“Những thành phố vô hình”, hay dự báo của nhà văn Italo Calvino

HUỲNH THU HẬU 27/04/2020 10:31

(QNO) - Giữa những ngày nhân loại trải qua nỗi sợ hãi và mất mát vì dịch viêm phổi Vũ Hán, nhiều thành phố của Trung Quốc, Ý, Mỹ, Pháp... trở nên đau thương, tôi lại tìm đọc tiểu thuyết “Những thành phố vô hình” của nhà văn Italo Calvino (người Ý).

Tiểu thuyết ra đời năm 1972, dựa trên cảm hứng từ chuyến hành trình sang phương Đông đến Trung Quốc của thương gia Marco Polo vào thế kỷ XIII, tác giả đã kiến tạo tiểu thuyết với rất nhiều sự cách tân, đổi mới. Tác phẩm cho chúng ta nhiều cách đọc khác nhau.

Hơn 50 thành phố mà Marco Polo đã đi qua hoặc đã mơ thấy, tưởng tượng thật sự như một mê cung, mê lộ. Với những tên gọi như thành phố ký ức, thành phố dục vọng, thành phố và ký hiệu, thành phố và kẻ đã khuất, thành phố mỏng, thành phố và bầu trời, thành phố và cái tên... tiểu thuyết đã ám ảnh chúng ta. Tôi cảm thấy hấp dẫn khi lạc vào mê cung của những thành phố trong cái nhìn sáng tạo và độc đáo của Italo Calvino.

Tác phẩm xoay xung quanh những cuộc đối thoại giữa hai nhân vật chính là Hốt Tất Liệt và Marco Polo về các thành phố. Qua đó, nhiều diễn ngôn được mở ra. Diễn ngôn về quyền lực và tham vọng thống trị thế giới của Đại Hãn. Hốt Tất Liệt luôn tự hào về vị thế trung tâm của mình, niềm kiêu hãnh của kẻ đi xâm lược và đã mở rộng được lãnh thổ của mình: “Đại Hãn sở hữu tập bản đồ thu thập địa hình của tất cả các thành phố thuộc đế chế của mình và các vương quốc lân cận”. Những câu văn này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm với mức độ dày đặc. Có lúc được mở rộng ra: “Đại Hán sở hữu tập bản đồ của các châu lục, từ lục địa này sang lục địa kia, biên cương của các vương quốc xa xôi nhất”. Nhà văn đã phơi bày mặt xấu của Trung Quốc đó chính là tham vọng bá chủ thiên hạ. Không lúc nào các hoàng đế và lãnh đạo Trung Hoa quên mưu đồ thôn tính các nước.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn có diễn ngôn về dự cảm suy tàn của đế chế Đại Hãn trên đỉnh cao quyền lực: “Đó là khoảnh khắc vô vọng khi ta phát hiện ra rằng cái đế chế mà dường như đối với chúng ta là tổng hòa của mọi điều kỳ diệu này chỉ là một đống hoang tàn đổ nát vô hình, vô tận”. Đây chính là dự cảm tài năng của nhà văn Ý về sự sụp đổ của Trung Hoa. Đến cuối tác phẩm, một lần nữa diễn ngôn về sự suy tàn của đế chế Trung Hoa được minh định khi Hốt Tất Liệt nói: “Vô tích sự, vô tích sự, nếu nơi cập bến cuối cùng chỉ có thể là thành phố địa ngục”.

Những thành phố hiện đại, những siêu đô thị của Trung Hoa sau quá trình phát triển đã phải đối mặt với các vấn đề sự hủy hoại và tàn phá môi trường tự nhiên, thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng với hình tượng thành phố của những đàn chuột. Tất nhiên cùng với sự ô nhiễm đó chính là dịch bệnh và tai họa kéo đến hủy diệt con người. Con người đã quá tham lam, ngạo mạn với vô vàn những dục vọng đã biến không gian sinh tồn của mình thành thù địch với  họ.

Từ tác phẩm, phóng chiếu ra thực tại, thành phố Vũ Hán của Trung Hoa đã trở thành địa ngục trong hiện thực khi dịch viêm phổi bùng phát tại nơi đây. Thành phố chết chóc với những thi thể khắp nơi cùng tiếng quạ kêu, tiếng người gào khóc.

Có thể nói, bằng chính tài năng của mình, nhà văn Ý đã dự cảm về sự suy tàn của Trung Hoa cách đây gần 50 năm. “Những thành phố vô hình” trở thành biểu tượng gợi lên nhiều suy ngẫm về lịch sử, ký ức, sự giao lưu của con người, về dục vọng, sự trả giá của khao khát quyền lực thống trị.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Những thành phố vô hình”, hay dự báo của nhà văn Italo Calvino
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO