Theo báo cáo của Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), toàn xã có 109 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhưng có tới 41 người chưa được hưởng chế độ. Sau đây là một số trường hợp cần giải quyết sớm chế độ chính sách.
* Bà Phan Thị Lý (thôn Thạch Tân) nhập ngũ từ năm 1964, thuộc đơn vị C3 thông tin, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Sau chiến tranh, cơ thể bà mang đầy bệnh tật. Theo giám định pháp y gần nhất (năm 2011) của Trung tâm Giám định pháp y Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, bà Lý bị rối loạn tâm thần, thần kinh ngoại biên cấp tính, đau não, viêm khớp toàn thân, mất sức 65%. Bà Lý là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tam Thăng và có biên bản xác nhận hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, sau nhiều lần đi lại làm hồ sơ bà vẫn chưa được hưởng chế độ trong khi cơ thể đang ngày càng phù nề, sinh hoạt khó khăn, đi lại không thuận tiện.
* Bà Lê Thị Lợi (thôn Tân Thái) phụ thuộc hoàn toàn vào người thân vì thần kinh không ổn định. Bà thoát ly lên Nông trường Đức Phú (Tam Anh, Núi Thành) từ năm 16 tuổi. Trong quá trình tham gia hoạt động, bà bị thương nặng phải chuyển ra Bệnh viện Nữ thương binh Hà Nội điều dưỡng. Từ tháng 12.1984, bà Lợi hoàn toàn mất sức lao động, thần kinh không ổn định. Gia đình cũng từng đưa bà Lợi đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nhưng không có chuyển biến gì tích cực. Trước đây, bà Lợi đã được giám định pháp y, xác minh bị nhiễm chất độc da cam, nhưng sau hai năm mòn mỏi làm hồ sơ vẫn chưa có kết quả.
* Anh Cao Văn Tiên (thôn Tân Thái) cũng là trường hợp rất đáng quan tâm. Vừa lọt lòng mẹ, anh Tiên đã mang dị tật, cơ bị teo rút. Hai mươi bốn năm tồn tại trên đời, mọi sinh hoạt của anh đều phụ thuộc vào cha mẹ. Những lúc trái gió trở trời, anh bị khó ở trong người đâm ra khóc quấy, cả nhà thay nhau chăm sóc dỗ dành.
Cha anh, ông Cao Tiến Dũng vốn là chiến sĩ pháo cao xạ 12,7 ly thuộc Sư đoàn 331 tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, ông xuất ngũ cưới vợ, sinh đứa con gái đầu lành lặn, đến Tiên thì bị dị tật. Trong kết quả giám định số 158/GĐYK - SK của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Quảng Nam có kết luận anh Tiên bị liệt tứ chi; Dị tật teo cơ co rút; cong vẹo cột sống; thiểu năng tâm thần bẩm sinh; không thể tự phục vụ trong sinh hoạt; tỷ lệ mất sức lao động 90%. Ông Dũng tâm sự: “Làm hồ sơ chất độc da cam cũng tốn kém, đi lại nhiều, nhà tui thì quá khổ nên đành chịu, không làm tiếp được”.
Những trường hợp nêu trên rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền trong việc giải quyết chế độ chính sách; đồng thời cũng mong sự giúp đỡ của cộng đồng để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện nay.
Đoàn Ly