Thật may mắn khi tôi có mặt trong hải trình đến với Trường Sa. Một chuyến đi thỏa những đợi chờ, thỏa niềm mong của tôi và rất nhiều đồng nghiệp.
Đi để nhớ, để hiểu, để yêu thêm đất Việt nơi đầu sóng, để cuộn trào niềm tự hào chủ quyền giữa khơi xa. Những kỷ niệm về chương trình phát thanh trên tàu 561, về những chàng lính hải quân nơi đầu sóng đẹp như một món quà.
Bản tin lúc 21 giờ
Không sóng wifi, không mạng di động, những ngày lênh đênh trên biển theo hải trình đến với Trường Sa thực sự là trải nghiệm khó quên cho mỗi người làm báo. Chúng tôi đã sống với nhau trên con tàu 561 suốt 19 ngày như một gia đình, và cũng từ những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng tác nghiệp ấy, chương trình phát thanh nội bộ trên tàu 561 ra đời…
“Đây là chương trình phát thanh nội bộ từ tàu 561 hải quân!”, giọng đọc của nhà báo Trần Hoài Thu (kênh truyền hình VTV8) vang lên trên hệ thống loa truyền thanh nội bộ của tàu 561 dần thân thuộc với mỗi thành viên trong suốt chuyến đi dài. Đúng vào lúc 21 giờ mỗi tối, một bản tin “cây nhà lá vườn” được chúng tôi sản xuất, phát trực tiếp ngay trên cabin tàu. Đứng ở bất kỳ nơi nào trên tàu, cũng đều nghe rõ giọng đọc của từng thành viên trong ê-kip, mà chúng tôi hay gọi đùa là những người “nói qua loa”. Những ngày không internet, không sóng điện thoại, chương trình phát thanh nội bộ bỗng được tất cả đón chờ. Vừa là những tin tức hoạt động của tàu do chính chúng tôi tác nghiệp ghi nhận, vừa có cả văn nghệ, đọc thơ, đọc truyện. Riêng chương trình văn nghệ, ngoài những bài hát được thu sẵn về biển đảo, chúng tôi còn “tự biên tự diễn” với cây đàn guitar mà nhà báo Võ Công Danh Việt mang theo lên tàu. Những bản tin viết vội, đôi khi còn “sạn”, song cũng đủ gói gọn hoạt động trong một ngày.
Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên tổ chức thực hiện, tổ chương trình bố trí Gia Hân, thành viên của Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương ngồi sát nhà báo Trần Hoài Thu, sẵn sàng tiếp quản bộ đàm khi chị Thu “không ổn” vì say sóng. Và rồi như dự tính, chị Thu “không ổn” thật, nhưng vẫn cố gắng đọc nốt đoạn giới thiệu bài hát để rồi vội chạy đi khi cơn buồn nôn ập đến. Cứ từng ngày, từng ngày như thế, đều đặn lúc 21 giờ, bản tin vang lên không chỉ là một niềm vui nho nhỏ cho hàng trăm cán bộ chiến sĩ trên tàu 561 dịp thay thu quân cuối năm, còn tạo nên một nỗi mong chờ cho chúng tôi mỗi đêm trong suốt cả hành trình dài. Đôi khi, kết thúc bản tin là lời chúc mừng sinh nhật cho ai đó có ngày sinh đúng vào hôm “phát sóng”. Và đặc biệt nhất là đêm Tết dương lịch trên biển, chúng tôi đã cùng vui hát với nhau trên boong tàu trong chương trình văn nghệ, cùng chia nhau ly rượu mừng mà bộ phận phục vụ đã chu đáo chuẩn bị sẵn từ đầu chuyến đi, và rồi lúc chia tay nhau về phòng, 21 giờ, bản tin nội bộ vang lên với lời cầu chúc mọi điều an lành cho chuyến đi, cho năm mới 2020.
Suốt hải trình, chúng tôi chia nhau từng niềm vui bé mọn như thế. Có lần tàu hành quân trong đêm, anh em tổ chương trình quây lại bên nhau, nghe rõ tiếng sóng rào rạt đập vào tàu. Tàu rẽ sóng, chúng tôi ngồi ngay bên kíp trực lái tàu, vài thành viên trong kíp trực nói, thật may mắn vì họ được nghe trực tiếp chúng tôi đọc, hát, và cũng hòa giọng khi bài hát vang lên trong chương trình văn nghệ. Khoảnh khắc ấy đầm ấm như một gia đình!
