"Nhưng thôi... tiếc mà chi"

PHÙNG TẤN ĐÔNG 05/08/2017 07:12

LTS: Quảng Nam Cuối tuần ra ngày 29&30.7.2017, trong chuyên đề “Lưu giữ di sản đô thị” có bài “Đánh mất ký ức”, phản ánh các ý kiến chung quanh chủ trương di dời ngôi trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) có 60 năm lịch sử. Tòa soạn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc bài viết về vấn đề này.

Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu Điện Bàn sắp giải tỏa. Ảnh: Facebook THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn - Quảng Nam)
Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu Điện Bàn sắp giải tỏa. Ảnh: Facebook THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn - Quảng Nam)

Mấy ngày nay anh em cựu giáo viên, học sinh trường trung học Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn xôn xao bàn tán về thông tin trường cũ sắp bị giải tỏa để chuyển về nơi mới. Thế thì mừng chứ sao lại lăn tăn suy nghĩ, lại “bâng khuâng như việc hẹn chưa làm”? Ừ thì việc chuyển đổi là cố nhiên bởi ngôi trường cũng phải thuận theo đà phát triển của một đô thị mới trong tầm nhìn hướng đến tương lai. Nhưng vấn đề ở đây là ngôi trường đã sắp tròn 60 năm hình thành và phát triển (1958-2018), có bề dày lịch sử đáng kể. Người viết bài này vốn không phải học sinh cũ của trường nhưng có “viết góp” về những vui buồn phố thị kiểu “ôn cố nhi tri tân” (xem cũ để mà biết mới) trên Quảng Nam Cuối tuần, nên nhận khá nhiều chia sẻ của bạn đọc quan tâm đến sự việc, vì vậy người viết xin có đôi lời bàn góp “thiên hạ sự” dẫu chưa chắt vớt vát được chi trong tình thế nan giải hay “bất khả” vì là sự đã rồi…

Khi được nghe những người quản lý đô thị mới trưng cơn cớ rằng ngôi trường chưa phải là di tích xếp hạng thì người nghe quá chạnh lòng. Trước hết  việc làm hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa là việc của ngành văn hóa và của nhà nước (địa phương hay trung ương), như việc hiện nay thị xã có 5 di tích cấp quốc gia và hơn 40 di tích cấp tỉnh. Mọi di tích có giá trị văn hóa hay lịch sử theo thời gian đều có khả năng được công nhận là di tích. Một ngôi trường có 60 năm lịch sử, có nhiều thế hệ thầy và trò - (người viết kể “nóng”, không thể đầy đủ  - xin lượng thứ) là những nhà khoa học có tiếng như anh em Trần Văn Thọ, Trần Văn Nam…; những văn nghệ sĩ: Lê Trọng Nguyễn, Từ Huy (nhạc), Hoàng Lộc, Cung Tích Biền… (văn); nhiều nhà giáo được đồng nghiệp quý trọng, học trò kính mến như Đỗ Toàn, Phan Duy Nhân, Ngô Sửu, Võ Đông Sanh, Đoàn Thị Nhỏ… thì hẳn nhiên đã có thể xếp vào hàng di tích ở một địa phương từng nổi tiếng là “đất học”, là “lỵ sở” của Dinh Quảng Nam vào thế kỷ 17, là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam vào thế kỷ 19 và là quê hương của những nhà yêu nước, cách mạng nổi tiếng của đất Quảng kiên cường. Nếu không có binh lửa, thời gian và cả sự thiếu sót của con người thì đất văn vật Điện Bàn đâu chỉ có chừng ấy di tích được xếp hạng. Việc “xóa sổ” một di tích văn hóa - lịch sử như ngôi trường 60 năm tuổi, dẫu giữ lại một “phòng truyền thống” cùng pho tượng danh nhân Nguyễn Duy Hiệu (do thầy Đỗ Toàn (đã mất) tạc) và lập bia di tích để thầy trò cũ “hành hương” về nguồn cội trường xưa, nghe sao mà thảm đạm cho cái giá của sự phát triển! Lại thêm một ký ức kiến trúc cũng là ký ức đô thị sắp mất, khiến ai nấy khe khẽ ngậm ngùi như lời van vỉ của nàng Kiều trong cuộc đoàn viên: “Chữ trinh còn một chút này/ chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!” (Kiều).

Nghe đâu vì nhiều lý do nữa như là cơ sở vật chất nhà trường hiện tại quá thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học, thứ đến là vị trí hiện tại có nguy cơ biến thành “điểm đen” tai nạn giao thông. Thử đi xa thêm mươi cây số về phía biển - trường THPT Trần Quý Cáp (Hội An), diện mạo bên trong đã thay đổi hoàn toàn vì sự phát triển nhưng cổng trường, khuôn viên trường, tượng đài danh nhân vẫn “bền vững” - một kiểu “phát triển bền vững”, chứ có sao đâu? Từng có câu hỏi tại sao không mở rộng trường Nguyễn Duy Hiệu theo chiều cao hay rộng. Về giao thông thì sau khi có đường tránh và quy định giờ giấc cho ô tô chạy vào nội thị, thì vị trí của ngôi trường không còn nằm trên quốc lộ 1 mà nằm trên đường tỉnh ĐT 608 (như địa chỉ ghi trên trang web của trường). Vậy lý do “giao thông” nghe chừng không “lọt”. Cuối cùng, sau khi hỏi cho thấu lẽ - vì đúng ra nên có một cuộc trưng bày diện mạo của công trình thay thế cho “di tích cũ” và lấy ý kiến người dân (trong đó có phụ huynh, thầy và trò nhiều thế hệ) - thì mới biết trên đất cũ người ta dự tính làm công viên, một không gian công cộng của đô thị tương lai. Một vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị hơi “lạ” vì rất ít nơi nào, những nhà quản lý đô thị lại “hy sinh” một di tích văn hóa - giáo dục cho không gian dành cho việc nghỉ ngơi, thư giãn. Xin thưa lại rằng “có” nhưng rất “ít”. Có bạn học sinh cũ nói “tưng tửng” rằng, đợi khi mô có công viên mới sẽ lập tour du lịch “về nguồn” kết hợp với vui chơi, thư giãn…

Nghe đâu trên đã “quyết” rồi. Thế thời thời phải thế. Bạn của tôi ơi, chúng mình cứ hình dung một mai bọn mình ngồi trên ghế đá của công viên mới, có đàn có sáo, ta lại hát những lời hát cũ “Nhưng thôi, tiếc mà chi…” (Đoàn Chuẩn - Từ Linh) rồi an ủi nhau mọi thứ đều qua đi, ký ức cũng như người “đường trần quên lối cũ”…

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Nhưng thôi... tiếc mà chi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO