Trong lời tựa tác phẩm “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” (NXB Văn học), tác giả Hồ Thế Hà chia sẻ về chân dung 20 nhà thơ Việt Nam hiện đại với những kiến giải độc đáo, mới lạ và hấp dẫn.
PGS.TS - Nhà giáo ưu tú Hồ Thế Hà sinh năm 1955, quê Bình Định. Ông là cựu sinh viên Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Huế, được giữ lại trường giảng dạy, hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế. Hồ Thế Hà được biết đến là một nhà giáo tâm huyết, nhiều cống hiến; một nhà nghiên cứu văn học uy tín, nhiều thành tựu.
Song tựu trung giá trị cốt lõi tạo nên “căn cước” Hồ Thế Hà chính là thơ ca, với 7 tập thơ đã in và được công chúng đánh giá cao, gồm: “Khoảnh khắc” (1990), “Nghìn trùng” (1991), “Xác thu” (1996), “Thuyền trăng” (2013), “Tơ sương” (2015), “Xem mơ” (2018), “Nến tình” (2018).
Tính từ khi tập tiểu luận - phê bình đầu tiên được trình làng vào năm 1993, đến năm 2021 ông đã in riêng 11 tập chuyên luận, tiểu luận - phê bình văn học. Bao gồm: “Sức bền của thơ” (1993), “Thức cùng trang văn” (1993), “Thơ và thơ Việt Nam hiện đại” (1996), “Tìm trong trang viết” (1997), “Thao thức thơ” (2004), “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên” (2006, 2010, 2018), “Những khoảnh khắc đồng hiện” (2007), “Tiếp nhận cấu trúc văn chương” (2014), “Khoảng lặng thơ” (2018), “Đường biên thơ” (2020), “Lý do của hy vọng” (2021).
Trong số đó, có không ít công trình được vinh danh tại các giải thưởng văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương. Tác phẩm “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” ấn hành tháng 9.2022, tập phê bình văn học thứ 12 của ông là minh chứng sinh động cho hành trình lao động sáng tạo bền bỉ.
“Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” tiếp nối những tác phẩm trước, là sự nhất quán về hệ giá trị văn hóa, tư tưởng thẩm mỹ và thi pháp riêng, làm nên dấu son trong nghiên cứu thơ ca của Hồ Thế Hà. Nếu như trong “Thơ Việt Nam hiện đại - Thi luận và chân dung” ấn hành năm 2018, ông đã bao quát hệ thống tiến trình 90 năm phát triển của thơ Việt hiện đại thì tiểu luận này đi sâu tìm hiểu từng nhà thơ ở những nội dung hiện thực nổi bật.
Với tư cách là chủ thể tiếp nhận (nhà nghiên cứu) và chủ thể sáng tạo (nhà thơ), ông đã kiến giải những cách tân và giá trị trong “Thi tù tùng thoại” của Huỳnh Thúc Kháng; khám phá không gian nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử: “Vận động từ hiện tại đến tương lai nhưng luôn đồng hiện chúng trong hoài niệm quá vãng, tạo thành mạch cảm xúc thi ca tuôn tràn trên ngọn bút” (tr.33).
Tập sách còn phát hiện sự độc đáo của thơ Yến Lan trước 1945 nhìn từ địa văn hóa; giải mã tính triết lý hiện thực trong thơ Chế Lan Viên; nhận định những tiêu điểm thẩm mỹ thơ Hải Bằng bằng tâm thức nhà thơ: “Phải hút mật từ cuộc sống, phải sống giữa biển cả cuộc đời, thơ mới có ích và chân thật. Nhà thơ phải hiện ra chân thật - chân thật đến tận cùng” (tr.127).
Tác giả cũng phân tích những ẩn số của thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường gửi gắm qua từng con chữ: “Và đó cũng là ẩn số của chính cuộc đời anh để chiến thắng nỗi buồn và thần chết để tiếp tục sáng tạo” (tr.142)...
Cứ như thế, từ riêng đến chung, từ cụ thể đến khái quát, bằng trực giác nghệ thuật nhạy bén và hệ giá trị văn hóa, tư tưởng thẩm mỹ, thi pháp khoa học của mình, qua 20 chân dung nhà thơ, Hồ Thế Hà đã cho độc giả một cái nhìn mới, lạc quan về thơ Việt Nam hiện đại.