Với phương châm “Y đức trong sáng, y thuật chuyên sâu, vì sức khỏe nhân dân”, Hội Đông y Quảng Nam đang khẳng định vai trò của mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Mở rộng mạng lưới thầy thuốc
Theo thống kê chưa đầy đủ, những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã thực hiện khám bệnh cho 8,3 triệu lượt người; điều trị theo các phương pháp y học cổ truyền cho 6,1 triệu lượt người (trong đó có điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc: châm cứu, xoa bóp, vật lý trị liệu, day bấm huyệt...).
Tổng số thang thuốc đã bốc bán hơn 7,3 triệu thang; tổng số thuốc hoàn đã sản xuất phục vụ 9.320kg; tổng số cao lỏng và thuốc nước 12.200 lít.
Trong đó, hội đã phục vụ cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện và chính sách xã hội cho hơn 35 nghìn lượt người với các loại hình khám bệnh, bốc tặng thuốc y học cổ truyền và thực hiện các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.
Từ lâu đời, y học cổ truyền đã được thực hành sâu rộng trong đời sống, kể cả khi tây y phổ biến. Và những lương y, những thầy thuốc dân gian đóng vai trò đáng kể trong chữa bệnh, cứu người, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh nói, mốc thời gian tái lập tỉnh (năm 1997) cũng là lúc Hội Đông y Quảng Nam ra đời. Từ đó đến nay, mạng lưới thầy thuốc đông y tại các địa phương liên tục phát triển.
Vai trò của đông y trong công tác khám chữa bệnh từng bước khẳng định khi Hội Đông y tỉnh có thêm những chi hội trực thuộc tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập.
Hiện tổ chức hội được thành lập ở 4 cấp, trong đó riêng ở Hội Đông y tỉnh có đến 121 chi hội cơ sở và 4 chi hội trực thuộc tại các cơ sở y học cổ truyền tuyến tỉnh với tổng số hội viên là 647 người, bao gồm cả lương y và cán bộ y tế tham gia.
Chính mạng lưới thầy thuốc ở khắp nơi đã giúp giảm tải phần nào áp lực điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên với câu chuyện kết hợp giữa đông – tây y. Lương y Võ Ngọc Minh (Hội Đông y huyện Nông Sơn) cho biết, với điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn nhưng hội đã tập hợp, đoàn kết những người hành nghề đông y, đông dược trong huyện, tự nguyện đem hết khả năng, kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Các thầy thuốc ngày càng tạo được lòng tin với người bệnh vì chất lượng chẩn trị bằng các phương pháp y học cổ truyền ngày càng được nâng lên. Hoạt động kết hợp đông tây y được chú ý, nhất là việc sử dụng kết quả cận lâm sàng của y học hiện đại vào chẩn trị như sử dụng đèn hồng ngoại, điện châm, thủy châm, cấy chỉ, phối hợp phương pháp y học cổ truyền trong chữa bệnh..., dẫn đến hiệu quả điều trị ngày càng cao” - lương y Võ Ngọc Minh nói.
Việc ứng dụng các kết quả cận lâm sàng của y học hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị của đông y được đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật trong nhiều năm qua của Hội Đông y tỉnh. Chính những “chứng cứ” từ kỹ thuật của y học hiện đại góp phần giúp y học cổ truyền tìm đến nguồn cơn của cơn đau mỗi người, tìm cách xoa dịu rồi triệt tiêu nó như triệt tiêu căn bệnh, và tiệm cận với ý niệm chữa trị từ gốc.
Phát triển dược liệu của địa phương
Ưu thế về địa lý và tự nhiên của nước ta đã sản sinh ra nhiều loại cây dược liệu quý hiếm cũng như sự đa dạng của các loài thảo mộc ở khắp mọi nơi, các thầy thuốc đã kịp vận động người dân bảo tồn, phát triển cây con làm thuốc tại chỗ. Hội Đông y tỉnh đã có đề án phát triển các loại cây thuốc nam, sử dụng thuốc tại chỗ và thuốc thay thế trên toàn tỉnh thông qua các chi hội ở địa phương.
“Việc này đem lại lợi ích không chỉ cho người bệnh mà cả cho thầy thuốc. Hơn thế, nó mở ra một cách tiếp cận mới về nuôi trồng, thu hái, buôn bán dược liệu... Nhờ thế, chúng ta luôn chủ động nguồn hậu cần về thuốc y học cổ truyền có chất lượng mà giá thành lại thấp” - ông Sỹ nói.
Các chi hội của Hội Đông y tỉnh đã tích cực phát động trồng những vườn cây thuốc nam tại địa phương. Tại các huyện Nông Sơn, Hiệp Đức, Nam Giang, Thăng Bình, Phú Ninh..., đã tiến hành trồng rất nhiều loại cây dược liệu để làm nguồn thuốc phục vụ cho chữa bệnh.
Lương y Võ Ngọc Minh nói, nhằm khắc phục tình trạng sử dụng thuốc ngoại nhập có xu hướng chất lượng giảm, Hội Đông y huyện Nông Sơn khuyến khích, hướng dẫn cho người dân trồng và sử dụng thuốc nam theo quan điểm “Nam dược trị Nam nhân”. Địa phương này cũng đang thực hiện đề án “Thuốc tại chỗ” và “Thuốc thay thế” theo yêu cầu từ Hội Đông y tỉnh.
“Hàng năm người dân và lực lượng thầy thuốc, lương dược, các hội viên đã lên rừng khai thác thuốc nam như sa nhân, cây sâm cau, củ gun, cà gai leo, mật nhân, hà thủ ô... đem về cung cấp trong và ngoài tỉnh, giúp người dân cải thiện kinh tế. Các hội viên đã cung ứng thuốc hoàn, thuốc cao, thuốc nước nấu từ thảo dược phục vụ công tác chẩn trị bệnh” - lương y Võ Ngọc Minh nói.
Xu hương quay về chữa trị bằng thảo dược và y học cổ truyền đang quay trở lại. Chính vì vậy, ông Nguyễn Tiến Sỹ nói, thời gian tới, Hội Đông y tỉnh tiếp tục phát huy phương châm “Mạnh về tổ chức, trong sáng về y đức, chuyên sâu về y thuật, vì sức khỏe nhân dân”, đẩy mạnh phát triển nền đông y trên nền tảng phát triển của Hội Đông y tỉnh và ngược lại.