Hòn bi ve trên đảo Phan Vinh
Không có nhiều thời gian trên đảo, nên mỗi lần được lên đảo, anh em báo chí tranh thủ từng phút một để tác nghiệp. Chúng tôi dạo quanh đảo cố ghi lại hết từng góc ảnh, từng khung hình, gặp thật nhiều người để phỏng vấn, tranh thủ đọc cả những tài liệu, sách vở trong phòng đọc của đảo. Trên tàu cũng vậy, anh em không bao giờ chịu ở yên trong phòng. Buồng lái, nhà ăn, sau cabin - nơi các anh em thường ngồi câu cá đêm, chỗ nào cũng có thể bắt gặp những hình ảnh, câu chuyện đầy thú vị. Tôi nhớ tiếng đàn guitar của chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Thành. Thành sinh năm 1998, quê Đồng Nai, là tân binh trạm ra đa trên đảo Phan Vinh đợt thay thu quân. Khi lên đường, Thành mang theo cây đàn guitar cũ và chiếc kèn harmonica, trưa nào cũng nghêu ngao đàn hát bên lan can tàu. Chỗ Thành ngồi, vô tình thành một “sân khấu” đặc biệt với khán giả là chúng tôi và đồng đội của Thành, tiếng đàn, tiếng hát hòa cùng tiếng sóng…
Hôm xuống đảo Phan Vinh, trạm ra đa nhận chiến sĩ mới với “tiết mục” kiểm tra quân tư trang theo quy định. Đứng giữa đoàn tân binh, thứ mà Ngô Thành Sơn (SN 2001, quê Cam Lâm, Khánh Hòa) mang theo, ngoài những vật dụng quy định, còn có một hòn bi ve. Nhà báo Mai Thanh Hải (báo Thanh Niên), người đã ngồi cùng Sơn suốt buổi trưa ấy ở đảo kể lại, rằng nhà Sơn nghèo, đông anh em, học lớp 9 thì nghỉ, đi làm nghề sơn nước, cửa sắt để phụ cha mẹ. Xứ Cam Lâm đầy cát cháy, tuổi thơ của Sơn ngoài giờ đi làm, chỉ dăm ba trò bắn bi, đuổi bắt. Vào bộ đội, ngoài mấy trăm nghìn mà bố mẹ dúi cho dặn mua thêm ít đồ đạc, Sơn mang theo cả hòn bi ve lấp lánh của bọn nhóc hàng xóm, như một kỷ vật ấu thơ của mình. Trước khi theo tàu 561 ra đảo, Sơn gửi tiền về quê nhà, trong đó có cả mấy trăm nghìn mà bố mẹ đã dúi cho cậu ngày vào lính. “Ra đảo, có tiêu tiền gì đâu mà giữ, mình gửi hết cho bố mẹ rồi. Mình cầm viên bi theo, ra đây có cái mà nhìn cho đỡ nhớ nhà, nhớ ba mẹ” - Sơn cười. Lấp lánh trong mắt cậu lính trẻ, là niềm mong về quê nhà giữa trùng khơi, là thao thiết nhớ về ngôi làng nhỏ mù mịt cát bay, khó nghèo nhưng cất giữ cả một trời thơ ấu. Và lấp lánh cả niềm tin nữa, như hòn bi ve trong vắt kia, giữa buổi chiều trên đảo Phan Vinh lồng lộng gió.
Chia tay nhau, những chàng lính trẻ cứ vẫy tay không dứt nơi cầu tàu. Cứ thế, chúng tôi lần lượt đặt chân đến Đá Lớn, Len Đao, Sinh Tồn, Núi Le, Phan Vinh..., những chấm nhỏ xíu trên hải đồ nhưng lại là phần máu thịt của hình hài Tổ quốc. Mười chín ngày trên biển, không chỉ là hình ảnh, là thông tin, chúng tôi còn mang về cho riêng mình thêm thật nhiều kỷ niệm...