Không hẹn mà gặp, một ngày đầu tháng mùa đông, những tấm lòng yêu mến thi ca đất Quảng lại được dịp ngắm nghía, rung cảm với những vần thơ đậm sắc vị của tình yêu đời…
Bốn tập thơ ra mắt vào ngày 13.11.2014 |
Nguyễn Bá Hòa với “Lục bát 60”, Thái Bảo – Dương Đỳnh với “Những kèo củi chữ A”, Trương Xuân Đông thăng hoa cùng “Tình yêu mùa xuân” và Nguyễn Đức Dũng mặn mòi với “Khúc hát lưu dân”. Bốn tập thơ cùng ra mắt, ngõ hầu mang đến những ấm áp về một tình yêu đời, yêu người của những tác giả đã không còn xa lạ với giới văn chương Quảng Nam. Họ - tuổi đời không còn trẻ để phù phiếm cùng chữ nghĩa. Thấp thoáng trong từng ấy tập thơ, là ngọn lửa lòng đã ở thời kỳ cháy đượm, nồng nàn và lan tỏa ung dung, điềm đạm. Người trẻ tuổi nhất, cũng tròm trèm 50, đã bước qua ngưỡng cửa của một nửa đời người. Kẻ tuổi đời tròn “lục thập hoa giáp”, cũng vừa đủ viên mãn để “Tri tình níu giữ tri âm/ Lòng nao sương đậm gieo mầm thủy chung/ trăm mùa khắc một chân dung/ mãn khai vô lượng vô cùng vô biên” (“Chân dung” in trong tập “Lục bát 60” của Nguyễn Bá Hòa).
“Làm thơ là làm những hạt mưa rơi trở lại một lần nữa vào quá khứ đời mình tan hoang, mờ mịt mà ở đó người thơ đôi lần tự vấn “…tôi là ai mà còn khi giấu lệ… Tôi là ai mà yêu quá đời này..”. Lời nhà thơ H.Man chia sẻ đồng cảm cùng những thổn thức trong “Tình yêu mùa xuân” của Trương Xuân Đông, nhưng chừng như cũng là những rung cảm của bất cứ người yêu thơ nào, khi đến với những tập thơ “đằm đằm yêu mến từ những tấm lòng nhân hậu trong đời”. Bốn tập thơ mỏng manh, nhưng chất chứa vô ngần trạng thái cảm xúc. Ấy là thơ về “quê xứ, cố quận, cố hương, tên làng, tên đất…”, ắp đầy hình ảnh, bóng dáng và tất nhiên thấm đẫm cảm xúc về những làng quê xa xôi, làng của Thái Bảo – Dương Đỳnh, làng của tôi, của bạn. Hay đó cũng có thể là một “nốt trầm đáng yêu vừa đẹp vừa buồn” của một trái tim luôn khao khát tìm về bãi biền, làng mạc… với “những dòng hồi lưu miên man chảy dọc đời người”, trong “Khúc hát lưu dân” của Nguyễn Đức Dũng.
Những câu lục bát dắt dìu đời người đi qua bao nhiêu bão dông, để khi “chim di mỏi cánh hoàng hôn/ chân mây ráng đỏ vẫn còn tươi nguyên” (Bến chiều), thì Nguyễn Bá Hòa – với những hạnh duyên hội ngộ, để cho ra “Lục bát 60”, như một lời tạ ơn với ban sơ. Mộc mạc hơn, như gương xưa lau lại đời mình, Trương Xuân Đông soi vào những ẩn ức, những nhớ nhung tiếc nuối, và làm thơ – là cách duy nhất để một lần quay lại thế giới hồn nhiên đã mất. Chúng tôi mạo muội gọi 4 tập thơ ra mắt độc giả xứ Quảng vào tháng 11 này là “những vần thơ của Đời”. Bởi những con chữ, những dòng thơ đã kịp gói trọn bao nhiêu buồn vui, trong bấy nhiêu năm hạnh ngộ với cuộc đời. Mỗi tác giả một nỗi niềm riêng, nhưng chung quy là cái tình với quê xứ, với đời người, luôn là thứ dễ gây cảm xúc cho người đọc nhất.
SONG ANH