Niềm tin và hy vọng trên giai phẩm Xuân Tân Sửu

CHÂU NỮ 14/02/2021 20:04

(QNO) - Trên giai phẩm Xuân Tân Sửu, các báo trong nước đều đăng tải nhiều bài viết, thông tin về khát vọng và tin tưởng vào tương lai của Việt Nam trong năm 2021, bởi lẽ năm Canh Tý - 2020 khép lại trong bối cảnh có nhiều thăng trầm, biến động do thiên tai và dịch bệnh Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn vượt qua và tiếp tục tăng trưởng nhiều mặt.

Đọc báo ngày tết tại Thư viện Quảng Nam. Ảnh: C.N
Đọc báo Xuân Tân Sửu tại Thư viện tỉnh. Ảnh: C.N

Theo báo Nhân dân, Xuân Tân Sửu này là mốc son lịch sử trên chặng đường dựng xây đất nước, xuân của khát vọng và phát triển. Còn xã luận “Khát vọng vươn lên” trên báo Quân đội nhân dân nhìn nhận, thành tựu của năm 2020 là “cơ sở cho khát vọng dân tộc cường thịnh ngày càng được củng cố, bồi tụ”.

Nhiều tờ báo đặt kỳ vọng cho giai đoạn tăng trưởng mới khi năm 2020, Việt Nam “vượt qua thử thách” với mức tăng trưởng kinh tế 2,91% - một mức tăng khá cao so với thế giới.

Với việc vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng kinh tế trong năm 2020, Thời báo kinh tế Sài Gòn nhận định: “Giai đoạn vừa qua, đặc biệt là năm 2020, chứa đựng rất nhiều những thành công trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô và quản lý đất nước của Chính phủ. Đó cũng là nền tảng cho những điểm sáng về kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước trong thập niên tới. Chúng tôi cho rằng, một giai đoạn phát triển và vận hội mới đang đặt ra cho Việt Nam” (bài “Động lực kinh tế năm 2021”).

Báo tết trưng bày tại Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ. Ảnh: C.N
Báo tết trưng bày tại Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ. Ảnh: C.N

Giai phẩm xuân: Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Quảng Nam… đều có chuyên đề về người trẻ với những cơ hội, sứ mệnh, kỳ vọng dành cho họ. Báo Tuổi trẻ cho rằng, sau một năm đầy biến động của 2020, nhiều người tin thế giới sẽ vận hành, thay đổi theo cách khác. Vì thế, những kỳ vọng về một thế giới trong tương lai cũng sẽ khác rất nhiều.

Một số nhà khoa học, CEO… trẻ tuổi “vẽ” chân dung một Việt Nam của tương lai 2040 trên báo Tuổi trẻ, như GS. Dương Quang Trung công tác tại Đại học Queen’s University Belfast (Vương quốc Anh) với sứ mệnh 6G; PGS-TS. trẻ Trần Xuân Bách giữ sứ mệnh tập hợp, thu hút trí thức trẻ cùng dựng xây đất nước.

Bên cạnh bài phỏng vấn “Người trẻ sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phồn thịnh của đất nước”, báo Thanh niên có chùm bài viết “Người trẻ thích nghi để phát triển” như: Thay đổi suy nghĩ của người trẻ; Từ tự học đến huy chương bạc Olympic; Gọi vốn thành công nửa triệu USD…

Tương tự, báo Quảng Nam có chuyên đề “Người trẻ dựng quê hương” với bài viết về những gương mặt trẻ của xứ Quảng vừa nổi tiếng vừa quen thuộc như siêu trí tuệ Việt Nam - Nguyễn Thục Nữ, diễn viên Lý Hồng Ân, hay những nhà khoa học trẻ: TS. Hồ Thanh Tâm, PGS-TS. Bùi Quốc Tính…

Trưng bày báo tết tại Thư viện tỉnh. Ảnh: C.N
Một gian trưng bày báo tết tại Thư viện tỉnh. Ảnh: C.N

Năm 2020 Việt Nam biến động bởi thiên tai, dịch bệnh. Giai phẩm xuân của các báo dành dung lượng nhất định cho chủ đề này, đặc biệt là việc Việt Nam kiềm chế thành công đại dịch.

Trong chuyên đề “Covid-19, những điều chưa kể”, trên báo Người lao động, các chuyên gia y tế đầu ngành nhận định, đây là “trận chiến” đặc biệt của Việt Nam, vì là “cuộc chiến” không giống ai, những quyết định chưa có tiền lệ; và “nhân vật” của năm 2020 chính là… chiếc khẩu trang.

Nhiều nghệ sĩ, tác giả trẻ chia sẻ với báo Tiền phong về những biến cố trải qua trong năm 2020 và họ đã vượt qua cũng như hy vọng, lạc quan vào ngày mai, kể cả “Nếu tết này, con không về”, vì Covid, thì “quê nhà cũng không vì thế mà thiếu đi những hương vị của Tết”. Báo Thanh niên có bài “Đón xuân ở lều dã chiến phòng chống dịch Covid-19”, báo Nhân dân hy vọng “Cơ hội trong “bình thường mới””...

Những câu chuyện chống lũ, dựng lại cuộc sống sau lũ ở miền Trung cũng được ghi lại trên các báo. Những chuyện dở khóc, dở cười trong hành trình cứu hộ được lực lượng chức năng kể lại trên báo Thanh niên hay tác phẩm “Dông bão đi qua người còn của cũng phải còn” là cuộc trò chuyện với chuyên gia về giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy trên báo Tuổi trẻ.

Năm Sửu, nhiều chuyện kể, sáng tác liên quan con trâu trên giai phẩm Xuân khá thú vị. Báo Tiền phong với “Làng không ăn thịt trâu” (làng Trường Sơn, tỉnh Gia Lai); báo Nhân dân hằng tháng với “Ai bảo chăn trâu là khổ”; báo An ninh thế giới với “Con trâu sờ đâu cũng thuốc”; báo Người lao động có chuyên đề “Trâu ơi, ta bảo trâu này”; hay truyện ngắn “Con trâu trắng trên bầu trời xanh” của nhà văn Nguyễn Một trên báo Văn nghệ... 

550 năm tiếp nối hành trình mở

Là nội dung chính trên đặc san báo Quảng Nam Xuân Tân Sửu, để nhắc nhớ về lịch sử hình thành vùng đất “mở rộng về phương Nam”, khi vua Lê Thánh Tông lập đạo thừa tuyên Quảng Nam (1471). Từ đây, Danh xưng Quảng Nam xuất hiện trong lịch sử mở nước của tiền nhân, gắn với dòng chảy của lịch sử dân tộc.

550 năm tiếp nối hành trình mở trên Báo Quảng Nam. Ảnh: C.N
“550 năm tiếp nối hành trình mở” trên báo Quảng Nam. Ảnh: C.N
“Sau 550 năm, tiếp tục mở cánh cửa vào xuân mới, từ tư duy đến hành động thực tiễn của người Quảng cần khơi lên khát vọng đổi mới và sáng tạo không ngừng để làm cho quê hương hạnh phúc và phồn vinh” (bài “550 năm tiếp nối hành trình mở”).
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm tin và hy vọng trên giai phẩm Xuân Tân Sửu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO