LTS: Báo Quảng Nam nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong tỉnh hướng về Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, bày tỏ kỳ vọng, chia sẻ lòng mong mỏi và niềm tin vào sự phát triển toàn diện dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh ở nhiệm kỳ tới.
ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH: PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT, XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH
Với lịch sử ra đời và mục đích đấu tranh trong suốt quá trình hoạt động của Đảng, Nhân dân có niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, tán thành, hưởng ứng đường lối, chủ trương của Đảng - đường lối xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của Nhân dân. Khi Đảng biết đặt niềm tin vào Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng thì niềm tin của Nhân dân đối với Đảng tăng lên, khối đại đoàn kết được phát huy mạnh mẽ, góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển của địa phương.
Trong 5 năm đến, để tiếp tục tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, Nhân dân với Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của cả nước, cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm. Trước hết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, cần lắng nghe ý kiến, nghe sự phản hồi của Nhân dân để điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp. Trong quá trình phát triển kinh tế phải đi đôi với giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Chính quyền cần nhận thức và giải quyết tốt vấn đề về lợi ích trong đời sống xã hội làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết; bởi suy cho cùng, đoàn kết chỉ có được khi lợi ích chính đáng của các chủ thể trong xã hội, lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích chung và lợi ích riêng… được giải quyết hài hòa.
Thực hành và phát huy dân chủ rộng rãi bằng nhiều hình thức: Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Lắng nghe và có trách nhiệm trong giải thích, giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc trong Nhân dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, với sự thành tâm vì hạnh phúc Nhân dân. Đồng thời thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân. Cần phải nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Phải xây dựng tổ chức Mặt trận theo hướng thực chất, là hình ảnh tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân; tôn trọng sự khác biệt và phát huy những điểm tương đồng, với phương châm: Lấy việc nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân làm mục đích; lấy đại đoàn kết toàn dân tộc làm động lực phát triển; lấy lợi ích của đại đa số Nhân dân làm điểm tương đồng; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh làm nội dung trọng tâm. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận đi đôi với tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Cần bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách Mặt trận phải là những người có tâm huyết, năng lực và hiểu biết sâu sắc về công tác Mặt trận; có đạo đức; lề lối làm việc khoa học, chuyên nghiệp. Bởi, khi và chỉ khi cán bộ am hiểu sâu sắc về nhiệm vụ mình đang làm, đối tượng mình phụng sự, tổ chức mình đại diện mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
BAN TỔ CHỨC TỈNH ỦY: XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÁC CẤP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, ngoài tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả từng khâu trong công tác cán bộ. Trong đó, đánh giá, sử dụng cán bộ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, theo tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, theo chức danh, vị trí việc làm. Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ, làm tiêu chí cơ bản gắn với đẩy mạnh tinh thần tự giác nêu gương của cán bộ. Thực hiện tốt quy hoạch cán bộ, đảm bảo tính chủ động, tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; chú trọng quy hoạch cán bộ ở những ngành, lĩnh vực mũi nhọn, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để chuẩn bị đội ngũ cán bộ dự nguồn có chất lượng cao cho các cơ quan, đơn vị các cấp những nhiệm kỳ tiếp theo.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đào tạo bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng và vị trí việc làm. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương luân chuyển để đào tạo cán bộ trong thực tiễn; tăng cường luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ trẻ bố trí những địa bàn, lĩnh vực khó khăn để rèn luyện, thử thách, nâng cao bản lĩnh chính trị. Triển khai tốt chính sách cán bộ; rà soát, sàng lọc, thay thế những cán bộ, đảng viên suy thoái, không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Cùng với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác cán bộ trong tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực..., cần chủ động và tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch, cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác tổ chức xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ để báo chí, Nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ theo quy định. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích đổi mới, sáng tạo nhằm tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, dân chủ, phát huy tối đa năng lực cán bộ; đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tổ chức ở các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có đạo đức trong sáng, trung thực, tâm huyết, trách nhiệm; phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, khoa học; tự mình phấn đấu nêu gương, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, tính chuyên nghiệp, chấp hành kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực có hiệu quả trong công tác đề xuất, tham mưu, thẩm định cán bộ và công tác cán bộ.
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của vấn đề “then chốt”, là công việc quan trọng của Đảng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn vì công tác cán bộ là “công tác con người”. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên quyết, kiên trì tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
ĐẢNG BỘ HUYỆN TÂY GIANG: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP SẮP XẾP DÂN CƯ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI MIỀN NÚI
Qua gần 15 năm thực hiện, đến nay Tây Giang cơ bản hoàn thành sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích hơn 370ha, bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ/19.000 khẩu, tỷ lệ hơn 90%; tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Từ thực tiễn công tác sắp xếp dân cư trên địa bàn những năm qua, Đảng bộ huyện Tây Giang gửi đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII một số đề xuất, giải pháp nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác sắp xếp dân cư gắn với phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh.
Trước hết, phải tạo được sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là khối Dân vận - Mặt trận và vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu và hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tự nguyện hiến đất đai, hoa màu để san ủi mặt bằng, bố trí dân cư ổn định. Đồng thời thực hiện một cách chặt chẽ, thận trọng, từng bước tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Tỉnh cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đối với các huyện miền núi cao, nhất là đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông (giao thông kết nối các huyện, giao thông đến các điểm dân cư, đến khu sản xuất...). Có cơ chế khuyến khích, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại các huyện miền núi nhằm góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phù hợp với tâm lý người miền núi, vừa phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi cao của tỉnh. Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đồng thời có cơ chế đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng dân cư dọc tuyến biên giới nhằm tăng cường bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia và củng cố, xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định, hữu nghị và phát triển.
Đối với các huyện miền núi, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, khảo sát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp để tạo quỹ đất phát triển nông - lâm nghiệp bền vững, nhất là việc cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển dược liệu, du lịch. Quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, nhất là các huyện miền núi cao để triển khai việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có điều kiện liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, vừa bảo vệ phát triển rừng, vừa làm giàu chính đáng từ rừng.
Trong công tác lãnh đạo cần chú trọng phát triển văn hóa, gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc, thu hút đầu tư và du lịch. Từ đó, có những chủ trương, giải pháp cụ thể trong việc sắp xếp, bố trí dân cư để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nhất là văn hóa làng, văn hóa giữ rừng. Tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện theo mỗi cách khác nhau hoặc thực hiện theo ý chung nhưng không phù hợp dẫn đến phá vỡ văn hóa truyền thống.
Mỗi địa phương có những nét văn hóa riêng, điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù không giống nhau, nên trên cơ sở chủ trương, đường lối chung cần có những cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung mang lại đó là sự ổn định cuộc sống của người dân, vừa giữ được truyền thống văn hóa, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ông Nguyễn Tấn Lâm - Nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên: Phát huy dân chủ, xây dựng tập thể đoàn kết và vững mạnh
Trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, tôi cũng như nhiều người dân khác kỳ vọng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII thống nhất cao về tư tưởng, hành động và những quyết sách từ đại hội sẽ tiếp tục làm thay đổi cuộc sống của người dân. Tôi tin tưởng đại hội sẽ bầu những đồng chí đủ đức, đủ tài đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân vào ban chấp hành khóa mới. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII phải tiếp tục chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng; xác định rõ công tác cán bộ đóng vai trò then chốt trong xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, quyết định sự thành bại của mọi chủ trương, nghị quyết. Muốn vậy, chúng ta phải tạo nguồn quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, thông qua việc thường xuyên đổi mới đánh giá, sắp xếp, luân chuyển cán bộ dự nguồn về cơ sở để rèn luyện, đương đầu với thử thách. Qua đó lựa chọn được những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh, mạnh dạn đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, trọng dân, vì dân, luôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, người đứng đầu mỗi đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, mọi chủ trương, công việc phải đưa ra tập thể thảo luận, góp ý kiến và thông qua dựa trên sự đồng thuận, nhất trí cao. Kiên quyết bảo vệ mọi cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng để kịp thời phát hiện sai phạm và có hướng xử lý phù hợp… NHÃ PHƯƠNG - NGÔ PHI (ghi)
Ông Trà Tiến Tài - Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung (Nông Sơn): Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở
Tôi tin tưởng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII sẽ bầu được Ban Chấp hành khóa mới thật sự xứng đáng, tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng phát triển của Quảng Nam ở giai đoạn cách mạng mới. Đặc biệt, đối với công tác xây dựng Đảng, tôi kỳ vọng Tỉnh ủy (khóa XXII) sẽ có các quyết sách thể hiện sự quan tâm nhiều hơn nữa đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ cấp xã. Bởi lẽ cấp xã là nơi trực tiếp đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, là lực lượng dân vận lớn nhất của Đảng. Theo đó, cần có cơ chế thu hút và khuyến khích người trẻ có tài đức vào làm việc ở cấp xã; cùng với đó là ưu đãi chính sách để cán bộ xã đảm bảo được cuộc sống, yên tâm công tác, cống hiến; cũng là phù hợp với khối lượng công việc mà họ đang gánh vác ngày càng nhiều hơn. Thêm nữa, theo tôi việc ban hành các chính sách liên quan đến công tác cán bộ cơ sở cần có sự xem xét đánh giá tác động đối với đối tượng thụ hưởng... NG.ĐOAN (ghi)
Ông Trương Xuân Mai - Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn Xuân Định, xã Tam Đàn, (Phú Ninh): Cán bộ tốt thì nhiệm vụ gì cũng thành công
Cán bộ là gốc của phong trào. Cán bộ tốt thì nhiệm vụ gì cũng thành công. Nếu nghị quyết, phương hướng, nhiệm vụ đặt ra nhiều mà không có một đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có tầm thì cũng khó mà hoàn thành. Ở tỉnh ta, nhiệm kỳ vừa rồi, công tác cán bộ chủ chốt cấp tỉnh có lúc, có nơi chưa được hoàn thiện, Nhân dân còn băn khoăn, tâm tư xung quanh một vài câu chuyện về đội ngũ cán bộ. Qua kỳ đại hội lần này, với sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương và quyết tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tôi tin tưởng Quảng Nam sẽ có đội ngũ cán bộ cấp tỉnh tốt hơn, có tư duy, bản lĩnh để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ khóa XXII. Trên hết, tôi mong muốn các đồng chí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải hết sức công tâm, công bằng, đặc biệt là phải thấu hiểu Nhân dân. Phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, có đủ năng lực, trình độ nhưng phải vững về quan điểm chính trị, lập trường tư tưởng, trung với Đảng, phụng sự Tổ quốc, Nhân dân. Nhân dân chỉ tin vào Đảng chỉ khi họ tin và yêu cán bộ. VINH ANH (ghi)