Ông Nguyễn Minh Xinh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiên Phước: Đặt kỳ vọng lớn vào Đại hội
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi Quảng Nam cùng với cả nước chung tay đẩy lùi và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19; đồng thời nỗ lực triển khai các biện pháp để phục hồi sản xuất kinh doanh, chăm lo ổn định đời sống Nhân dân. Vậy nên, tôi cũng như nhiều cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đặt kỳ vọng rất lớn vào nhiệm kỳ tới. Mong muốn Đảng bộ tỉnh có những giải pháp, quyết sách quan trọng để phát triển tỉnh Quảng Nam toàn diện, bền vững dưới tác động lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19. Cùng với đó, tiếp tục có các giải pháp căn cơ, tạo đột phá để phát triển vùng phía tây của tỉnh, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của khu vực trung du, miền núi... Phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 như định hướng đề ra.
Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân II (Núi Thành): Nghị quyết của Đại hội chính là lòng dân đang hướng tới
Tôi tin tưởng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII sẽ mở ra cho Quảng Nam nhiều hướng đi mới, khi quyết nghị nhiều vấn đề mang tính đột phá, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển hơn so với nhiệm kỳ qua. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII chính là lòng dân Quảng Nam đang hướng tới ở giai đoạn phát triển mới.
Sau đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII cần nhanh chóng đưa Chương trình hành động thực hiện nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống. Nghĩa là cần triển khai ngay Nghị quyết Đại hội đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp chúng ta có bước chạy đà tốt để có thể về đích sớm - hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Với thực tiễn của một địa phương có nền kinh tế nông nghiệp như một bệ đỡ giúp ổn định an sinh cho đời sống nông dân, tôi nghĩ thời gian tới, tỉnh cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Từ đó, có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển tương xứng, trong đó, tiếp tục ưu tiên đầu tư đồng bộ, phát huy tính hiệu quả của hạ tầng giao thông, thủy lợi; khuyến khích đổi mới sản phẩm nông nghiệp gắn với đầu ra ổn định. Hay nói cách khác là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Bà Lưu Thị Liễu - Người dân thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn: Đầu tư cho miền núi phải có trọng tâm và mang lại hiệu quả
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua đời sống người dân miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nâng lên đáng kể. Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ phát huy kết quả đạt được. Tiếp tục chia sẻ những khó khăn với người dân miền núi, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giao thông, mạng lưới điện, cơ sở vật chất trường lớp, y tế... để không bị lạc hậu so với các địa phương khác trên địa bàn. Tuy nhiên, theo tôi, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả cao. Trong đó, nên tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, đồng thời ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm hộ dân tộc thiểu số.
Vấn đề quan trọng nữa là chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - con vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế vườn - kinh tế trang trại, xây dựng các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả như trồng rau, cây dược liệu, nuôi heo bản địa... góp phần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống của người dân. Quan tâm giải quyết việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để người dân mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Ngành chức năng cũng cần đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng - Giáo viên trường THCS Lương Thế Vinh, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành: Phát huy nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục
Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác GD-ĐT, minh chứng là mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được quy hoạch, đầu tư xây dựng khang trang từ cấp mầm non đến THPT. Trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng không ngừng nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong nhiệm kỳ tới, tôi mong muốn Đảng bộ, chính quyền tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực giáo dục; mức lương dành cho giáo viên hiện nay tương đối thấp nên cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đây không phải là đòi hỏi quá đáng của giáo viên mà chính là sự trân trọng của xã hội đối với ngành giáo dục. Chỉ khi nào các thầy cô giáo không còn nặng gánh lo cơm áo gạo tiền thì lúc ấy giáo dục mới được trả về đúng giá trị của nó.
Theo tôi, người đứng đầu ngành giáo dục các cấp nên tìm kiếm giải pháp giảm tải hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Thời gian qua giáo dục cải cách rất nhiều, nhưng càng cải cách bao nhiêu thì số lượng hồ sơ dành cho giáo viên lại càng dày lên bấy nhiêu. Điều này khiến cho việc chuẩn bị giáo án của những “người đưa đò” bị phân mảnh, cắt xén bớt cho việc hoàn thành các loại hồ sơ theo quy định.
Hy vọng thời gian tới Đảng bộ tỉnh khóa mới chỉ đạo nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và hướng nghiệp cho thanh niên một cách hiệu quả nhất, đây là vấn đề hết sức quan trọng góp phần giải quyết bài toán về việc làm.Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cấp các trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là ở khu vực miền núi. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Người dân thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên: Tiếp sức hơn nữa cho nhà nông
Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng để hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, người nông dân vẫn gặp không ít khó khăn về nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa nông sản bấp bênh. Do vậy, để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mang tính cạnh tranh cao trên thị trường, người dân rất cần sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp, ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Tôi mong rằng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII tập trung nghiên cứu, thảo luận để ban hành nghị quyết một cách sát thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, quan tâm xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp, tư vấn lựa chọn cây - con giống chất lượng cao và nhất là đề ra quyết sách đúng đắn đi cùng với những chủ trương linh hoạt hơn để thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, nâng tầm chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời có những giải pháp mang tính căn cơ để giúp nông dân từng bước ổn định đầu ra nông sản. Nâng cao hơn nữa vai trò của Nhà nước trong giải quyết khó khăn ở khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm để nhà nông yên tâm sản xuất, gắn bó với ruộng đồng, góp phần cải thiện nguồn thu nhập, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...