Phim tài liệu là thể loại luôn được lãnh đạo Đài phát thanh - truyền hình Quảng Nam (QRT) đặc biệt quan tâm. Cùng với việc cử người đi đào tạo chính quy tại các trường điện ảnh, hình thành các nhóm làm phim, đài còn đầu tư kinh phí, vì thế, năng lực làm phim tài liệu của đài ngày càng được nâng lên.
Lãnh đạo QRT họp báo giới thiệu dự án phim Mẹ Thu Bồn.Ảnh: H.VŨ |
Ngay ngày đầu thành lập, QRT đã hình thành tổ làm phim, đây là bước khởi đầu để phát triển đội ngũ làm phim tài liệu (PTL). Chuyên mục “Đất và người xứ Quảng” qua gần 10 năm hoạt động, đã sản xuất hơn 80 PTL, phản ánh bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất Quảng Nam, các danh nhân văn hóa xứ Quảng. Ngoài ra QRT còn phối hợp với VTV4 và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thực hiện xê ri phim về vẻ đẹp thiên nhiên, các giá trị văn hóa, tiềm năng vùng đất Núi Thành, phát sóng ra nước ngoài để quảng bá và thu hút đầu tư.
Đặc biệt năm 2011, QRT đã khởi động dự án PTL Mẹ Thu Bồn với sự tài trợ của một số doanh nghiệp lớn như Ô tô Trường Hải, Công ty Cao su Quảng Nam. Cho đến nay dự án đã sản xuất được 26 tập phim, lấy cảm hứng từ vai trò của dòng sông Mẹ Thu Bồn với sự hình thành, phát triển của vùng đất Quảng Nam. Phim được triển khai trên một địa bàn rộng từ các huyện miền núi đến trung du, đồng bằng ven biển; đề cập lịch sử, văn hóa xứ Quảng từ thời tiền sử, Sa Huỳnh, Champa và bước chân Nam tiến của cư dân Đại Việt. Phim chú trọng những giai đoạn, những sự kiện lịch sử quan trọng của xứ Quảng như Quảng Nam trên hành trình mở cõi, các phong trào Nghĩa hội, Duy tân, Phong trào kháng thuế 1908; các danh nhân như Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Đình Thám; truyền thống yêu nước, hiếu học...
Các tập phim đã khái quát được cốt cách của con người xứ Quảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến bản lĩnh, đóng góp của người Quảng Nam trong những giai đoạn có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Phim có sự tham gia của các nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi trong cả nước như Dương Trung Quốc, Chương Thâu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình An, Hồ Duy Lệ, Ngô Văn Minh... nên đảm bảo tính khoa học và tính thuyết phục cao. Các nhà khoa học cũng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đối với việc xây dựng các tác phẩm điện ảnh này. Tại Liên hoan PTL và phóng sự chuyên đề lần thứ 3 do Bộ Thông tin - truyền thông tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 5 vừa rồi, PTL “Phong trào Duy tân và bộ ba xứ Quảng” đã giành Giải Vàng duy nhất trong số 58 tác phẩm tham gia.
Việc triển khai Chỉ thị 54/CT-TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về sưu tầm tư liệu và viết về đề tài chiến tranh cách mạng cũng đã tạo điều kiện cho QRT trong lĩnh vực PTL. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với QRT và VTV Đà Nẵng sản xuất được 5 bộ PTL: Chiến thắng Núi Thành, Chiến thắng Khâm Đức, Chiến thắng Cấm Dơi, Trở lại căn cứ Khu ủy 5, Vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà. Thành ủy Hội An cũng đầu tư thực hiện bộ PTL “Hội An - vùng đất anh hùng” gồm 3 tập. Trong seri phim này, nhờ nguồn ngân sách được đầu tư khá lớn, các nhóm làm phim có điều kiện đi nhiều nơi, kể cả ra Hà Nội để gặp gỡ nhân chứng, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, tổ chức hiện trường hoành tráng, sử dụng kỹ thuật đồ họa... do vậy đã xây dựng được các sản phẩm đạt chất lượng tốt. Việc triển khai kịp thời các tập phim rất có ý nghĩa vì nó giúp tái hiện các sự kiện lịch sử của chiến tranh cách mạng trước khi nhiều nhân chứng quan trọng sẽ vĩnh viễn ra đi. Mặt khác đây là những tài liệu lưu trữ quý giá, đồng thời có tác động tốt trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Ngoài ra, QRT còn phối hợp với Sở VH-TT&DL thực hiện các PTL Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, Tổng quan văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc Cơ Tu, Phong tục tập quán và lễ hội ở Quảng Nam, Âm nhạc dân tộc Co, Âm nhạc dân tộc Ca Dong, Lễ hội dinh Bà Chiêm Sơn, Làng mộc Văn Hà... Với các bộ PTL này, những giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Nam, của đồng bào các dân tộc thiểu số như Co, Ca Dong, Cơ Tu đã được bảo tồn bằng hình thức băng đĩa tại kho lưu trữ quốc gia. Thực tế cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi phương thức sống, nhất là ở vùng miền núi đã làm cho nhiều truyền thống văn hóa quý giá bị biến đổi, mai một vĩnh viễn. Trong bối cảnh như vậy, các phim lưu trữ theo chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn. Đây là những tài liệu xác thực, sinh động cho thế hệ nghiên cứu mai sau, đồng thời cũng là cơ sở khoa học để tái hiện các giá trị văn hóa ấy, khi cần. Hiện nay, QRT đã xây dựng thư viện điện tử để lưu trữ các phóng sự, PTL có giá trị. Hệ thống này rất tiện ích trong việc chia sẻ tư liệu và có phương án dự phòng để bảo vệ an toàn dữ liệu lưu trữ.
PTL có biên độ phản ánh rộng, từ các vấn đề lịch sử, văn hóa, khoa học công nghệ cho đến những câu chuyện về thân phận con người. Trên thực tế nhiều PTL đã trở thành di sản văn hóa quốc gia. Thời gian qua, mảng PTL của QRT đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng của xứ Quảng đồng thời lưu trữ nguồn tư liệu có giá trị lâu dài.
HOÀNG VŨ