Niềm tin vào các quyết sách đúng đắn

HỮU PHÚC 29/01/2021 06:51

Hòa chung khí thế hân hoan của những ngày diễn ra Đại hội XIII của Đảng, người Quảng ở Thủ đô và Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh cũng đặt niềm tin vào sự đổi thay của đất nước trong thời gian tới từ các chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng.

Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.P
Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: H.P

Kỳ vọng của người Quảng ở Thủ đô

Ông Trần Hà – nguyên Phó Trưởng ban Liên lạc đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng tại Hà Nội, nay là Cố vấn Ban liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội cho biết, bản thân ông rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ qua. Đại hội lần này, Trung ương đổi mới cả về nội dung văn kiện, lẫn công tác nhân sự. Nhiệm kỳ đến Đảng cần tập trung làm tốt hơn nữa 3 khâu bao trùm là tiếp tục lấy kinh tế làm trung tâm phát triển; lấy xây dựng Đảng làm khâu then chốt; xây dựng vững chắc nền tảng văn hóa.

Theo ông Hà, thứ nhất tiêu chuẩn của người lãnh đạo ngày nay phải có đức, có tài và đủ sức khỏe. Lấy đức làm gốc; còn tài ở đây là phải am hiểu khoa học công nghệ, nhanh nhạy với thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Thứ hai phải có uy tín với dân; có tài có đức mà dân không tin thì cũng bằng không. Thứ ba quan trọng hơn nữa là người lãnh đạo phải đủ sức khỏe làm việc.

“Với tôi, hai chữ quê hương luôn nghĩa nặng tình sâu. Để Quảng Nam không bị tụt hậu cần phải khơi dậy tinh thần vượt khó vươn lên. Mặc dù đã 93 tuổi, được miễn sinh hoạt chi bộ nhưng hàng tháng tôi vẫn cố gắng sinh hoạt đều đặn nơi cư trú, luôn dõi theo sự phát triển ở quê nhà” – ông Hà bộc bạch.

Góp ý về sự phát triển cho quê hương, ông cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh khẩn trương đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, phải thường xuyên kèm cặp, uốn nắn kịp thời cán bộ, tránh tình trạng để cán bộ hư hỏng quá trầm trọng rồi mới phát hiện, xử lý. “Muốn phát triển đi lên, Quảng Nam cần đoàn kết, lãnh đạo tỉnh phải luôn gần dân, sát dân, chăm lo đào tạo cán bộ trẻ làm lực lượng kế thừa có chất lượng” – ông Hà nói.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng ban Liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Thủ đô Hà Nội cho biết, Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất chu đáo, kể cả chuẩn bị nội dung văn kiện lẫn nhân sự. Đảng tập trung được trí tuệ của toàn dân tộc, phát huy dân chủ một cách thực chất. Nhân sự chuẩn bị khá tốt so với các nhiệm kỳ trước, do chọn lọc từ cơ sở lên. Lòng dân tin vào Đảng một cách vững chắc hơn. Đại hội sẽ ra những quyết sách lớn trong giai đoạn 5 năm đến, kể cả đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí, với Quảng Nam hiện vẫn còn nhiều vùng đặc biệt khó khăn nên các chủ trương, quyết sách cần sát với thực tiễn. Hiện nay, những người Quảng sinh sống, làm việc tại Thủ đô Hà Nội phần lớn là cán bộ, công chức nhà nước.

“Vừa qua nhiều vùng ở miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề bởi sạt lở, thiên tai nên chúng tôi trông chờ Đại hội XIII sẽ đề ra những quyết sách đúng đắn, tập trung phát triển khu vực đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí kỳ vọng.

Đột phá kinh tế biển

Dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam có 19 đại biểu chính thức. Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, thời gian qua Quảng Nam rất chú trọng phát triển kinh tế biển và có tham luận trình bày với chủ đề “Phát huy vai trò khu kinh tế ven biển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”. Năm 1997, khi tái lập tỉnh, Quảng Nam đã chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế ven biển và khẳng định đây là vùng động lực đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. “Tư duy mở” được vận dụng kiên trì, kiên định xuyên suốt trong quá trình thu hút đầu tư.

Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam dự Đại hội XIII tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ảnh: H.P
Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam dự Đại hội XIII tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ảnh: H.P

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói, Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về định hướng và giải pháp phát triển vùng ven biển của tỉnh; trong đó đề ra 7 nhóm chương trình, dự án trọng điểm để phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai và vùng đông nam của tỉnh. Để phù hợp với xu thế phát triển mới, Quảng Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Qua đó, xác định Khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực; là khu vực phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch, dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng biển Chu Lai - Kỳ Hà.

Đến nay, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế mở Chu Lai đã kết nối tương đối đồng bộ. Sân bay Chu Lai đưa vào khai thác với quy mô 1,7 triệu lượt hành khách/năm; cảng Kỳ Hà tiếp nhận các tàu tải trọng 2 vạn tấn và đã tổ chức được các tuyến vận tải quốc tế. Tuyến đường ven biển Võ Chí Công đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đi sân bay Chu Lai và Quảng Ngãi, cùng với các tuyến đường ngang nối thông với quốc lộ 1 và tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất… Tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai đóng góp vào ngân sách tỉnh bình quân 65%/năm. Từ năm 2017, Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. 

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh: “Thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh có được như hôm nay chính là nhờ lợi thế ven biển để phát huy vai trò khu kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, Đảng bộ tỉnh cũng nhìn nhận bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại là tính lan tỏa từ Khu kinh tế mở Chu Lai sang các vùng khác trong tỉnh còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề liên kết ngành, hình thành chuỗi sản xuất còn bất cập...”.

Đề xuất quy hoạch không gian biển quốc gia

Để nâng cao hiệu quả kinh tế biển, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Quảng Nam đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như: chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; phát triển các khu kinh tế công nghệ cao; khu công nghiệp nông - lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách ưu đãi đầu tư và quy chế hoạt động của các khu phi thuế quan, dịch vụ logistics để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. “Chúng tôi mong muốn Trung ương sớm có cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực đầu tư xây dựng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo hình thức xã hội hóa và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không, đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực; cho phép đầu tư nạo vét luồng hàng hải 5 vạn tấn để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Nam Lào. Trung ương sớm thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, thực hiện các dự án khí - điện trong khu vực Khu kinh tế mở Chu Lai” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm tin vào các quyết sách đúng đắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO