Văn hóa

Những "trái tim" có… sẹo

TRUNG VIỆT 14/03/2024 13:16

(VHQN) - Lớp người cố cựu của phố hội nhìn thời gian qua mắt cửa, thấy gió lùa qua ngạch cửa. Cơn gió quen, gió cũ, dường đã phôi pha rất nhiều...

gieng-troi-con-nguyen-o-nha-co-quan-thang.jpg
Giếng trời lung linh ở nhà cổ Quân Thắng 77 Trần Phú.

“Chú từng ở nhà bà cô trên đường Nguyễn Thái Học năm 1952, có giếng trời mát lắm. Người ta gọi giếng trời là thiên tỉnh, lấy nắng gió, sống trong nhà đó mát lắm”. “Bão lớn có hút xoáy không?”. “Xung quanh nhà cửa bao bọc hết, không hề chi”.

Vẫn lối kiệm lời của người đã biết… đủ, cụ ông Tăng Xuyên (Ban Quản lý Tụy Tiên đường Minh Hương, Hội An) ậm ừ rằng chú có nghe vài nhà người ta làm mái che giếng trời, rứa là sai công năng kiến trúc.

Tôi nhớ lời anh Phong - Chủ tịch UBND phường Minh An chớp nhoáng qua điện thoại, là cũng có trường hợp vi phạm quy định bảo tồn nhà cổ về giếng trời. Người ta làm bạt, nhựa kéo che hết, nếu nghe bà con hoặc bên di tích báo lên thì phường lần thứ nhất nhắc nhở, lần 2 sẽ lập biên bản xử lý. Mà nói thiệt phường quá ít người theo dõi về quản lý đô thị, địa chính…

Cụ Tăng Xuyên lắc đầu: “Họ làm ở trong nhà, kín đáo răng mình biết”. Nghe ông nói, tôi nhớ lời anh Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Hội An, là quản lý phố cổ phải là quản lý bên trong chứ không phải đứng khơi khơi ngoài đường!

…Nhà cổ Quân Thắng (77 Trần Phú). Giếng trời chừng 20m2 còn nguyên vẻ đẹp trầm mặc tháng năm. Đây là di tích tham quan. Chủ nhà là ông Diệp Bảo Hùng. Dưới giếng trời, một bức phù điêu hoa, chim, thú đắp sành rơi rụng vài miếng.

Hoa, đôn sứ tôn màu xanh của bonsai. 9 giờ sáng, nắng hắt nhè nhẹ chưa chạm đến mảng tường tuổi đã cố cựu. Chúng phản quang trên mái thứ ánh sáng thiệt trong, như màu rượu vang nhạt đang cố bốc hơi.

Khí xuân lành lạnh. Tôi đứng nhìn hai ông già nói chuyện tế xuân, rồi chuẩn bị họp hội cúng bái chi đó giữa khoảnh sân. Cảnh không khác chi cảnh phim cổ trang với thế sự nghiêm trang, như thật chứ không hề diễn.

“Sành sứ, đồ đạc ni trước chừ còn nguyên đó, hơn 300 năm rồi”, lời ông Hùng nhỏ nhẹ. Tôi hỏi ông : “thoát nước ở đâu chú?”. “Đồng xu ngay góc đó…”. À, hai góc giếng có hai viên gạch hình đồng tiền Tiến Bảo.

gieng-troi-54-nguyen-thai-hoc-thanh-quay-bar-phan-tren-lop-mai-nhua-di-dong.jpg
Giếng trời 54 Nguyễn Thái Học thành quầy bar, phần trên lợp mái nhựa di động.

Mưa lớn vẫn tạt ướt, nên chủ nhà cho làm bên mái dài ra 1 mét nữa bằng tôn để giữ khung gỗ trong nhà. Nhưng đại thể, nó vẫn lung linh với công năng lẫn sự diện hiện như một nguyên tắc kiến trúc mà người xưa không phải ưng là làm.

Giếng trời vẫn còn, ngay khu vực phố cổ. Nó không bị phá đi, nhất là những nhà bán vé tham quan, những nhà đặc biệt, những chủ gia “trăm năm vẫn giữ nếp nhà”.

Nhưng khi con số nhà cho thuê lên đến 40%, nhà bán lại 30% trong tổng số các di tích nhà cổ, thì cơn lốc làm biến dạng hồn cốt, lối sống, cả công năng sử dụng nhà cổ ùa đến.

Người mua lại chưa chắc đã làm hư, làm khác đi, bởi đã đặt tiền mua nhà cổ, nghĩa là họ hiểu giá trị cổ của nó. Chỉ sợ nhất là thuê để kinh doanh với phương châm tận thu, bất cứ giá nào.

Tôi vào nhà hàng Xoài Xanh ở 54 Nguyễn Thái Học. Sáng vắng khách. Cô bé phục vụ nói chủ nhà là người ngoài Bắc. Đây là quán ăn, bán rượu. Khu vực giếng trời coi như mất, bởi ở đó là quầy bar. Tầng trên của giếng, người ta làm khung sắt và lợp tấm nhựa di động.

“Lỗ mũi” đã bị bịt, cho hé hé ra cho chút ánh sáng yếu ớt lọt vào. Chủ không còn, không phải là người của phố, thì khí thở làm chi tồn tại nữa.

Chúng tôi quay lui. Tôi đọc trong mắt ông cụ thoáng tiếc nuối đến ngẩn ngơ. “Trước đây là tiệm Tường Lan chuyên buôn cau, mắm, hàng mã. Chủ là 1 trong 3 tư sản người Hoa ở Hội An”, lời cụ đủ cho tôi nghe.
Đằng sau ngạch cửa, những chai lọ thủy tinh quầy rượu keng leng khi cậu thanh niên làm việc ở đó đang lau chùi chai, ly, tách. Một rụng rơi. Một đổ vỡ. Một ngậm ngùi.

nha-41-nguyen-thai-hoc-phan-tren-gieng-troi-la-he-khung-go-ngoi-da-lam-tu-lau.jpg
Nhà 41 Nguyễn Thái Học phần trên giếng trời là hệ khung gỗ ngói đã làm từ lâu.

Còn đây, nhà 41 Nguyễn Thái Học. Là cà phê Trầm Lặng. Phần trên cùng của giếng được lợp ngói âm dương, khung gỗ đã cũ. Phần hông đóng khung bao một bên, phần còn lại là hình tam giác chừng 1m2 dùng lấy ánh sáng. Giữa sân giếng là hai bàn cà phê. Bình phong đã mòn cũ nhợt nhạt. Hai ống thoát nước dây leo, chỗ còn chỗ vỡ. Chủ nhà là người của phố.

Sứ mệnh giao hòa trời đất, hở mà kín, sống trong nhà nhưng nói chuyện với trời đất thông qua cái giếng như một gạch nối, một cột thu lôi trung gian, một thuở, đã bị xếp sang một bên.

Đó là sự khắc nghiệt của đời sống. Xét ở nhu cầu cần, khi con người hiện đại không cần biết đủ, bởi… bao nhiêu cho đủ. Tiền thay thế khí-gió-trời-đất-âm-dương. Nhưng nói đi cũng nói lại, sống trong những ngôi nhà đó, cố giữ nguyên trạng khu vực này, cũng khó.

Thời gian đã thổi bay hết những đắp nổi, vun vắn họa tiết. Cứ ngó bình phong, ống thoát, cách bài trí khu vực này, đủ thấy đâu chỉ là dùng để lấy khí, gió, ánh sáng, mà còn là mà một tiểu cảnh để người ta đặt mình vào cuộc mộng mơ và đối thoại.

“Khó lắm em, hồi nớ nóng quá, tôi làm mái tôn che, vì nóng quá, mưa lớn thì tạt tùm lum, rồi gió hút, nhưng nhà nước không cho”. Chủ nhà nói như để giải thích… chẳng đặng đừng cho một tấm bạt treo lơ lửng trên lưng chừng không gian giếng.

“Phải làm tấm bạt, nếu mưa gió lớn mình giằng kỹ, chứ làm kiểu bạt kéo, gió cũng xé toạc hết”. Tôi nhớ mấy chỗ vừa ghé, nếu giếng trời không che, thì tường gỗ và chân cột sát giếng đều có màu xỉn, ẩm. Nó sẽ mau mục, lại tốn tiền. “Nhà tôi trùng tu đầu tiên đó, hồi nớ sân giếng cũng thấp, nhưng láng xi măng nên chừ cạn rứa”…

Giếng trời không phải là… đặc sản riêng có của Hội An, bởi giải pháp kiến trúc này đã có thời La Mã cổ đại, trong các công trình Pantheon. Nhật Bản Ấn Độ, Ai Cập… cũng có. Nhiều nước khác cũng có.

Nhưng ở Hội An, trong kiến trúc nhà cổ của người Hoa, giếng trời là một cách “tứ thủy quy nhất”. Thủy ở đây chính là nước mưa ngụ ý tài lộc đều quy về nhà mình. Chừng đó chưa đủ, nó giúp cân bằng âm dương, hấp thu nhật nguyệt mưa móc tinh hoa trời đất. Ai đó đã ví von nó như trái tim của ngôi nhà khi nó nằm ở trung cung.

Đặc sản Hội An không phải nhà cổ, bánh trái, mà là người Hội An với cách ứng xử văn hóa nhuần nhị, thuận thiên, kín-hở, luôn giữ nhưng không bao giờ đóng.

Vườn tiểu cảnh, bonsai xanh, dù vài ba chậu phô mình trong mưa nắng, đó là tư duy xanh chứ gì nữa. Xanh, là gắn mình với tự nhiên, sống đủ, từ nghĩ đủ và làm đủ. Đủ theo nghĩa hàm dưỡng cốt cách văn hóa và lý tưởng hành thế thuận thiên và hợp lòng người.

Một ngày làm ăn đối mặt với bao chuyện. Những chiều tắt nắng, những đêm trăng thanh, những sáng mai sương, chốn mấy mét vuông như cửa sổ mở ra trời đất.

Không chỉ làm khí gió trong nhà hanh thông, mọi người nhẹ nhõm, gần gũi, mà đó là chỗ ngồi để nói chuyện với trời đất, độc thoại, một vườn thiền đúng nghĩa để người cân bằng tâm não, kiểm soát chính mình. Ở đó, họ đặt mình trong tư thế của một hạt bụi, có nghĩa rằng trong cơn vần vũ của nắng gió mà sống cho đúng hạt bụi rồi trở về với đất.

Tôi ngồi ở sân giếng nhà cô Thái Hạnh Hương, nhìn viên ngói mấy năm trăm cô quạnh một góc, nhớ Đường thi: “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản…”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "trái tim" có… sẹo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO