Trở về quê nhận công tác, những trí thức trẻ vùng cao Nam Giang đã phát huy lợi thế, đưa kiến thức xã hội tiến bộ về ứng dụng trong công việc tại địa phương, cùng thắp sáng ước mơ núi rừng.
Trí thức trẻ
Gần 2 năm công tác từ khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Alăng Trượp - chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND huyện Nam Giang là một trong số cán bộ trẻ người đồng bào bản địa được đánh giá có nhiều năng lực, nhiệt huyết với công việc. Sáu năm trước, khi còn là học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Trượp vinh dự được kết nạp vào Đảng, trở thành niềm tự hào của học trò miền núi Nam Giang. Nhiệt tình, năng nổ, say mê với công việc là những gì mà đồng nghiệp thường thấy ở Trượp. Công việc luôn khiến Trượp bận bịu và chịu nhiều áp lực nhưng bù lại đã “giúp mình trưởng thành nhiều hơn” - như lời tâm sự của anh. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trượp còn là đảng viên của Chi bộ Văn phòng HĐND và UBND huyện đoạt giải thưởng tại cuộc thi tìm hiểu lịch sử “Đảng bộ huyện Nam Giang - 65 năm xây dựng và phát triển” nhân kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng bộ huyện Nam Giang vừa qua.
Pơloong Pênh (bên trái) - “người thầy” công nghệ của cán bộ xã Chơ Chun. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Alăng Trượp chỉ là một trong số rất nhiều gương mặt cán bộ trẻ của huyện Nam Giang tạo được dấu ấn riêng tại địa phương. Điển hình như: Pơloong Pênh, Bh’ling Nhinh, Alăng Thị Thảo, Alăng Thị Hòa, Chơrưm Thị Thủy… Họ thực sự là những trí thức trẻ, là cầu nối và sự kỳ vọng của đồng bào cho sự nghiệp phát triển ở địa phương miền núi. Như Alăng Thị Thảo, sau khi tốt nghiệp đại học ở Huế, chị trở về quê công tác tại Huyện ủy Nam Giang. Chỉ sau vài năm, Thảo đã tạo được dấu ấn đặc biệt không chỉ trong công việc, mà còn ở lĩnh vực công tác xã hội. Tại nhiều sự kiện lớn nhỏ của huyện, Thảo luôn là gương mặt thân quen với vai trò MC dẫn các chương trình văn hóa - nghệ thuật. Như nhiều cán bộ trẻ khác, Thảo luôn ý thức trách nhiệm công việc và không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao vốn sống, kiến thức, phục vụ chuyên môn. Hiện Thảo đang theo học cao học tại Hà Nội với nhiều dự định cùng các cán bộ trẻ khác tiếp tục cống hiến cho địa phương sau này. Hay như Bh’ling Nhinh - giáo viên Trường THPT Nam Giang, có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền nâng cao sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh của trường. Với vai trò là Phó ban Chủ nhiệm truyền thông dân số của trường, Nhinh đã nhiệt tình truyền đạt kiến thức, xây dựng nhiều mô hình hay, giúp giảm tình trạng học sinh bỏ học, tảo hôn như trước đây. Câu lạc bộ truyền thông dân số Trường THPT Nam Giang cũng được đánh giá là một trong những mô hình đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền nâng cao sức khỏe sinh sản vị thành niên trong học đường.
Thắp sáng núi rừng
Nhiều năm trước, nhắc đến Chơrưm Thị Thủy, dân tộc Tà Riềng, ở thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), nhiều người không khỏi cám cảnh bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuổi thơ Thủy là một chuỗi tháng ngày buồn. Cha bỏ đi, mẹ bị bệnh thần kinh thực vật, đau ốm triền miên… Nhưng, cô bé Thủy ngày ấy, bây giờ đã là giáo viên bộ môn Tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (xã Chà Vàl, huyện Nam Giang), có khả năng giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh với du khách, nức tiếng trong vùng. Thủy chia sẻ, chính nghị lực đã giúp em vượt qua nghịch cảnh, trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ cho con em đồng bào tại địa phương. Là người Tà Riềng nên Thủy có được lợi thế trong việc truyền đạt kiến thức đến với học trò của mình. Với Thủy, niềm tin vào con chữ, vào tương lai của lũ học trò là sự động viên mỗi ngày đến lớp, thắp sáng tình yêu nghề cùng ước mơ núi rừng Nam Giang.
“Những năm qua, địa phương chú trọng đến công tác đào tạo, quản lý và sử dụng cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cán bộ trẻ ngày càng đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo phẩm chất chính trị, tư tưởng vững vàng và được cơ cấu hợp lý tại các phòng, ban của huyện”. (Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang) |
Với Pơloong Pênh - cán bộ Văn phòng UBND xã Chơ Chun, ước mơ của anh là niềm tự hào của nhiều cán bộ và người dân trong xã. Trở về sau khóa học Trung cấp văn thư tại TP.Đà Nẵng, Pênh nhận công tác tại UBND xã Chơ Chun. Nhiều năm nay, khi chính quyền xã chủ trương khuyến khích cán bộ trẻ tự trang bị máy tính cá nhân, phục vụ công việc hằng ngày, Pênh trở thành “người thầy” giúp họ tiếp cận với tính năng ứng dụng của máy tính. Dù bận công việc, nhưng hễ có ai tìm đến Pênh sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ. Nhờ vậy, nhiều cán bộ xã Chơ Chun đã nâng cao được kiến thức thực hành trong văn bản, phục vụ công tác. “Mình biết cái gì, học được cái gì là truyền đạt lại ngay cho cán bộ, đồng bào mình cùng biết, cùng học. Có như vậy, người dân miền núi mới ngày càng tiến bộ và tiếp cận được với khoa học công nghệ để phục vụ công việc, cuộc sống” - Pênh chia sẻ. Ông Pơloong Ađốc - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun đánh giá cao những nỗ lực của Pênh trong công tác tại địa phương, nhất là việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ, từng bước tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính tại cơ sở.
Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại địa phương hầu hết đạt chuẩn, đáp ứng với nhu cầu công việc và ngày càng trẻ hóa. Cũng theo ông Sơn, đối với một số trí thức trẻ mới ra trường, ngoài việc bố trí tại cơ quan của huyện, còn tăng cường về cơ sở để giúp các xã biên giới hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đây cũng là cơ hội để cán bộ trẻ được thử sức, trải nghiệm tại địa phương, buôn làng mình. Để đội ngũ trí thức trẻ vùng cao ngày càng đáp ứng với nhu cầu của địa phương, ông Sơn đề xuất tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, cũng như cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp và cần thiết. “Hầu hết cán bộ trẻ đều thiếu tự tin, chưa có nhiều kinh nghiệm và ngại va chạm. Do vậy, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ giúp các cán bộ địa phương miền núi tự tin, nâng cao năng lực và đảm bảo công tác quản lý tại địa bàn cơ sở” - ông Sơn nói.
ALĂNG NGƯỚC