Bệnh nhân của họ là các bị can, phạm nhân - những người đã vi phạm pháp luật, vì thế các y, bác sĩ công tác ở Trại tạm giam Công an tỉnh là những thầy thuốc mang hai màu áo: blouse trắng và sắc phục ngành. Công việc của họ là vừa khám chữa bệnh, vừa cảm hóa những người lạc lối…
Thầy thuốc hai màu áo
Là một trong những cán bộ công tác lâu năm nhất ở Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh, Đại úy - bác sĩ Nguyễn Văn Thành kể nhiều kỷ niệm gắn với công việc thầm lặng của anh và đồng đội. Bệnh nhân H.V.V. (TP.Đà Nẵng) vào trại vì tội trộm cắp tài sản. Với bệnh suy thận mãn tính, trong suốt thời gian ở trại, V. liên tục kêu cứu và yêu cầu được chuyển đến bệnh viện tỉnh. Mặc dù nhiều lúc biết V. “làm mình làm mẩy” kêu la nhưng với trách nhiệm của người thầy thuốc, lần nào các y, bác sĩ cũng đến thăm khám, bất kể đêm khuya hay lúc trời mưa gió. Ngày lễ tết, bác sĩ vẫn không được nghỉ. Như những ngày xuân Bính Thân vừa qua, bác sĩ Thành phải túc trực thông tiểu cho V. mỗi ngày 3 - 4 lần. Nhờ sự nhiệt thành của đội ngũ y, bác sĩ, những năm qua, hàng chục can, phạm nhân được điều trị kịp thời.
Bác sĩ - cán bộ công an chăm sóc sức khỏe phạm nhân trong trại giam. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Từ ngày đầu nhập trại, phạm nhân X.V.H. (Thăng Bình) đã biểu hiện tâm lý không ổn định do bị ám ảnh bởi hành vi sát hại vợ mình. Sau khi tòa tuyên án tử hình, tinh thần H. càng diễn biến xấu. Vốn có bệnh cao huyết áp và viêm giác mạc, H. thường xuyên than thở rằng mình đau chỗ này, nhức chỗ nọ và lúc nào cũng muốn y, bác sĩ đến thăm khám để có cơ hội chuyện trò. Hiểu được tâm lý đó, các y, bác sĩ đã gần gũi, động viên, giúp H. có thêm nghị lực vượt qua mặc cảm và bệnh tật để sống tốt hơn trong quãng thời gian còn lại.
Không chỉ thực hiện trách nhiệm của một người thầy thuốc, các y, bác sĩ Trại tạm giam còn thực hiện tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ công an trong việc tuyên truyền, vận động phạm nhân phối hợp tốt với cơ quan điều tra và cải tạo tốt để hướng thiện. Bị can H.V.D. (huyện Quế Sơn) bị cơ quan điều tra khởi tố về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Những ngày đầu mới vào trại, D. một mực không chịu hợp tác khi điều tra viên lấy lời khai. Biết được việc này, khi thăm khám, điều trị bệnh cao huyết áp cho D., các y, bác sĩ đã chia sẻ, tuyên truyền, giải thích để D. nhận thức được điều hay lẽ phải. Được các y, bác sĩ cảm hóa, sau đó bị can D. đã khai báo thành khẩn hành vi phạm pháp của mình.
Tình người và trách nhiệm
Là đối tượng buôn bán ma túy “có thâm niên trong nghề”, lại mắc bệnh HIV, V.T.N. (Hà Nội) thường xuyên kêu cứu, đặt ra nhiều yêu cầu không hợp lý về chế độ ăn uống cũng như chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trước hoàn cảnh N. không có người thân thăm hỏi, các y, bác sĩ luôn ân cần động viên, chia sẻ để cảm hóa bệnh nhân này. Biết N. thích ăn rau, những ngày tết, cán bộ hái thêm rau sạch được trồng trong trại để tăng thêm khẩu phần cho nữ phạm nhân này. Một chuyện đã rất lâu nhưng là kỷ niệm không thể nào quên của tất cả cán bộ Trại tạm giam và phạm nhân tên Nga. Nga bị khởi tố về tội buôn bán ma túy và đã sinh con trong thời gian ở trại. Vậy là, ngoài công việc chăm sóc sức khỏe cho Nga, các y, bác sĩ còn làm thêm công việc “vú nuôi” cho con của phạm nhân này. Khi nhận khẩu phần ăn có bát canh móng heo nấu với đu đủ xanh, nữ phạm nhân đã bật khóc. Phạm nhân L.N.S. (huyện Quế Sơn) chia sẻ: “Bệnh xá của trại không chỉ là nơi khám chữa bệnh mà còn là nơi để chúng tôi chia sẻ những câu chuyện, những nỗi buồn với các y, bác sĩ công an. Chúng tôi cảm nhận được ở đây, không có kẻ buôn ma túy, giết người... mà chỉ có bệnh nhân và bác sĩ”. Đúng vậy, nơi đó chỉ có những câu chuyện về đạo đức, sức khỏe nên luôn tràn ngập tình người.
Hiện tại, Bệnh xá Trại tạm giam chỉ vỏn vẹn có 8 y, bác sĩ. Biên chế ít, khối lượng công việc nhiều và môi trường công tác có nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng những người thầy thuốc mặc sắc phục công an vẫn miệt mài ngày đêm chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho các bị can, phạm nhân. Ngoài ra, các y, bác sĩ còn kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác như chăm lo việc ăn uống, phục vụ bán hàng hóa cho bị can, phạm nhân. Vất vả là vậy, song những thầy thuốc công an nhân dân luôn tự động viên nhau phải cố gắng nhiều hơn để trở thành chỗ dựa về tinh thần cho bệnh nhân của mình. Thượng tá Nguyễn Thành Nhân - Giám thị Trại tạm giam chia sẻ: “Công tác y tế trong Trại tạm giam không giống như môi trường bên ngoài. Ở đây, người thầy thuốc vừa làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho bị can, phạm nhân; vừa làm cả công tác cảm hóa cho các bệnh nhân này”. Công việc của họ đã tô thắm hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giúp những người lầm lỡ quay về nẻo thiện.
P.NAM - C.NỮ