Những vụ gian lận trong tuyển sinh gây chấn động

KIM OANH 14/03/2019 09:02

(QNO) - Không chỉ riêng tại Mỹ, nhiều vụ gian lận trên thế giới liên quan đến tuyển sinh đại học bị phanh phui gây xôn xao dư luận.

CEO William “Rick” Singer có thể đối mặt ứng án 65 năm tù khi vụ gian lận tuyển sinh gây chấn động tại Mỹ vừa bị phát hiện. Ảnh: Gettyimages
Ông William “Rick” Singer (giữa) có thể nhận mức án 65 năm tù khi vụ gian lận tuyển sinh gây chấn động tại Mỹ vừa bị phát hiện. Ảnh: Gettyimages

Ngày 12.3 vừa qua, các công tố viên liên bang Mỹ truy tố hàng chục người trong vụ gian lận tuyển sinh kéo dài nhiều năm, với số tiền chung chi lên đến 25 triệu USD nhằm giúp cho những gia đình Mỹ giàu có “mua suất” cho con vào các trường đại học hàng đầu như Yale, Georgetown, Stanford, Nam California...

Theo đó, ông William “Rick” Singer (58 tuổi) là một trong những kẻ bị truy tố cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh đại học này thông qua một công ty có tên Edge College & Career Network do ông làm giám đốc điều hành, nơi đã phục vụ cho rất nhiều khách hàng.

Ngoài ra, còn có khoảng 33 phụ huynh, bao gồm các diễn viên Hollywood, 13 huấn luyện viên và cộng sự cho công ty của ông Singer cũng bị truy tố. Đây được xem là vụ án nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành giáo dục Mỹ.

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết, công ty của ông Singer nhận tiền của các phụ huynh để con họ được trúng tuyển qua việc dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc. Đó là làm giả chứng chỉ thể thao, hối lộ để thí sinh được nhắc bài hay có thể sửa lại bài thi cho học sinh sau khi bài thi đã gửi đi. Thậm chí, công ty của Singer còn sắp xếp cho các thí sinh giả thi tuyển sinh đại học thay cho khách hàng của ông.

Vì muốn con cái không có năng lực nhưng sẽ vào các trường đại học uy tín và chất lượng, nhiều phụ huynh không ngại tác động đến điểm thi của con cái họ trong các kỳ thi tuyển sinh.

Như vào tháng 7 năm ngoái, ông Futoshi Sano - cựu Cục trưởng Cục Chính sách khoa học và công nghệ thuộc Bộ Giáo dục và khoa học Nhật Bản cùng 2 cựu quan chức của Đại học Y khoa Tokyo bị bắt với cáo buộc lạm dụng chức quyền, nhận hối lộ. Ông Futoshi Sano đã cấp trợ cấp nghiên cứu cho Đại học Y khoa Tokyo vào năm 2017 để đổi lấy việc con trai ông có được điểm cao trúng tuyển vào trường đại học này.

Nhiều phụ huynh đeo bám trên của sổ trường học cao tầng là hình ảnh thường thấy tại các kỳ tuyển sinh đại học tại Ấn Độ. Ảnh: AP
Phụ huynh đeo bám trên cửa sổ trường học cao tầng để ném đáp án cho con là hình ảnh thường thấy tại các kỳ tuyển sinh đại học tại Ấn Độ. Ảnh: AP

Vụ việc trên gây sốc dư luận tại Nhật Bản. Một sinh viên năm cuối nói: “Thật không công bằng khi ai đó có thể vào trường đại học bằng cách sử dụng ảnh hưởng của phụ huynh”. Còn Chánh Văn phòng nội các Nhật - Yoshihide Suga nói vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân đối với Bộ Giáo dục Nhật.

Cũng trong năm ngoái, hàng nghìn giáo viên tại Anh bị phát hiện gian lận vì sửa điểm thi cho học sinh của họ. Gần 2.300 vụ vi phạm được nhân viên trong các tổ chức giáo dục thực hiện trong các kỳ thi từ năm 2012 đến 2016.

Sau đó, hơn 1.000 thí sinh bị hủy kết quả bài thi, 14 trường hợp khác bị đình chỉ thi. Trong khi đó, 581 giáo viên bị cảnh cáo, 113 người phải tham gia lại khóa đào tạo sư phạm và chỉ 83 người bị đình chỉ công tác vì vi phạm quy chế.

Gian lận thi cử là vấn đề đau đầu mà các nhà chức trách Ấn Độ không thể nào giải quyết dứt điểm. Mỗi năm, hàng triệu thí sinh Ấn Độ tham gia thi đầu vào tại các trường đại học. Như tại nhiều nước trên thế giới, các phụ huynh cho rằng chỉ có con đường đại học mới mang lại tương lai tươi sáng hơn cho con em. Vì thế, họ tìm mọi biện pháp để gian lận thi cử, giúp thí sinh làm bài được điểm cao.

Đặc biệt, hình ảnh phụ huynh Ấn Độ trèo cửa sổ phòng thi để ném bài cho con thường xảy ra trong khi các giám thị, cảnh sát trông coi, bảo vệ trật tự kỳ thi như bất lực. Hay phụ huynh chỉ cần trả 5 triệu đồng là con cái của họ sẽ được đường dây “mafia gian lận thi cử” gửi đáp án ngay khi bước vào phòng thi.

KIM OANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những vụ gian lận trong tuyển sinh gây chấn động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO