Theo dòng chảy thời gian, trải qua 90 năm Đảng bộ Điện Bàn luôn vững vàng ở mọi hoàn cảnh, tạo dựng được niềm tin vững chắc bằng việc lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn lịch sử.
Giành độc lập, tự do
Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của phủ Điện Bàn ra đời vào ngày 5.4.1930, gồm 3 thành viên do đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư. Bốn tháng sau, Phủ ủy Điện Bàn được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn.
Thời gian đầu, Đảng bộ non trẻ này bị thực dân Pháp và tay sai phong kiến ra sức khủng bố, đàn áp, nhiều đảng viên và quần chúng ưu tú bị bắt, chịu cực hình tra tấn, bị giết hại hết sức dã man. Nhưng với ý chí kiên cường, vững một niềm tin son sắt của người chiến sĩ cộng sản, Đảng bộ vẫn giữ được sự lãnh đạo, luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với phong trào cách mạng chung của tỉnh, của cả nước để xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng nhằm chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Điện Bàn là một trong những địa phương của tỉnh giành chính quyền sớm nhất.
Giai đoạn 1945 - 1975, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã chịu biết bao hy sinh, tổn thất tưởng chừng không thể vượt qua. Tuy vậy, trong 9 năm chống Pháp, Đảng bộ vẫn “bám rễ” trong lòng dân, vừa xây dựng lực lượng, vừa phát triển phong trào.
Quân và dân Điện Bàn đã viết lên biết bao chiến công hiển hách, đỉnh cao là phối hợp tiến công tiêu diệt quân Pháp tại cứ điểm Bồ Bồ đêm 19 rạng sáng 20.7.1954, tạo nên trận “Điện Biên Phủ” trên chiến trường Quảng Nam.
Chiến thắng Bồ Bồ là đỉnh cao của thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp bộ đội chủ lực và du kích chiến. Chống Pháp thắng lợi, nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ngụy kéo dài 21 năm. Điện Bàn đã cùng đồng bào miền Nam chống quốc sách “tố cộng”, “diệt cộng”, “ấp chiến lược”; đánh thắng các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân Điện Bàn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân nguyện chung lời thề: “Nhà tan, cửa nát cũng ừ, quyết tâm đánh Mỹ cực chừ, sướng sau”. Sức mạnh chiến tranh nhân dân được phát huy mà đỉnh cao là tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 29.3.1975.
Khôi phục và phát triển
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, hơn 18.920 người con ưu tú của Điện Bàn đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường. Với bao thành tích vẻ vang, ngày 20.10.1976, Điện Bàn được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn thị xã có 25 tập thể và 82 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 3.117 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tên đất và người Điện Bàn mãi mãi là tượng đài chiến thắng vang danh với non sông, đất nước như: chiến thắng Bồ Bồ, Dũng sĩ Điện Ngọc, Mẹ Thứ, Mẹ Cộng, Anh Trỗi, Chị Lý, Chị Vân...
Hòa bình lập lại, Điện Bàn chịu hậu quả hết sức nặng nề của chiến tranh với 10/12 nghìn héc ta đất canh tác bị hoang hóa, đầy rẫy bom mìn; 97/114 thôn bị cày ủi sạch. Trong khoảng 3 vạn người từ thành phố trở lại quê hương đã có đến 2 vạn người thuộc diện cứu đói; hơn 35 nghìn người chết và hơn 17 nghìn người bị thương tật, hàng nghìn trẻ em mồ côi không nơi nương tựa...
Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ Điện Bàn đã đoàn kết một lòng, tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo nhân dân vượt qua chặng đường đầy gian khó để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, giải quyết cái ăn, cái mặc, chuyện học hành, khám chữa bệnh cho nhân dân. Qua 45 năm xây dựng quê hương, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Điện Bàn đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
Ông Đặng Hữu Lên - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Điện Bàn chia sẻ, năm 2005 Điện Bàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo hoàn thành xây dựng Điện Bàn cơ bản trở thành huyện công nghiệp vào năm 2010; được công nhận là thị xã vào năm 2015.
Cũng trong năm 2015, Điện Bàn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý “Huân chương Độc lập hạng Nhì” và xây dựng thành công “Thị xã nông thôn mới”.
Đến cuối năm 2019, tổng giá trị sản xuất toàn thị xã ước đạt 26.461 tỷ đồng; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 81,55%. Thu nội địa đạt 2.572 tỷ đồng, là địa phương tốp đầu trong thu ngân sách của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53,05 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%. Giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường.
Chín mươi năm đã đi qua, kể từ khi tổ chức đảng đầu tiên ra đời với 3 đảng viên, năm 1975 có 958 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ Điện Bàn có 76 tổ chức cơ sở đảng với gần 7.000 đảng viên. Đây chính là hạt nhân lãnh đạo, là lực lượng đi đầu trên mọi lĩnh vực hoạt động, góp phần đảm bảo hoàn thành các mục tiêu mà nghị quyết Đảng bộ thị xã đề ra.
“Tự hào, tri ân thế hệ đi trước, trách nhiệm với thế hệ mai sau, Đảng bộ thị xã Điện Bàn hôm nay càng thấy rõ hơn vai trò của mình, nguyện xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy truyền thống quê hương, kế thừa thành quả đã đạt được, tiếp tục lãnh đạo xây dựng thị xã ngày càng văn minh, giàu đẹp, tạo nền tảng vững chắc để trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030” - ông Đặng Hữu Lên bày tỏ.
KÝ ỨC VÀ CẢM NHẬN
* Ông Tống Thú (khối phố Ngọc Tam, phường Điện An) có 100 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng:
Là một đảng viên, Đảng giao việc gì thì mình sẵn sàng làm. Dù có hy sinh đi chăng nữa, bản thân cũng cứ làm, làm cho được việc của cách mạng, cho dân tộc. Đó là tinh thần cách mạng của người cộng sản. Tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chiến tranh dẫu cho tàn khốc đến đâu, hy sinh đến mấy thì lớp trước ngã xuống, lớp sau hăng hái xông lên, bất kể mưa bom, bão đạn… Cho nên, Điện Bàn được một tiếng vang, là địa phương đi đầu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
* Ông Nguyễn Văn Sỹ - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Điện Bàn (nay là Thị ủy Điện Bàn):
Trong các cuộc chiến tranh, Điện Bàn có nhiều tấm gương tiêu biểu, dũng cảm, anh hùng. Và trong thời bình, tinh thần ấy tiếp tục được phát huy tối đa. Đội ngũ cán bộ, đảng viên lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ đều hăng hái thực hiện. Các phong trào về khai hoang phục hóa, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, quy tập mồ mả… đều được cán bộ, đảng viên lao vào cuộc để vận động nhân dân cùng tham gia. Nhờ thực hiện tốt các phong trào này, cho nên đã tạo được một niềm tin rất lớn trong nhân dân. Có thể khẳng định, những phong trào thời kỳ đó như là phong trào cách mạng hết sức mạnh mẽ, thôi thúc được quần chúng nhân dân thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng theo chủ trương Đảng bộ đề ra.
* Ông Nguyễn Phi Kiên (người con làng Cẩm Lậu, xã Điện Phong) 80 tuổi đời, hiện sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh:
Năm nay 80 tuổi, nhưng tôi đã hơn 60 năm rời quê hương đi lập nghiệp. Dù ở nơi xa, hằng năm tôi đều về thăm quê. Mỗi lần về, tôi lại thêm một lần cảm nhận sự phát triển của quê hương. Con em trong độ tuổi đều được đến trường; trạm y tế, bệnh viện đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Từ lúc Điện Bàn lên thị xã, diện mạo các phường, các xã nông thôn mới chuyển biến không ngừng, vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” trở thành một làng quê đáng sống, là ký ức đẹp cho những ai xa quê như tôi.
* Ông Hồ Viết Dân (thôn Đông Lãnh, xã Điện Trung), 90 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng:
Trong chiến tranh, Điện Bàn bị tàn phá nặng nề. Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân tập trung vào kiến thiết xây dựng quê hương, xóm thôn được chỉnh trang quy hoạch, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp được triển khai rầm rộ. Đặc biệt, chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt nông thôn, đô thị đổi thay từng ngày. Những tuyến đường giao thông rộng rãi được nhựa hóa, bê tông hóa nối liền thông suốt giữa các địa phương. Ngày xưa bà con gặt lúa bằng tay, bây giờ có máy cày làm đất, máy gặt đập liên hợp, vừa giải phóng được sức lao động cho nông dân, đồng thời giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Kinh tế đi lên, nhà cửa được kiên cố hóa khang trang, có đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Trường học được kiên cố hóa, các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được đầu tư, chất lượng dạy và học nâng lên. Nhìn lại, tôi thấy phấn khởi lắm! (P.LỘC - K.KHIÊM)