngày xưa/ rưng rưng vọng thức đàn khua/ âm vang gọi lũ lượt mùa về đây (Thời xưa gió thổi về).

Ông lắng nghe và nhận diện, đối thoại và phản tỉnh: Nước giếng đêm đêm gánh về là chuyện chơi, trăng khuya gánh về là chuyện thật/ hạnh phúc khổ đau nước mắt hai hàng (…) phía ánh lửa chiều hôm mơ hồ nhưng rất thực/ may còn chút tàn tro nhận mặt nỗi buồn (Phía mơ hồ)…

Như bao thi sĩ khác, thân phận con người và tình yêu luôn là sự tra vấn thường trực, đôi lúc Nguyễn Nhã Tiên muốn thoát ra mà không tránh khỏi. Đột phá trong lối viết của ông ở tập thơ này không ở sự trực diện, riết róng, đột biến; mà vẫn một Nguyễn Nhã Tiên điềm đạm, có lúc bóng bẩy, luôn chú ý nhạc tính và khả năng cấu trúc hình ảnh từ thiên nhiên để đối sánh, ẩn dụ bất ngờ.

Khó nói những câu thơ này đạt đến mức độ nào nhưng nó làm tôi bâng khuâng: “Không nên nổi đường dài giờ trú ngụ sân ga/ nương náu chia xa, ăn nhờ tiễn biệt/ tàu đến tàu đi dốc vào tôi kỉ vật/ mỗi tro than tôi tạc một hình hài” (Tiếng khuya). Hay ở “Khúc ca người dở hơi”, chữ nào cũng quen, cũng dùng nhiều, cũng từ thi liệu cũ nhưng độ khốc liệt trong ý tưởng thì rất lạ: “Tôi liều lĩnh trèo lên cây cau cao vời vợi/ hái buồng dầy rồi thả xuống chết yêu đương”.

Trong vẻ hiền hòa, điềm nhiên, không có ý thức thay đổi hình thức câu thơ vốn định hình từ ngày trai trẻ, Nguyễn Nhã Tiên vẫn tiếp tục cuộc trao đổi hai chiều từ phía “hồi âm” với thi ảnh độc đáo: “Dường như có tiếng tóc chuyển mùa từ biệt thời xanh/ không gióng nổi một âm thanh sao vô vàn lay động” (Chuyển mùa) hay “con đường mòn không thể mòn hơn nữa/ chân trời cũ càng xa xăm ánh lửa/ ai thả khói lên trời di chúc một tình yêu” (Bạn cũ).

Hồi âm, thanh âm sẽ dẫn đến diệu âm. Trong đời thực, tác giả thường đi về ngưỡng thiền môn. Và những bữa đi - về ấy, lời thơ líu ríu theo sau thật tự nhiên: “Nhặt của gió chút trưa trong vườn vắng/ tiếng nghìn thu hun hút phía đồi xanh/ nắng xuyên cành long lanh ngàn con mắt/ chầm chậm bàn chân/ êm ái bước thiền hành" (Trưa trong vườn chùa Thiền Tôn ở Huế); “Nhủ lòng thôi giũ sạch/ nhẹ không từng bước chân/ thiền trà, cao cho lắm/ thực ra cũng mùi trần” (Thiền trà)…

Trong suy nghĩ của tôi, hình như Nguyễn Nhã Tiên là kẻ làm thơ lãng du và đều đặn, biết kiếm tìm và không câu nệ vào mấy hình thức. Trong bài Nhớ Pleiku, Nguyễn Nhã Tiên nhắc khẽ: “Thời em sống thơ đầy trên lá cỏ”. Mặc cho thơ phơi đầy lá cỏ, hoặc là “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” (Tản Đà) thì thơ ông vẫn có bạn đọc miễn là ông giữ được những thanh âm hồn nhiên và trong trẻo nhất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những thanh âm của Nguyễn Nhã Tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO