Ai về Tiên Phước, ngoài chuyện ca tụng đặc sản lòn bon thì cũng nhắc câu “Nhứt gái Tiên Hà/ Nhì gà Tiên Lãnh…”. Chúng tôi cố tìm nguồn gốc xuất xứ của lời ca ấy nhưng chưa thấy sách sử nào ghi lại. Song lời truyền miệng đã đi vào tâm thức của bao thế hệ, lan tỏa cho đến ngày nay.
Khi lên xứ Tiên, chúng tôi tạm dừng chân nghỉ ở Eo Gió, cái nóng bỗng dưng dịu lại, hơi lạnh phả ra từ những tàn cây bên đường mặc những chòm nắng đang nhấp nháy dưới thung sâu. Khí hậu dịu mát khiến chúng tôi chợt suy đoán rằng con gái vùng này đẹp, da trắng chắc nhờ thời tiết ôn hòa, đất trời dung hợp. Nhưng thử nhìn xung quanh, hy vọng có thể tìm thấy đâu đó những “nàng Tiên” trong các ngôi nhà rải rác ven đường hay trên những vạt đồi đang nắng, chúng tôi chỉ bắt gặp vẻ hoang vắng của những cung đường chênh vênh, uốn lượn uyển chuyển theo sườn đồi, đẹp và đầy bí ẩn.
Tiên Hà nổi tiếng là “miền gái đẹp”. Ảnh: Vũ Công Điền |
Xung quanh chuyện “nhất gái Tiên Hà” cũng có nhiều lời đồn đoán. Nhiều bậc cao niên ở vùng đất này cho rằng, con gái xứ Tiên đẹp do di truyền từ nhiều thế hệ trước. Ngày xưa, xứ này còn biệt lập, những người giàu có trong vùng thường mời các gánh hát về phục vụ người dân. Trong số những diễn viên về đây, nhiều kiều nữ đã ở lại kết duyên với người bản địa. Vì vậy thế hệ sau này được thừa hưởng nhan sắc và tâm hồn phóng khoáng, đa sầu đa cảm của các đào kép xưa kia (?).
Ông Đỗ Tấn Như, Chủ tịch UBND xã Tiên Hà nói chuyện suy đoán để giải thích về cái “nhất” của con gái Tiên Hà thì nhiều. Tuy nhiên, một giải thích rất có cơ sở là câu chuyện từ thời chiến tranh: con gái Tiên Hà nổi tiếng gan dạ, dũng cảm. Ông Như cũng cho biết, xã Tiên Hà có 30 nữ liệt sĩ/240 liệt sĩ. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Tiên Hà còn ghi những chiến công, tinh thần chiến đấu ngoan cường của phụ nữ địa phương. Như tại thôn Tiên Tráng có bà Huỳnh Thị Hữu, cán bộ chi hội phụ nữ thôn trong khoảng 1969-1973, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công tác được giao, động viên chồng và 4 người con tham gia công tác cách mạng. Ngoài ra, bà còn vận động chị em phụ nữ đấu tranh trực diện với địch chống đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, xúc tát dân vào các khu dồn. Trong một trận chống càn, một số bộ đội ta lọt vào vòng vây của địch đã được bà Hữu đưa xuống hầm trú ẩn. Bọn Mỹ phát hiện, bắt bà phải xuống hầm để chúng xuống theo, nhưng bà kiên quyết đứng ngay tại miệng hầm giằng co với chúng, tạo thời cơ cho bộ đội thoát khỏi hầm theo ngách ra ngoài vườn. Tức tối vì bị cản lối, bọn Mỹ nổ súng giết bà.
Đến trung tâm xã Tiên Hà thấy một quán nhỏ đang níu chân khách bởi sự xởi lởi của bà chủ tên Thu. Chị đang luôn tay phục vụ bữa trưa cho học sinh ở xa không về nhà sau giờ học buổi sáng. Những giọt mồ hôi rịn ra trên trán như muốn khuấy động những nét vui tươi trên gương mặt. Chị cứ van nài khi chúng tôi đưa máy ảnh lên: “con gái Tiên Hà ai cũng đẹp trừ chị ra, nên đừng chụp!”. Chị Thu tuổi đã ngoài bốn mươi mà vẫn còn mặn mà lắm. Da trắng, dáng cao, gương mặt sáng sủa. Chả trách chị Trịnh Thị Thúy Liễu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Hà, luôn tấm tắc với chúng tôi về chị Thu. Theo chị Liễu, phụ nữ xứ này sinh ra đã có làn da đẹp. Cái đẹp của phụ nữ Tiên Hà ở vẻ bên ngoài chỉ một phần, có ở lâu, tiếp xúc nhiều mới cảm nhận được… “Cái câu “nhất gái Tiên Hà…” có từ xa xưa, tôi không biết nó bắt đầu từ đâu và không biết “nhất” về cái gì. Nhưng ở đây có rất nhiều người nổi trội về ngoại hình, về khả năng giao tiếp xã hội. Tiên Hà cũng được biết đến là địa phương có nhiều phụ nữ giỏi giang, chịu thương chịu khó, vượt qua khó khăn trong cuộc sống để vươn lên. Địa phương có không ít tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào làm ăn kinh tế, hoạt động đoàn thể…” – chị Liễu nói.
Chưa có cuộc thi sắc đẹp nào để khẳng định con gái Tiên Hà là nhất, nhưng dẫu sao câu ca truyền tụng lâu đời trong dân gian đã cho thấy “thương hiệu” đất và người bên dòng sông Tiên…
MINH ĐỨC - HỮU PHÚC