“Đói cơm rách áo tèm hem. No cơm ấm áo lại thèm nọ kia”. Ông bà ta nói quả đúng. Thời buổi bây giờ khi cơm áo không còn là chuyện thúc bách riết ráo nữa, người ta lại sinh ra đủ thú chơi như chơi xe, sưu tầm đồ cổ, hàng độc, cây và chim cảnh… Nhưng cũng có những thú chơi tàn hại môi trường như chưng sừng bò tót, sừng nai, thú nhồi bông, chơi độc bình, phản “khủng”...
Về độc bình, thực ra, từ lâu đã là thú chơi tao nhã của người Việt. Duy có điều là những độc bình được làm bằng sứ, thường đề những bài thơ cổ, còn bây giờ nó được chế tác bằng gỗ. Đi đọc các thị thành miền Trung, Tây Nguyên sẽ thấy những cửa hàng bán độc bình mọc lên nhan nhản. Có những độc bình “khủng”, cao quá đầu người. Độc bình to, có nhiều vân đẹp, bằng gỗ quý như trắc, cẩm lai, hương, cà chít, thủy tùng... giá mỗi chiếc vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Muốn làm ra một chiếc độc bình, người ta chỉ lấy phần lõi thân cây để chế tác, vỏ và gỗ bên ngoài vứt bỏ. Cây gỗ chọn làm độc bình phải thẳng, không bị hư phần nào. Gỗ càng quý như cà chít, thủy tùng, cẩm lai thì chiếc độc bình càng giá trị. Đây là nhóm gỗ quý, nằm trong sách đỏ cấm khai thác. Độc chiêu hơn, một số người còn có độc bình “khủng” bằng gỗ pơmu khiến thiên hạ phải “bái” sát đất. Thế nhưng thú chơi độc bình bây giờ đôi khi không phải là thú chơi tao nhã nữa, thậm chí trở thành phong trào, là thú chơi của những người lắm tiền của thích khoe khoang, là thú chơi trọc phú.
Thời buổi bây giờ sao lắm người thích “khủng”. Nào là xe “khủng”, độc bình “khủng”, rồi đến bộ phản “khủng”. Mỗi bộ phản “khủng” thường chỉ hai tấm thôi, mỗi tấm dài từ 2,5 - 3m, rộng non 1,5m, bề dày đến 2 tấc. Để làm nên bộ phản ấy, cái cây bị đốn hạ phải có đường kính rất to, và phải có phương tiện cơ giới mới vận chuyển ra khỏi rừng. Thời ông bà ta, ở quê hầu như gia đình nào cũng có bộ phản tọa lạc trong phần không gian trang trọng của ngôi nhà. Nhưng nó vừa phải thôi, bề dày mỗi tấm cũng chỉ 6 - 8 phân, dùng lâu ngày gỗ lên màu thời gian. Đó là nơi đàn ông nằm ngủ, nơi tiếp khách, nhưng cũng là nơi có thể bày biện mâm cúng. Mỗi dịp giỗ quảy, lễ tiết hay khi nhà có khách, các cụ khăn đóng áo dài, bày mâm đồng chân cao ngồi chén thù chén tạc, nói chuyện làng chuyện xóm, cao hứng thì nói chữ Nho, đọc thơ phú. Đôi khi cũng ồn ã một tí nhưng không bao giờ xô bồ. Bộ phản ấy bình dị nhưng nó tạo ra một không gian đậm chất văn hóa. Còn bây giờ, bước vào nhiều ngôi nhà sang trọng, nhìn những bộ phản “khủng” chỉ thấy sự phô trương, màu mè nhưng trông lạnh lẽo. Không biết chủ nhân nằm trên đó ngủ có ngon giấc không, nhưng cứ nghĩ đến cảnh những cây rừng lớn nhỏ đã bị đốn hạ để tạo ra nó thì thật xót. Đồng bào Tây Nguyên ngày xưa trước khi hạ một cây gỗ trong rừng bao giờ cũng bày lễ cúng xin thần rừng, tạ lỗi cây rồi mới đốn đem về dùng. Thế mới thấy ứng xử của họ với thiên nhiên ở tầm cao văn hóa thế nào!
Ngày có càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để tham gia bảo vệ động thực vật, người đơn giản chỉ đi nhặt rác ở bãi biển… Tấm lòng yêu thiên nhiên của họ thật nồng nàn và thật đáng trân trọng, học tập. Còn ở ta bây giờ sao có quá nhiều người dửng dưng với thiên nhiên của đất nước mình, hơn thế còn ra tay hoặc tiếp tay hạ sát cây cối, thú rừng để thỏa mãn những thú chơi trọc phú, trong khi sự trừng phạt của thiên nhiên thì đã nhãn tiền?
DUY HIỂN