Niềm tin vào sự đổi mới

HÀN GIANG - VINH ANH 02/12/2013 08:57

“Đồng thuận và hết sức tin tưởng” là tâm trạng chung của các tầng lớp nhân dân Quảng Nam, khi cuối tuần qua Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

  • Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
  • Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi
Các tầng lớp nhân dân đã tích cực góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức.Ảnh: ĐOAN ANH
Các tầng lớp nhân dân đã tích cực góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức.Ảnh: ĐOAN ANH

Hiến pháp của nhân dân

Ba ngày nay, ông Nguyễn Tất Thắng (thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn) dành phần lớn thời gian để đọc, nghiên cứu toàn văn bản Hiến pháp sửa đổi được đăng tải trên Báo Quảng Nam số ra ngày 29.11.2013. Gặp ông, chúng tôi cảm nhận nét mặt ông Thắng mang đầy vẻ phấn khởi. Ông bảo, cả tháng dành thời gian theo dõi kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, cho đến thời khắc đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận cao, ông như vỡ òa trong niềm hân hoan. Bởi điều mà ông chờ đợi nhất đã đến và đáp ứng được nguyện vọng của ông kể từ khi tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. “Hiến pháp lần này đã thể hiện được tính bao quát, đầy đủ cũng như quy định khá rõ ràng, cụ thể về các chương, điều được hiến định. Quan trọng hơn, Hiến pháp lần này đã chắt lọc được tinh hoa trí tuệ và tâm huyết của toàn dân tộc. Tôi đọc đi, đọc lại và ngẫm nghĩ kỹ từng chương, điều trong toàn văn của Hiến pháp lần này mới đưa ra nhận định như vậy” - ông Thắng bộc bạch.

Khi được hỏi nhận định về bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua lần này, ông Nguyễn Quốc Thái - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Tam Kỳ cho rằng: “Đây là bản Hiến pháp được tổ chức sửa đổi sâu sắc và toàn diện. Nghĩa là việc lấy ý kiến góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thực hiện rộng rãi đến tất cả tầng lớp xã hội, cả trong và ngoài nước, từ nông thôn cho đến thành thị, trong một thời gian khá dài để nhân dân có điều kiện tham gia, đóng góp ý kiến. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã dành nhiều thời gian bàn thảo, nghiên cứu những ý kiến đóng góp của nhân dân. Qua đó đã điều chỉnh và sửa đổi, đến khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 gần như là tuyệt đối. Bản thân tôi thực sự rất phấn khởi khi bản Hiến pháp mới được thông qua, tin tưởng đây là bản Hiến pháp thể hiện ý nguyện của nhân dân, là Hiến pháp của nhân dân”. Trong khi đó, ông Võ Công Úc - Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh bày tỏ: Có thể nhận ra Hiến pháp lần này thể hiện tính nhân văn rất lớn, thể hiện qua việc đưa quyền con người, quyền công dân lên vị trí xứng đáng chỉ sau Chương I là chế độ chính trị. Với 36 điều (từ điều 14 - đến điều 49) đã đảm bảo được nguyên tắc toàn diện nhưng cụ thể”.

Cùng quan điểm, ông Vũ Thanh Mận - Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Đại Lộc nhìn nhận: “Với những quy định cụ thể, đầy đủ về quyền con người, Hiến pháp lần này đã hướng đến sự phát triển toàn diện của con người. Đây cũng là một nhận thức hết sức tiến bộ, bởi con người phát triển sẽ thúc đẩy các mặt khác cùng phát triển”.

Nêu cao trách nhiệm của Đảng

Thời khắc Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, ông Nguyễn Hưng - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An như “cởi” được tâm trạng ưu tư bấy lâu nay. Ông chia sẻ rằng, không thể không ưu tư khi Dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến toàn dân đã nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau đối với Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng. Và ông Hưng tin nguyện vọng của mình cũng như đông đảo nhân dân góp ý về Điều 4 - vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ được tiếp thu. “Vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được Hiến pháp lần này khẳng định. Và quan trọng hơn Hiến pháp đã bổ sung trách nhiệm của Đảng, được quy định tại Khoản 2: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Tôi cho đây là một nhận thức rất mới và tiến bộ. Tôi tin tưởng với mối quan hệ biện chứng Đảng lãnh đạo, nhân dân thực hiện quyền giám sát, nhất định sẽ tạo ra một khối thống nhất, tiếp tục đưa đất nước phát triển bền vững” - ông Hưng nói.

Còn ông Nguyễn Quốc Thái cho hay, trước đó Hội Cựu chiến binh TP.Tam Kỳ đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rộng rãi trong hội viên. Kết quả, có 1.419 ý kiến góp ý. Hội viên thống nhất cao với bản Dự thảo, đặc biệt nhiều ý kiến quan tâm đến Điều 4. Đó là khẳng định vai trò lãnh đạo tuyết đối, toàn diện của Đảng. Vừa qua, có nhiều phần tử lợi dụng việc tham gia sửa đổi Hiến pháp để đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng bằng cách xóa bỏ Điều 4, đòi phi chính trị hóa quân đội…, cán bộ, hội viên cựu chiến binh thành phố đã đấu tranh, kiến quyết phản bác những quan điểm sai trái này. “Theo tôi, với nội dung bao quát, toàn diện, sâu sắc cùng với những điểm mới, tiến bộ được hiến định trong Hiến pháp lần này sẽ là nền tảng quan trọng, căn bản, tạo ra những bước đột phá mới trong chặng đường phát triển sắp tới của đất nước, của dân tộc. Trong đó, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa được khẳng định, được toàn dân nâng tầm vị thế trong định hướng phát triển chung của đất nước, dân tộc” - ông Thái tâm tình. Bày tỏ phấn khởi về việc Quốc hội thông qua Hiến pháp lần này, ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ UBND xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) cũng mong muốn: “Các văn bản luật, dưới luật cần sớm được điều chỉnh, ban hành nhằm cụ thể hóa các nội dung được hiến định trong Hiến pháp nhằm tạo động lực mới đưa đất nước phát triển”.

HÀN GIANG - VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Niềm tin vào sự đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO