Nói chuyện không vui nhân “ngày của mình”, e không hợp và mất sướng. Tuy nhiên, “nhìn lại chính mình” để hoàn thiện và để xứng đáng với niềm tin của độc giả có thể được xem là sự tử tế của báo chí vậy.
Phóng viên Báo Quảng Nam cùng các em nhỏ làng biển xã Bình Hải - Thăng Bình. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Định hướng dư luận là trách nhiệm của báo chí. Bên cạnh việc trở thành diễn đàn tin cậy của nhân dân bằng những thông kịp thời, khách quan, trung thực; tình trạng báo chí thông tin sai sự thật đã gây tác động xấu trong xã hội và làm giảm sút niềm tin của bạn đọc đối với báo chí. Sau rất nhiều thông tin không trung thực, thiếu nhân văn của báo chí trong thời thời gian gần đây, người đọc báo, nghe đài, xem truyền hình không khỏi phân vân, hoài nghi với một số nội dung/vấn đề báo chí phản ánh.
Thường, trước kia, khi kể lại một câu chuyện khó tin nào đấy, để thuyết phục người nghe hoặc thêm phần xác tín, thường nghe: “Báo A, B, C… đưa tin vậy đó”. Nay, nếu bạn dẫn nguồn từ báo chí, sẽ dễ dàng nghe câu: “Đài nói láo, báo nói thêm, khó tin lắm”. Rồi sau đó dẫn chứng một loạt thông tin báo chí đưa sai sự thật, thiếu kiểm chứng, rồi cải chính, đính chính, xin lỗi. Có lẽ do thông tin sai lệch, phiến diện, thiếu khách quan, không trung thực, tô hồng hoặc bôi đen quá mức, thậm chí bịa đặt hoàn toàn đã khiến bạn đọc ngày càng mất niềm tin vào báo chí. Chính vì những thông tin như thế nên thời gian qua, nhiều tờ báo bị xử phạt. Chỉ trong năm 2015, Bộ Thông tin và truyền thông xử phạt 33 lượt cơ quan báo chí với hơn 1,5 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm nay, nhiều cơ quan báo chí tiếp tục bị xử phạt, trong đó có nhiều “ông lớn”: báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh đăng nội dung thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động một vụ giết người; VTV đăng phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong phóng sự “lấy chổi quét rau”; ấn phẩm Thế giới tiếp thị của Báo Nông thôn ngày nay bị đình bản 3 tháng và bị phạt bổ sung 140 triệu đồng do đăng phát thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy…
Những cơ quan báo chí vi phạm luật, bị phạt là đương nhiên. Đáng nói, nhiều trường hợp, dù không sai phạm, không bị phạt, nhưng nhà báo, tờ báo bị dư luận trừng phạt khi đưa những nội dung thiếu nhân văn. Chẳng hạn khi một người nổi tiếng rời cõi tạm, tràn ngập trên nhiều trang báo là hình ảnh đau khổ, đáng thương của người thân của họ, cận cảnh đến từng khoảnh khắc. Đến nỗi, xem những bài báo này, một độc giả đã phải lên tiếng: “Đăng ảnh khơi lại nỗi đau người khác, lương tâm nhà báo để ở đâu? Tôi thấy nghèn nghẹn. Dường như báo chí đang khai thác quá giới hạn vào nỗi đau những người thân của các nghệ sĩ đã mất. Đành rằng là một thông tin cần đưa lên báo. Nhưng mọi thứ nên có giới hạn…”. Chưa hết, các nghệ sĩ nổi tiếng ăn gì, uống gì, làm gì, với ai, ở đâu... cũng được nhiều tờ báo khai thác triệt để khiến bạn đọc nghĩ nhiệm vụ của nhà báo là rình mò để đưa những khoảnh khắc rất riêng tư của người nổi tiếng lên mặt báo. Mới đây nhất, ê-kíp thực hiện chương trình và VTV bị dư luận “ném đá” dữ dội khi phát sóng chương trình “60 phút mở” với chủ đề “Làm từ thiện vì ai?”. Và, hình như phổ biến hơn cả là tình trạng giật tít giật gân để câu khách; để kích thích sự hiếu kỳ của người đọc, nhất là trên một số báo mạng. Để rồi bạn đọc có cảm giác bị đánh lừa khi thấy tít một đường, nội dung một nẻo. Niềm tin vào báo chí, theo đó cũng sụt giảm ít nhiều. Ở khía cạnh khác, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, nhà báo chạy đua theo sự kiện, thông tin mà bỏ quên đạo đức khi tác nghiệp, hoạnh họe, dọa nạt cơ sở… cũng khiến nghề báo, nhà báo “mất điểm” trong lòng bạn đọc.
Trong thế giới phẳng, người đọc tiếp cận thông tin nhanh nhạy từ nhiều phía. “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, nên viết như thế nào để làm tròn trách nhiệm và đem lại niềm tin cho bạn đọc là nhiệm vụ cao cả, đồng thời là vinh dự của nhà báo. Những thông tin khách quan, trung thực được viết bằng ngòi bút tử tế, nhân văn luôn được bạn đọc mong chờ và đón nhận.
CHÂU NỮ