Niềm tin du lịch Quảng Nam

VĨNH LỘC 16/01/2022 04:57

Gần như du lịch bị đại dịch Covid-19 kéo lùi về vạch xuất phát, tuy nhiên với những giá trị bản địa cùng sự năng động, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, niềm tin về sự phục hồi du lịch Quảng Nam vẫn cháy bỏng.

Du khách tại Hội An. ảnh: L.T.K
Du khách tại Hội An. ảnh: L.T.K

Nền tảng vượt khó

Kể từ ngày tái lập tỉnh, đây không phải lần đầu tiên du lịch Quảng Nam đối diện khó khăn, thách thức. Chỉ riêng giai đoạn 2003 - 2008, du lịch Quảng Nam đã không dưới 3 lần bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và suy thoái kinh tế như đại dịch SARS (2003), khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dịch H5N1 (2008)… dù không nặng nề và dai dẳng như hiện nay nhưng cũng khiến hoạt động du lịch đứt gãy trước khi phục hồi, tăng tốc.

Hành trình từ KHÔNG đến CÓ

Nếu năm 1997 Quảng Nam đón khoảng 200 nghìn lượt khách tham quan thì hơn 20 năm sau số khách đã tăng lên gần 8 triệu lượt. Giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng bình quân về lượt khách du lịch toàn tỉnh đạt 19,27%/năm, thu nhập xã hội từ du lịch tăng bình quân 24,53%/năm.

Đến năm 2019 số khách tham quan lưu trú tại Quảng Nam đã đạt 7,79 triệu lượt; giải quyết việc làm cho hơn 14 nghìn lao động trực tiếp cùng hàng chục nghìn lao động gián tiếp. Đóng góp của du lịch vào GRDP tỉnh trong năm 2019 ước đạt 7,1%, bước đầu “tiệm cận” với tiêu chí của ngành kinh tế mũi nhọn (10%).

Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An nhớ lại, để phục hồi du lịch, sau mỗi lần khủng hoảng, TP.Hội An và ngành du lịch đều tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu như giảm phí tham quan, tổ chức sự kiện, lễ hội, xây dựng sản phẩm mới… nhằm thu hút khách trở lại.

“So với trước, lần này du lịch Quảng Nam có thể chậm phục hồi hơn, nhưng với nhiều giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của các bên liên quan, tôi tin tất cả sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường” - ông Phùng chia sẻ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng du lịch Quảng Nam đang có những tín hiệu tích cực, một vài doanh nghiệp cũng đã và đang bắt đầu khởi động lại kế hoạch kinh doanh, đón khách.

Ông Lê Quốc Việt - chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An nói, ông có niềm tin du lịch sẽ sớm phục hồi. Yếu tố tạo nên sự lạc quan đó chính là nền tảng văn hóa bản địa và khả năng thích ứng của doanh nghiệp.

Từ năm 2020, ông Lê Quốc Việt cùng các doanh nghiệp lưu trú tại phường Cẩm An (Hội An) đứng ra thành lập chợ phiên Làng chài Tân Thành (nay là Hợp tác xã Làng chài Tân Thành) như là sản phẩm du lịch mới lạ.

Ông Việt cũng là một trong 6 chủ doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ “Điểm đến Quảng Nam - Gìn giữ giá trị bản địa” với ký kết hợp tác chiến lược như là hướng đi mới nhằm phát huy các giá trị tổng hợp Quảng Nam từ rừng đến biển.

Lạc quan du lịch Quảng Nam

Có thể khẳng định, điểm nhấn đưa du lịch Quảng Nam từ vùng lõm trở thành một trong các trung tâm du lịch lớn cả nước chính là dấu mốc tháng 12.1999 khi UNESCO công nhận Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là di sản văn hóa thế giới.

Danh hiệu này đã tạo bước ngoặt lớn thay đổi diện mạo du lịch Quảng Nam với mức tăng trưởng bình quân gần 20%/năm, riêng giai đoạn 2000 - 2005 tốc độ tăng trưởng ước khoảng 50%.

Những du khách quốc tế trở lại Hội An sau 2 năm mang đến tín hiệu lạc quan về du lịch phục hồi. Ảnh: V.LỘC
Những du khách quốc tế trở lại Hội An sau 2 năm mang đến tín hiệu lạc quan về du lịch phục hồi. Ảnh: V.LỘC

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh lợi thế của 2 di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Quảng Nam còn có vị trí rất thuận lợi khi nằm giữa hai sân bay Chu Lai và Đà Đẵng với hệ thống giao thông thuận tiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, ngay từ đầu Quảng Nam đã biết chọn hướng đi riêng dựa trên những lợi thế đặc thù. Bên cạnh các giá trị di sản, việc thúc đẩy du lịch làng nghề, làng quê, dựa vào cộng đồng theo hướng sinh thái văn hóa đã giúp không gian du lịch dịch chuyển ra vùng ven, trong đó Hội An là điển hình nổi bật. Những cái tên như làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rừng dừa nước Bảy Mẫu, An Bàng, Tân Thành… đã trở thành thương hiệu quen thuộc với du khách.

Đến nay, không gian du lịch Quảng Nam không còn bó hẹp ở 2 di sản Hội An, Mỹ Sơn mà đã mở rộng về phía nam cũng như lan tỏa đến vùng núi rừng, biển đảo.

Ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, với những nền tảng, tài nguyên đa dạng cùng sự quyết tâm, quyết liệt của các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo UBND tỉnh, du lịch Việt Nam, Quảng Nam chắc chắn sẽ hồi phục trong năm 2022 và phát triển ổn định vào năm 2023.

“Tín hiệu đáng quan tâm nhất hiện nay là các chuyến bay nội địa và đường bay thương mại quốc tế đã bắt đầu mở rộng, một số doanh nghiệp lữ hành lớn cũng đang đẩy mạnh việc xúc tiến, ký kết hợp đồng đưa khách về Việt Nam nên tôi tin du lịch Quảng Nam sẽ sớm phục hồi” - ông Hồng chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm tin du lịch Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO