Đã bước vào năm 2025, song vẫn cần phân tích vài số liệu cơ bản năm qua và so chiếu kế hoạch đặt ra trong thời gian tới, để thấy những trụ cột phát triển nên ưu tiên với Quảng Nam.
Vấn đề quan tâm lớn nhất vẫn là tăng trưởng GRDP. Kết thúc năm 2024, con số này đạt ở mức hơn 7,1%. Sau thời gian dài sụt giảm xuống âm, nay đảo chiều tăng trưởng dương vậy cũng ấn tượng. Tuy nhiên so sánh với nhiều địa phương trong nước thì sự bứt phá của Quảng Nam không bằng.
Đặc biệt, theo yêu cầu của Chính phủ, Quảng Nam phải cùng với cả nước phấn đấu đạt tăng trưởng trên hai con số vào năm 2025, chứ không chỉ là 9,5-10% như kế hoạch, thì mới mong kết thúc nhiệm kỳ tiệm cận được chỉ tiêu đề ra. Đây là thử thách rất lớn, đòi hỏi Quảng Nam phải tìm dư địa tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là xúc tiến đầu tư, thúc đẩy sản xuất, tăng thu ngân sách v.v.
Tình hình thu ngân sách Quảng Nam cũng đặt ra những dấu hỏi cho đường dài. Hiện tại, con số vượt thu ngân sách khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng thu nội địa khoảng 22,7 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra, là sự “đảo chiều ngoạn mục” như báo chí mô tả, nhưng như thế không hẳn là bền vững.
Bởi nhìn sâu vào các trụ cột để tạo nguồn thu thuế lớn, thì vẫn phụ thuộc chính vào Tập đoàn Thaco, chiếm tới gần 13 nghìn tỷ đồng. Dự báo đầu năm của Thaco không sáng sủa, nhưng cuối năm 2024 nộp vào ngân sách Quảng Nam tăng hơn 17,2% so với năm 2023.
Nói “phụ thuộc” Thaco là vì tình hình như vậy đã trải nhiều năm, trong khi nguồn thu lớn còn lại là Chi nhánh Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Quảng Nam chỉ đạt 17,5% (100 tỷ/570 tỷ đồng, và đã đóng cửa), còn tiền sử dụng đất chỉ đạt 33,3% (900 tỷ đồng). Nếu gọi là nét mới của nguồn thu là sự tăng trưởng kinh doanh casino, sân golf của Nam Hội An, đã đem lại cho ngân sách 659 tỷ đồng (tăng hơn 35%).
Trong năm 2025, dĩ nhiên những trụ cột để có nguồn thu ngân sách lớn cần phải duy trì, tuy nhiên làm sao để khơi dậy, nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu mới. Chưa nói là đường dài, với quy hoạch của tỉnh, đòi hỏi việc huy động hơn 600 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, thì nguồn thu ngân sách nếu duy trì ở mức hiện tại chỉ đáp ứng phần rất nhỏ.
Tăng trưởng, phát triển kinh tế luôn là trụ cột chính để Quảng Nam phấn đấu thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trụ đỡ an sinh xã hội phải song hành. Bởi giàu có thì mới lo an sinh được, ngược lại an sinh xã hội tốt thì phát triển mới bền vững, toàn diện, bao trùm.
Trên hành trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, cả tỉnh đã tập trung thực hiện chủ trương: “Quan tâm giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Nguồn vốn đầu tư cho trụ cột an sinh xã hội không nhỏ, như chương trình giảm nghèo là 10.580 tỷ đồng; hay hỗ trợ sắp xếp dân cư cho hơn 9,5 nghìn hộ dân.
Bên cạnh đó các chỉ tiêu khác cũng đạt khá như bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96%; trợ giúp xã hội hàng tháng đối với khoảng 97.300 đối tượng bảo trợ xã hội và 15.600 hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; tổng kinh phí thực hiện trong 5 năm khoảng 3.300 tỷ đồng.
Năm 2025, Quảng Nam tiếp tục quyết liệt đặt ra mục tiêu thực hiện xóa gần 11 nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân – một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Mọi con đường phát triển cuối cùng là hướng đến làm cho đời sống nhân dân được nâng lên ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, lời chúc và khát vọng cho năm 2025 là nỗ lực tăng tốc sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy vận hành, nắm bắt thiên thời - địa lợi - nhân hòa để đạt kết quả tốt cả những trụ cột tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.