Những ngày này, bà con nông dân thị xã Điện Bàn đang tất bật thu hoạch vụ đông xuân. Nhiều người đều vui và phấn khởi khi vụ mùa tiếp tục bội thu.
Năng suất lúa cao
Vác từng bao lúa nặng trịch vừa mới thu hoạch đưa lên xe để kịp vận chuyển về nhà, lão nông Trần Quốc Cường ở thôn La Trung (xã Điện Thọ) cho biết, vụ đông xuân năm nay, ông gieo sạ hơn 10 sào với các giống lúa HT1, Q5 và OM4900. Gia đình đã thu hoạch xong, năng suất đạt xấp xỉ 400kg lúa tươi/sào. Xã Điện Thọ có diện tích sản xuất lúa lớn của thị xã Điện Bàn với trên 586ha. Dọc các tuyến giao thông nội đồng La Trung, Đông Hòa hay thôn Tây, những ngày này không khí trở nên nhộn nhịp, bởi nơi đâu cũng bắt gặp nhiều máy gặt đập liên hợp đang hoạt động hết công suất. Bà con nông dân hối hả đưa lúa về nhà trong tâm trạng phấn chấn. Chủ nhiệm Hợp tác xã Điện Thọ 1 - ông Lê Hữu Ái chia sẻ, ngoài 280ha lúa thương phẩm cho năng suất hơn 70 tạ/ha, vụ đông xuân này, đơn vị còn sản xuất 70ha lúa giống Q5, OM4900 năng suất ước đạt bình quân 80 tạ/ha.
Hầu hết diện tích lúa ở Điện Bàn đều được thu hoạch bằng máy móc. Ảnh: PHẠM LỘC |
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn (nay là Phòng Kinh tế) - ông Nguyễn Đức Chơi cho hay, vụ đông xuân 2014 - 2015 toàn thị xã sản xuất được 5.670ha với các giống chủ lực như HT1, PV6, OM4900, XI23, Q5… Trong đó, lúa giống chiếm hơn 10%, lúa chất lượng chiếm hơn 25% diện tích đất gieo trồng. Mặc dù đầu vụ thời tiết diễn biến khá bất lợi, thế nhưng ngành nông nghiệp đã chủ động khuyến cáo, hướng dẫn bà con gieo sạ đúng lịch thời vụ và đảm bảo cơ cấu giống theo kế hoạch. Thị xã trích 100 triệu đồng mua thuốc diệt chuột sinh học cấp phát cho các địa phương; đồng thời phát động nhân dân ra quân diệt chuột bằng phương pháp thủ công nên đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bị chuột cắn phá. UBND tỉnh còn đầu tư trên 1,2 tỷ đồng xây dựng đập thời vụ ngăn mặn giữ ngọt trên tuyến sông Vĩnh Điện trước khi xuống giống. Nhờ vậy, 1.700ha lúa ở khu vực vùng cát và địa bàn lân cận vẫn đảm bảo được nguồn nước. Qua thống kê cho thấy, năng suất lúa đạt 60 - 62 tạ/ha; riêng diện tích sản xuất giống đạt 70 - 75 ta/ha.
Hoa màu bội thu
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, nhờ 170 máy gặt đập liên hợp được phân bổ đều khắp ở các địa phương nên khi lúa chín đến đâu thì máy móc tập trung thu hoạch dứt điểm đến đó. Do vậy, tiến độ thu hoạch lúa đông xuân ở Điện Bàn diễn ra rất nhanh. Tránh tình trạng tranh giành trên đồng ruộng, các hợp tác xã và địa phương cũng đã phân vùng cho các chủ máy. Dự kiến, đến ngày 10.5, toàn bộ diện tích lúa đông xuân ở thị xã sẽ được thu hoạch dứt điểm. |
Bên cạnh việc thu hoạch lúa, hàng nghìn héc ta cây hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày ở Điện Bàn cũng đang được bà con nông dân thu hoạch rộ. Vốn được mùa lúa, niềm vui của người dân lại được nhân đôi khi các loại cây màu đều cho hiệu quả ấn tượng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phước Liều trú thôn Bến Đền Tây (xã Điện Quang) nói: “Gia đình tôi chỉ gieo 0,5kg hạt bắp giống nhưng thu hoạch đạt khoảng 200kg hạt bắp khô thương phẩm. Còn đậu phụng, năm nay được mùa hơn năm trước thấy rõ, tôi chưa đi ép dầu nhưng đã có người ở tận TP.Hồ Chí Minh “đặt hàng” trước khoảng vài chục lít rồi”. Trú cùng thôn Bến Đền Tây, lão nông Trần Xuân Hường cũng bội thu mùa đậu phụng. Ông cho hay, gia đình xuống giống được gần 4 sào đậu phụng. Sau khi thu hoạch và đem phơi khô xong, ông nhẩm tính ép dầu ước đạt khoảng 150 - 160 lít, cao hơn vụ đông xuân năm trước trên 30 lít dầu phụng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp thị xã, 2 loại cây chủ lực trên địa bàn có diện tích gieo trồng lớn là bắp và đậu phụng với trên 2.300ha cho năng suất khá cao. Trong đó, năng suất cây bắp đạt bình quân hơn 60 tấn/ha và cây đậu phụng đạt 90 tấn/ha. Đối với 337ha ớt, mỗi héc ta ước đạt bình quân 60 tấn ớt tươi. Giá bán giao động 3.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi sào ớt sau khi trừ các khoản chi phí người nông dân Điện Bàn thu lãi gần 15 triệu đồng. Thành quả này có được là do đất đai nơi đây màu mỡ, nguồn nước tưới đảm bảo với hàng trăm ki lô mét đường dây điện kéo phủ khắp biền bãi, bà con nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đạt năng suất cao hơn. Và từ những phế phẩm sau thu hoạch hoa màu, bà con tận dụng làm nguồn thức ăn chăn nuôi bò vỗ béo. Mô hình cho hiệu quả kinh tế cao này đang áp dụng rộng rãi ở các xã, phường đã góp phần đưa nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
CÔNG TÚ - PHẠM LỘC